Trải qua các thời kỳ cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân luôn là cội nguồn sức mạnh, nhân tố quan trọng làm nên mọi thắng lợi trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, giai đoạn nào của cách mạng Việt Nam, Đảng luôn xác định: sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do dân, vì dân. Trong điều kiện cầm quyền, Đảng càng phải đặc biệt quan tâm, chăm lo, củng cố mối liên hệ mật thiết với nhân dân, để Nhân dân tin Đảng, theo Đảng, ủng hộ, giúp đỡ, bảo vệ Đảng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác vận động quần chúng. Theo Người, dân là quý nhất, quan trọng nhất, vì dân là gốc của nước, sức mạnh của quần chúng nhân dân sẽ được tăng lên gấp nhiều lần khi được tập hợp và cùng hướng tới một mục tiêu nhất định. Ngày 15/10/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Dân vận”, đã đưa ra những luận điểm rất quan trọng về công tác dân vận: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 6, trang 234). Trong suốt quá trình cách mạng, quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã luôn thực hiện tốt công tác dân vận. Phong trào “Dân vận khéo” đã phát triển rộng khắp, trở thành đòn bẩy dấy lên phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, đưa cách mạng nước ta tiến lên từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Trong những năm tháng khó khăn, gian khổ nhất khi chính quyền thực dân thi hành “khủng bố trắng” nhằm cắt đứt mối liên hệ giữa Đảng và quần chúng, cơ sở cách mạng thì niềm tin yêu của nhân dân, sự hy sinh, che chở, bảo vệ của nhân dân đã làm nên sức mạnh giúp Đảng kiên cường, vững vàng vượt qua tổn thất, đối mặt với mọi thách thức cam go, giữ vững được niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và tương lai cách mạng. Bằng các hình thức đấu tranh công khai, hợp pháp, nửa hợp pháp thúc đẩy các phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ (1936-1939), phong trào Phản đế (1939-1941), phong trào Mặt trận Việt Minh (1941-1945) tạo được sức lan tỏa rộng rãi, trở thành trung tâm tập hợp mọi tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia, phát triển lực lượng, khơi dậy tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo thành khí thế cách mạng sục sôi, làm nên thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945, khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã khẳng định tính đúng đắn của Cương lĩnh chính trị đầu tiên, là ngọn cờ đoàn kết, tập hợp đông đảo nhân dân, thắng lợi của chiến lược vận động quần chúng của Đảng.
Chỉ với vài nghìn đảng viên, Đảng đã đặt niềm tin tuyệt đối vào sức mạnh to lớn của nhân dân, gắn bó máu thịt, dựa vào sự ủng hộ của nhân dân; tuyên truyền giác ngộ nhân dân hiểu rõ con đường độc lập dân tộc; tổ chức, tập hợp nhân dân, đồng tâm hợp lực đánh đổ thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân, làm nên thắng lợi của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc – kỷ nguyên độc lập, tự do và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Trong lãnh đạo sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng luôn chú trọng công tác dân vận gắn với công tác xây dựng Đảng, hướng tới mọi tầng lớp nhân dân tạo nên sức mạnh tổng hợp bằng các phong trào cách mạng thiết thực. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và mở rộng. Phong trào thi đua ái quốc nhanh chóng được mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng sâu rộng, tạo thành sức mạnh cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc; cổ vũ, động viên toàn quân, toàn dân, khơi dậy ý chí cách mạng, phấn đấu, hy sinh, thi đua lao động, sản xuất vì Tổ quốc làm nên thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; Đại thắng mùa xuân năm 1975 đưa đất nước bước sang thời kỳ mới – thời kỳ hòa bình, độc lập, thống nhất, cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Nguồn: https://nhandan.vn/cong-tac-dan-van-cua-dang-cau-noi-giua-y-dang-va-long-dan-post858474.html