Thứ ba, Tháng hai 4, 2025
HomeThời SựBất ngờ cao tốc dịp Tết thông thoáng hơn, do đâu?

Bất ngờ cao tốc dịp Tết thông thoáng hơn, do đâu?

Cao tốc dịp Tết thông thoáng hơn - Ảnh 1.

Chiều mùng 4 Tết, lượng xe từ các tỉnh miền Trung trở lại TP.HCM tăng đột biến nhưng vẫn lưu thông thông suốt trên cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây – Ảnh: ĐỨC TRONG

Theo ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ, chiều 2-2 (mùng 5 Tết) nhiều xe từ các tỉnh về TP.HCM nên các cao tốc và quốc lộ đông đúc nhưng tài xế không mất hàng giờ “chôn bánh” trên cao tốc như trước đây thường xảy ra.

Mở rộng, nâng cấp hạ tầng giao thông

Những năm trước, người dân có thói quen đổ dồn về quê vào ngày 25 – 27 Tết và trở lại TP.HCM vào mùng 5-6 khiến giao thông bị quá tải.

Tuy nhiên năm nay nhiều người đã chủ động sắp xếp lịch trình hợp lý hơn. Ngay từ mùng 4 Tết một số người đã trở lại thành phố, hình ảnh xe lỉnh kỉnh đồ đạc xuất hiện ở khắp các cửa ngõ.

Nhiều người chủ động chọn đi vào khung giờ ít xe, như sáng sớm hoặc tối muộn, né thời gian cao điểm kẹt xe tại nút thắt thường rơi vào khoảng 6h-9h và 16h – 20h trong các ngày cận và sau Tết.

Việc phân tán thời gian đi lại cũng giúp giảm đáng kể lượng xe cùng một lúc, tránh tình trạng ùn tắc nghiêm trọng.

Một yếu tố quan trọng khác là việc mở rộng và nâng cấp hạ tầng giao thông.

Thời gian qua nhiều dự án quan trọng đã được đẩy nhanh tiến độ, giúp tăng khả năng thông xe như đường song hành cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, hai đoạn cao tốc Bến Lức – Long Thành, đường nối Trần Quốc Hoàn, Dương Quảng Hàm, nút giao Nguyễn Văn Linh, cầu đường Tân Kỳ Tân Quý, đường Lương Định Của, Nguyễn Hoàng (nút giao An Phú)… cơ bản xong một số đoạn hoặc toàn tuyến kịp thời trước Tết, giúp xe cộ đi lại dễ dàng hơn.

Hay việc vận hành chính thức tuyến metro số 1 cũng đã “chia lửa” cho trục đường Võ Nguyên Giáp, xa lộ Hà Nội cùng các tuyến lân cận.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam cho biết việc tìm hiểu trước về tình hình giao thông thông qua các ứng dụng giao thông và báo đài để chọn thời điểm xuất phát góp phần giảm tải ở các tuyến.

Phân luồng, điều tiết từ xa

Sở dĩ có chuyển biến tích cực như năm nay vì nhiều lý do. Trong đó, việc phân luồng giao thông hợp lý hơn có thể dễ dàng nhận thấy.

Sở Giao thông vận tải TP.HCM, lực lượng cảnh sát giao thông cùng các bên liên quan đã có kế hoạch phân luồng từ xa, phối hợp điều tiết giao thông hợp lý. Việc đóng mở cao tốc linh hoạt và không xảy ra bất ngờ hay bị dồn cục tại một điểm.

Trong những ngày cao điểm nghỉ Tết, Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 6 (Phòng 6 – Cục Cảnh sát giao thông) huy động tối đa lực lượng và xe tuần tra từ Nha Trang đến TP.HCM.

Đây là các đoạn cao tốc liền mạch với nhau, dài nhất ở cửa ngõ phía đông thành phố.

Đội 6 bố trí 18 tổ cảnh sát giao thông đi mô tô và ô tô đặc chủng tuần tra dọc tuyến để sẵn sàng xử lý tình huống phát sinh, gỡ ùn ứ.

