Trong 100 năm tồn tại của nhà Lê sơ, nạn tham nhũng tùy vào triều vua có những biểu hiện khác nhau. Nhưng nhìn chung, những kẻ “sâu dân, mọt nước” luôn là mối bận tâm của chính quyền.
Nắm giữ luật pháp nhưng tham ô
Thời vua Lê Thái Tổ (1428 – 1433), triều đại mới thiết lập, vua tôi đang ra sức xây dựng nước nhà. Đại Việt sử ký toàn thư chỉ ghi nhận trường hợp tham nhũng của tù trưởng Châu Ngọc Ma ở Nghệ An là Cầm Quý “bắt dân đóng góp nặng, nói láo là để nộp cống, nhưng thực ra là vơ hết về mình”. Trong thời trị vì của mình, vua Lê Thái Tông năm Ất Mão (1435) bày tỏ sự lo ngại về nạn tham ô, hối lộ nơi quan lại khi phê phán những kẻ lưng đai, tay hốt chỉ biết vinh thân phì gia, thực hiện chức trách thì “xử kiện không công bằng, chỉ gây bè phái, lo hối lộ”.
![Nhà Lê sơ làm trong sạch chốn quan trường: Nhức nhối nạn 'sâu dân'- Ảnh 1. Nhà Lê sơ làm trong sạch chốn quan trường: Nhức nhối nạn 'sâu dân'- Ảnh 1.](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/Nhuc-nhoi-nan-sau-dan.jpg)
Ván in Đại Việt sử ký toàn thư, bộ sử ghi nhiều vụ việc tham nhũng thời Lê sơ
ẢNH: TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA IV
Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, năm Mậu Thìn (1448) thời vua Lê Nhân Tông (thái hậu Nguyễn Thị Anh đang nhiếp chính vì vua còn nhỏ) có dụ truyền cho bá quan: “Ngày nay còn có những kẻ không giữ phép nước, ăn hối lộ, làm việc riêng tư”. Năm sau, Việt sử cương mục tiết yếu ghi thái hậu bày tỏ sự lo lắng hiện trạng công thần cậy quyền thế nhận lời gửi gắm, chạy chọt hoặc cho kẻ hầu người hạ ức hiếp dân lành. Quang Thuận trung hưng ký đã nhìn nhận về thời Nhân Tông là: “Vua đàn bà mắt nhắm, buông rèm ngồi chốn thâm khuê; Bọn họ ngoại lòng tham, giúp ngược ngay từ trong nước. Dùng kẻ thân yêu giữ việc, lấy của đút lót công khai”.
Là vị vua sáng, trị nước nghiêm minh, Lê Thánh Tông cũng bức xúc về tham quan, ô lại, ngay cả ở nơi Bộ Hình. Việt sử cương mục tiết yếu ghi lại trong sắc chỉ năm Canh Tý (1480), vua lên án thực trạng nhiễu nhương của những kẻ nắm giữ cán cân pháp luật: “Xét xử án kiện, phần nhiều tư túi, lấy của đút lót, oan trái nhiều, sầu than lắm”.
Tiếp đời vua Lê Hiến Tông rất để tâm tới diệt trừ nạn tham nhũng. Với nhãn quan của người ở ngôi cao, trong sắc ban xuống cho quan viên năm Kỷ Mùi (1499), vua lo lắng tệ nạn hối lộ, tham nhũng tràn lan nơi quan trường: “Tham tiền khoét của, vẫn theo lỗi xưa. Kẻ thì chỉ lo hại người để béo mình, kẻ thì đam mê tửu sắc mà chẳng bỏ, kẻ thì dựa thế đang lên nghĩ cách bóc lột, kẻ thì nhân được gả xuống mà mặc sức vét bòn, kẻ thì cho nhờ vả che chở làm mưu hay mà vứt bỏ phép nước, kẻ thì lấy yêu sách, đánh đập làm kế giỏi”. Rồi vua kết luận: “Việc quân, việc nước hỏng nát không lúc nào nghiêm trọng bằng lúc này”. Sau này, thời Lê Túc Tông trị vì chỉ có 6 tháng (1504), vua chưa kịp làm gì thì mất nên cũng không có một văn bản nào nêu lên hiện trạng này.
Ngoại thích đục tiền, khoét của
Vua Lê Uy Mục (1505 – 1509) nối ngôi, dùng thân thích bên ngoại dẫn tới bọn này dựa quyền thế bóc lột, nhũng nhiễu dân. Sách Trị bình bảo phạm (Khuôn phép quý báu về việc trị bình) lên án thời vua Lê Uy Mục: “Nhiều kẻ gian phi ra vào nhà bọn ác đảng ở các làng Phù Chẩn [quê mẹ ruột vua], Hoa Lăng [quê mẹ nuôi vua], có kẻ giả xưng là họ hàng của bọn ấy, có kẻ đi tìm mua tờ thiếp, để xâm chiếm ruộng đất của dân, cướp đoạt tiền tài của dân, đánh đập dân lương thiện”.
![Nhà Lê sơ làm trong sạch chốn quan trường: Nhức nhối nạn 'sâu dân'- Ảnh 2. Nhà Lê sơ làm trong sạch chốn quan trường: Nhức nhối nạn 'sâu dân'- Ảnh 2.](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/1738797307_297_Nhuc-nhoi-nan-sau-dan.jpg)
Vua Lê Thánh Tông nhiều lần phê phán tệ tham nhũng
Sang thời Lê Chiêu Tông (1516 – 1522) rồi Lê Cung Hoàng (1522 – 1527), quyền hành dần rơi vào tay Mạc Đăng Dung. Sử cũ không ghi lại văn bản nào của hai vua này đề cập nạn tham nhũng, nhưng không phải vì thế mà tham nhũng không hiện diện. Đơn cử qua sớ của Mạc Đăng Dung về trường hợp của Lê Quảng Độ, đã thấy được phần nào sự hoành hành của bọn “sâu dân, mọt nước” cuối thời Lê sơ.
Lê Quảng Độ từ thời Tương Dực đã giữ quyền cao chức trọng, là Thiệu quốc công, gia phong làm Bình chương quân quốc trọng sự, Tổng thống quốc chính, Thái tể thái sư, giữ chức tể tướng. Nhưng Trần Cảo gây loạn năm Bính Tý (1516), Độ cùng Trịnh Duy Sản mưu giết vua Lê Tương Dực, đầu hàng Trần Cảo. Đến đầu đời Lê Chiêu Tông, Lê Quảng Độ bị bắt. Trong sớ dâng lên vua xin giết Quảng Độ, Mạc Đăng Dung vạch trọng tội đục khoét tiền của thiên hạ: “Chỉ chăm điều bán ngục mua quan. Trong thì các chức phủ, vệ đều từ cửa hắn mà ra, ngoài thì các quan thừa hiến đều do tay hắn tuyển bổ. Dạ tham lam, như khe suối vô tận, bọn chạy chọt thì cờ xí rước mời. Đục khoét xóm làng, dân dã khốn cùng mà không thương xót”, Toàn thư chép. (còn tiếp)
(Lược trích từ tác phẩm Nhà Lê sơ (1428 – 1527) với công cuộc chống nạn “sâu dân,
mọt nước” – NXB Tổng hợp TP.HCM, có bổ sung tư liệu)
Nguồn: https://thanhnien.vn/nha-le-so-lam-trong-sach-chon-quan-truong-nhuc-nhoi-nan-sau-dan-185250205215436807.htm