Ngày 5-2, tiếp tục phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi).
Một trong những nội dung đáng chú ý, dự thảo Luật quy định cơ chế hoạt động của UBND nơi tổ chức cấp chính quyền địa phương (có HĐND) và nơi không tổ chức cấp chính quyền địa phương (không có HĐND).
Theo đó, Chính phủ đề xuất tại nơi tổ chức cấp chính quyền địa phương, UBND do HĐND cùng cấp bầu, là cơ quan chấp hành của HĐND, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương, HĐND cùng cấp và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.
Tại nơi không tổ chức cấp chính quyền địa phương, UBND do UBND cấp trên trực tiếp thành lập, làm việc theo chế độ thủ trưởng.
Đề xuất UBND hoạt động thống nhất theo chế độ thủ trưởng
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết Thường trực Ủy ban đánh giá quy định về tổ chức và hoạt động của UBND như dự thảo Luật chưa thể hiện rõ yêu cầu đổi mới về tổ chức và hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.
Đồng thời, chưa có cơ chế để tăng cường tính tự chủ, chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của UBND, chưa phân định rõ phạm vi trách nhiệm giữa Chủ tịch UBND với tập thể UBND.
Quy định trên dẫn đến sự phức tạp, thiếu thống nhất trong mô hình tổ chức cơ quan hành chính ở địa phương vì tuy có cùng tên gọi là UBND nhưng UBND ở nơi có HĐND và nơi không tổ chức HĐND lại có nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc hoạt động và chế độ trách nhiệm khác nhau.
“Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị quy định thống nhất theo hướng cả nơi tổ chức cấp chính quyền địa phương và nơi không tổ chức cấp chính quyền địa phương thì UBND đều được tổ chức theo mô hình cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương làm việc theo chế độ thủ trưởng” – ông Hoàng Thanh Tùng nói.
Cụ thể, chủ tịch UBND là người đứng đầu UBND, chịu trách nhiệm trước HĐND cùng cấp (đối với nơi có tổ chức HĐND), trước cơ quan nhà nước cấp trên và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND.
Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND, các cơ quan chuyên môn, tổ chức, đơn vị trực thuộc (đối với cấp tỉnh, huyện) hoặc công chức ở cấp xã sẽ là bộ phận hợp thành cơ cấu của UBND ở từng cấp.
Theo ông Tùng, việc không duy trì các chức danh Ủy viên UBND đồng thời là người đứng đầu cơ quan chuyên môn của UBND cũng giúp cho việc phân tách nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm rõ ràng hơn của người đứng đầu các cơ quan này trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của UBND và của cơ quan chuyên môn…
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng việc đồng nhất nhiệm vụ, quyền hạn của UBND và Chủ tịch UBND (nói cách khác, Chủ tịch UBND là người tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND) sẽ đề cao tính chủ động và trách nhiệm của người đứng đầu, giải quyết được vấn đề về mở rộng thẩm quyền phân cấp của chính quyền địa phương các cấp.
Điều này phù hợp với yêu cầu cải cách, đổi mới một cách mạnh mẽ tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đơn giản hóa nền hành chính, tập trung quản lý theo kết quả.
Báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá đây là một ý mới, Chính phủ không trình nhưng Ủy ban Pháp luật có thảo luận và đề xuất. Vì vậy, theo ông, nếu Chính phủ và Thường vụ Quốc hội thống nhất, Thường vụ Đảng ủy hai cơ quan bàn để thống nhất báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến.
“Tôi được Chủ tịch phân công cùng với anh em làm việc này thấy rằng nếu làm được như vậy thì đây là một cuộc cách mạng lớn và không vướng Hiến pháp” – Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Bày tỏ ủng hộ đề xuất trên, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nói mô hình UBND là cơ quan hành chính để thực hiện chế độ thủ trưởng rất hay.
“Khi anh em ngồi làm việc với Ủy ban Pháp luật và báo cáo lại, tôi đồng tình ngay vì đấy là xu thế của thế giới. Nhiều nước trên thế giới hiện có thị trưởng, tỉnh trưởng. Mô hình này rất hay, vừa phù hợp với xu thế, vừa phát huy được vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp hành chính địa phương” – Bộ trưởng Nội vụ cho rằng nếu làm được điều này rất tốt, là một cuộc cách mạng về tư duy trong vấn đề quản trị địa phương.
Bà Phạm Thị Thanh Trà cho biết ngày mai (6-2), nội dung này sẽ được tiếp thu để Đảng ủy Chính phủ thống nhất với Đảng ủy Quốc hội trình Bộ Chính trị cho ý kiến.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cân nhắc kỹ mô hình này. Theo ông, thẩm quyền chung của UBND là tập thể; thẩm quyền riêng là quyền Chủ tịch UBND cấp tỉnh, TP.
Các luật, trong các quyết định của Quốc hội, Chính phủ đều giao quyền cuối cùng do chủ tịch UBND tỉnh, TP quy định. Chính vì vậy, nếu mở rộng, tăng thêm quyền của chủ tịch UBND sẽ hợp lý hơn, không nên bỏ chế độ tập thể.
Trao đổi lại sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết với đề xuất của Ủy ban Pháp luật, UBND tổ chức theo phương thức mới thực hiện chế độ thủ trưởng, không tiếp tục bố trí những người đứng đầu các sở ngành là thành viên UBND.
“Điều này do quy định của luật chứ không nằm trong quy định của Hiến pháp nên không vướng với quy định của Hiến pháp” – ông Tùng khẳng định và nói Hiến pháp không quy định UBND phải hoạt động theo chế độ tập thể, còn HĐND đương nhiên vì đây là cơ quan hoạt động tập thể.
Hiện nay, tất cả UBND ở những địa bàn không tổ chức cấp chính quyền địa phương (không có HĐND) đều hoạt động theo chế độ thủ trưởng và điều này Quốc hội đã quy định. Bây giờ mở rộng ra, kể cả ở những địa bàn có HĐND thì UBND cũng làm việc theo chế độ thủ trưởng.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát xem có quy định nào vi hiến hay không, nếu vi hiến thì loại ra. “Nếu không vi hiến thì đây là đổi mới rất lớn” – ông Bình nói và đề nghị đưa ra bàn trong phạm vi của hai Đảng ủy Chính phủ và Quốc hội để thống nhất.
“Nếu hai bên thống nhất sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến” – theo ông Bình.
Nguồn: https://plo.vn/xin-y-kien-bo-chinh-tri-quy-dinh-ubnd-hoat-dong-theo-che-do-thu-truong-post832883.html