Đặc biệt cầu Long Thành là “nút thắt cổ chai” thuộc đoạn cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, mỗi bên chỉ có hai làn đường, khi gặp sự cố thì việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn.

Ngoài việc bố trí các tổ tuần tra lưu động trên tuyến chính, Đội 6 còn phối hợp với lực lượng công an các tỉnh để phân luồng, điều tiết từ xa và hạn chế cho xe tập trung quá đông vào đường cao tốc.

Khi lượng xe bắt đầu đông, các tổ sẽ đóng rào chắn từ xa, hướng dẫn chạy ra quốc lộ 1. Và khi thông thoáng trở lại sẽ mở các lối ra vào cao tốc để người dân tiếp tục hành trình. “Chỉ có thể làm phương án như vậy mới giảm tải được cho cao tốc” – đại diện Đội 6 cho biết.

Cũng theo Đội 6, nhờ các phương án xử lý như trên nên dịp Tết năm nay tình hình tai nạn giao thông và ùn ứ giảm đáng kể, không nhiều như các năm trước. Đồng thời trước Tết các đơn vị cũng thông tin rộng rãi đến người dân về việc lựa chọn một số lộ trình khác phù hợp với thực tế là cách quan trọng để giảm kẹt xe.

Cao tốc dịp Tết thông thoáng hơn - Ảnh 2.

Dòng xe ùn ùn kéo dài từ cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ về trung tâm Hà Nội vào chiều mùng 5 Tết – Ảnh: HỒNG QUANG

Cục Cảnh sát giao thông: Ùn ứ cục bộ dịp Tết được khắc phục nhanh

Theo đánh giá của Cục Cảnh sát giao thông, tình hình trật tự an toàn giao thông trên cả nước trong 9 ngày nghỉ Tết Ất Tỵ cơ bản được đảm bảo. Lưu lượng xe tăng cao, nhất là các ngày trước và sau kỳ nghỉ Tết, dẫn đến ùn ứ tại một số tuyến ra vào cửa ngõ Hà Nội, TP.HCM và các tuyến cao tốc, cầu Rạch Miễu (nối hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre).

Tuy nhiên, cơ quan này đánh giá tình hình ùn ứ cục bộ dịp Tết năm nay được khắc phục nhanh hơn, sớm đưa tình trạng giao thông trở lại bình thường.

Cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ là trục cửa ngõ phía nam và là khu vực “nóng” nhất trong mỗi kỳ nghỉ lễ tại Hà Nội.

Ông Tạ Văn Vĩnh, trưởng Văn phòng Quản lý đường bộ I.6 (Cục Đường bộ), cho biết theo ước tính sơ bộ, lưu lượng trên tuyến này tăng khoảng 5-6% so với cùng kỳ. Cục bộ có một số ngày xảy ra ùn tắc là 25-1 (26 âm lịch – ngày đầu tiên nghỉ Tết) và ngày 1-2 (mùng 4 Tết).

Tình hình chung trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ được đánh giá không quá căng thẳng và có sự cải thiện rõ rệt so với các kỳ nghỉ lễ, Tết trước đây. Nguyên nhân được lý giải là thời gian nghỉ trước Tết năm nay được kéo dài hơn, đồng thời sau Tết sinh viên nhiều trường đại học và người lao động, buôn bán tự do sẽ có thời gian nghỉ lâu hơn, không tập trung trở lại vào một thời điểm.

Cùng quan điểm, thượng tá Nguyễn Mạnh Thắng (đội trưởng Đội cảnh sát giao thông đường bộ cao tốc số 3 – Cục Cảnh sát giao thông) cho biết tình hình trên suốt trục cao tốc từ Hà Nội tới Thanh Hóa cơ bản được đảm bảo trong 9 ngày nghỉ Tết.

Rút kinh nghiệm từ các kỳ nghỉ lễ trước đây, cảnh sát giao thông trên tuyến huyết mạch phía nam thủ đô đã có các phương án để phòng chống tình trạng ùn tắc khi lưu lượng tăng đột biến hoặc có sự cố tai nạn.

Đội cảnh sát giao thông đường bộ cao tốc số 3 đã bố trí 15 tổ cảnh sát đi mô tô dọc tuyến cao tốc để sẵn sàng xử lý tình huống phát sinh, gỡ ùn tắc… Đồng thời thường xuyên phát cảnh báo khi lưu lượng gia tăng trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Cao tốc dịp Tết thông thoáng hơn - Ảnh 3.

Xe rồng rắn nối đuôi nhau vào phía Nam trên đường cao tốc qua miền Trung chiều 2-2 – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Một giải pháp quan trọng để kéo giảm ùn tắc trên đường cao tốc, theo ông Thắng, đó là giảm các vụ tai nạn, va chạm giao thông. Trong dịp nghỉ Tết năm nay, tai nạn giao thông trên tuyến đường này giảm, không xảy ra tai nạn liên quan đến xe khách.

“Từ trước Tết, chúng tôi đã tập trung xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến xe khách, xe đi vào làn dừng khẩn cấp, tài xế dùng điện thoại khi lái xe…, từ đó hiệu quả trong việc kéo giảm tai nạn”, theo ông Thắng.

Tài xế xe dịch vụ Đinh Gia Long (43 tuổi, quê Nghệ An) cho biết để tránh kẹt xe tại cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, dịp Tết năm nay nhiều người lựa chọn cung đường thay thế thông qua tuyến đường 14 làn, rộng hơn cả cao tốc ở Hưng Yên.

Các tài xế có thể thoát ra khỏi cao tốc tại nút giao Liêm Tuyền, sau đó đi theo hướng cầu Hưng Hà – đường nối hai cao tốc rộng 14 làn – nút giao Yên Mỹ – cao tốc Hà Nội – Hải Phòng rồi vào trung tâm thành phố thông qua vành đai 3 hoặc cầu Vĩnh Tuy.

“Tết này tôi chở khách đi tuyến này rất thông suốt, thời gian cũng nhanh chóng hơn rất nhiều”, anh Long chia sẻ.

Sau chuyến du lịch kéo dài 3 ngày tại Sa Pa (Lào Cai), gia đình anh Dương Anh Tuấn (35 tuổi, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) mất gần 6 tiếng để về tới nhà cho quãng đường khoảng 310km.

“Ngày cuối nghỉ Tết, tôi chuẩn bị sẵn tinh thần sẽ kẹt xe, nhưng tình hình ổn hơn tôi nghĩ rất nhiều. Gia đình tôi chỉ kẹt lại một chút đoạn từ trạm thu phí về nút giao quốc lộ 2 do chờ nhịp đèn đỏ”, anh Tuấn chia sẻ.

Trong khi đó, dù có lưu lượng tăng cao nhưng trên tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng dịp Tết năm nay không xảy ra ùn tắc.

Theo đơn vị vận hành tuyến, ngày cao điểm nhất trước Tết là 26-1 (27 âm lịch) với lưu lượng khoảng 115.000 lượt/ngày đêm (tăng khoảng 19.000 lượt so với ngày cao nhất năm 2024). Sau Tết, hai ngày nghỉ cuối cùng trên tuyến có lưu lượng khá đồng đều với khoảng 100.000 lượt xe/ngày đêm.

Cao tốc dịp Tết thông thoáng hơn - Ảnh 4.

Do lượng xe người dân từ TP.HCM và các tỉnh thành đi du xuân, du lịch… các tỉnh miền Trung đông đúc, nên xảy ra ùn ứ tại cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (TP Thủ Đức) sáng mùng 2 Tết – Ảnh: TTO

Miền Tây: đi lại thuận tiện hơn nhờ cao tốc

Ngày 3-2, người dân các tỉnh miền Tây đã quay lại TP.HCM và các tỉnh miền Đông sau nhiều ngày nghỉ Tết. Ngoài “điểm nghẽn” cầu Rạch Miễu, những tuyến đường khác như quốc lộ 1, đường N2… năm nay không còn tình trạng kẹt xe kéo dài nhờ có cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ thông tuyến.

Những năm trước “đến hẹn lại lên”, các nẻo đường về miền Tây thường xảy ra tình trạng kẹt xe trước và sau Tết. Nhưng năm nay, theo ghi nhận, “điểm nóng” duy nhất là cầu Rạch Miễu.

Tại khu vực này, tính đến ngày 3-2 trạm thu phí BOT cầu Rạch Miễu đã phải xả trạm 45 lần để giải tỏa bớt lượng xe bị ùn ứ hai đầu đường dẫn lên cầu. Trong 10 ngày trước, trong và sau Tết, duy nhất chỉ có mùng 1 Tết khu vực cầu Rạch Miễu không xảy ra kẹt xe, các ngày còn lại đều xảy ra ùn ứ, có những ngày kẹt xe từ sáng sớm đến đêm khuya.

“Điểm sáng” của giao thông miền Tây năm nay là không có nhiều tuyến đường bị kẹt xe như những năm trước.

Điển hình như quốc lộ 1 và đường N2, những năm trước là nỗi ám ảnh của người dân các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang… nhưng năm nay việc đi lại nhẹ nhàng hơn. Tình trạng ùn ứ nhẹ chỉ xảy ra vào một số khung giờ cao điểm và tại một số giao lộ như ngã tư Lương Phú, ngã tư Đồng Tâm (tỉnh Tiền Giang) hay đường N2 (đoạn qua tỉnh Long An).

Có được điều trên, sự góp sức của tuyến cao tốc duy nhất nối các tỉnh miền Tây với TP.HCM đóng vai trò rất lớn.

Đại diện Tập đoàn Đèo Cả (đơn vị quản lý, khai thác tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận) cho biết ngày thường tuyến đường này có khoảng 20.000 – 30.000 lượt xe qua lại. Còn những ngày Tết, lượng xe có thể lên đến 50.000 lượt mỗi ngày đêm. Tuy nhiên, tuyến đường vẫn có thể đáp ứng được.

Nhờ lượng ô tô rất lớn chạy vào đường cao tốc nên quốc lộ 1 (đoạn qua TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long…) không còn tình trạng quá tải như trước, xe máy của người dân đi lại trong dịp Tết cũng thông thoáng hơn.

Trong khi đó, Đội CSGT đường bộ cao tốc số 7 cho biết trong dịp Tết đã huy động 100% quân số, sử dụng toàn bộ phương tiện sẵn có, bố trí lực lượng CSGT ở 8 nút giao cắt trên toàn tuyến, sẵn sàng hỗ trợ trên tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ và giải quyết nhanh chóng các sự cố, giao thông không bị ùn tắc.

Tai nạn giảm mạnh

Cục Cảnh sát giao thông cho biết trong 9 ngày nghỉ Tết Ất Tỵ (từ 25-1 đến 2-2) có 445 vụ tai nạn xảy ra trên cả nước, làm chết 207 người và bị thương 372 người.

So với cùng kỳ, số tai nạn giảm 257 vụ (-36,7%), giảm 124 người chết (-37,4%), giảm 232 nạn nhân bị thương (-38,4%). Các vụ tai nạn đa số xảy ra trên đường bộ.

Cùng thời điểm trên, cảnh sát giao thông cả nước đã xử lý 55.842 trường hợp vi phạm, tước 2.985 bằng lái các loại, trừ điểm 7.035 giấy phép lái xe.

Đồng thời có hơn 21.000 xe cộ đã bị tạm giữ. So với cùng kỳ, số vi phạm bị xử phạt giảm 40.261 trường hợp (-41,8%). Trong đó vi phạm về nồng độ cồn là 17.149 trường hợp (chiếm 30,7%); so với cùng kỳ, số vi phạm này giảm 20.365 trường hợp (-54,2%).

Nguồn: https://tuoitre.vn/bat-ngo-cao-toc-dip-tet-thong-thoang-hon-do-dau-202502040750263.htm

TuoiTre Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay