EU và Malaysia vừa tuyên bố tái khởi động đàm phán về một FTA đầy tham vọng và cân bằng, qua đó đánh dấu bước tiến quan trọng trong quan hệ thương mại song phương, hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho cả hai bên.
Theo EU, FTA với Malaysia sẽ hướng tới việc xây dựng mối quan hệ đối tác dựa trên cam kết mạnh mẽ về quyền lao động, bảo vệ môi trường, đồng thời thúc đẩy sự tham gia chiến lược của EU vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang phát triển nhanh chóng.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhấn mạnh, là đối tác thương mại lớn thứ 3 của EU trong ASEAN và đang đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2025, Malaysia đóng vai trò trung tâm trong việc định hình hướng đi của khối tại khu vực giàu tiềm năng này. Mối quan hệ thương mại sâu rộng hơn với Malaysia không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nhiều việc làm mà còn góp phần tăng cường chuỗi cung ứng toàn cầu, bảo đảm an ninh kinh tế cho EU.
Cùng với Malaysia, Ấn Độ cũng là thị trường đầy tiềm năng mà EU đang tiếp tục hướng đến. Tại cuộc đối thoại cấp cao về thương mại và đầu tư giữa EU và Ấn Độ mới đây, hai bên đã nhất trí thúc đẩy đàm phán một thỏa thuận cùng có lợi, không chỉ giúp tăng cường hợp tác thương mại mà còn hỗ trợ phát triển các chuỗi cung ứng công nghệ sạch, phù hợp với nhu cầu kinh tế dài hạn.
Ủy viên châu Âu về thương mại và an ninh kinh tế Maros Sefcovic nhấn mạnh, quan hệ đối tác EU-Ấn Độ mang tầm chiến lược lâu dài. Ấn Độ là một trong những nền kinh tế lớn phát triển nhanh hàng đầu thế giới và là một nhân tố quan trọng trong quản trị kinh tế toàn cầu. Trong khi EU là đối tác thương mại hàng đầu và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Ấn Độ, thì Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ 9 của EU.
Hoạt động thương mại hàng hóa giữa hai bên đã tăng gần 90% trong mười năm qua. Khoảng 6.000 doanh nghiệp châu Âu đang đầu tư, kinh doanh tại Ấn Độ. Vì vậy, một FTA cân bằng và toàn diện được kỳ vọng sẽ giúp khai thác hiệu quả tiềm năng hợp tác song phương, mang đến những lợi ích to lớn cho nền kinh tế EU.
Những bước đi tích cực của EU trong thúc đẩy quan hệ với các đối tác diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế EU đang đối mặt nhiều thách thức. Theo số liệu mới nhất của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), tăng trưởng kinh tế của Khu vực đồng euro (Eurozone) trong quý IV/2024 đã chững lại.
Trong khi đó, triển vọng tăng trưởng trong năm 2025 vẫn còn mờ mịt, khi đối mặt những rủi ro lớn như căng thẳng địa chính trị, gia tăng bảo hộ thương mại và áp lực từ chính sách của Mỹ. Giới chuyên gia nhận định, nếu Mỹ áp đặt mức thuế từ 10% đến 20% đối với hàng hóa nhập khẩu từ châu Âu, Eurozone có thể đối mặt nguy cơ suy thoái.
Trong bối cảnh đó, mở ra những cánh cửa hợp tác kinh tế mới chính là chìa khóa quan trọng để EU củng cố nền kinh tế. Trong 5 năm qua, nhờ mạng lưới dày đặc thỏa thuận thương mại với các đối tác, khoảng 140 rào cản đối với hàng xuất khẩu của EU sang hơn 40 quốc gia đã được xóa bỏ, mang lại lợi ích trực tiếp cho các nhà sản xuất, nông dân và người tiêu dùng.
Phó Chủ tịch điều hành EC Valdis Dombrovskis khẳng định, thương mại cởi mở, dựa trên luật lệ và công bằng là yếu tố không thể thiếu để duy trì sự thịnh vượng, khả năng cạnh tranh và an ninh kinh tế của khối. Vì vậy, mở ra cơ hội xuất khẩu mới, phá bỏ các rào cản thương mại và đa dạng hóa nguồn cung là ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngoại giao kinh tế của Liên minh Cờ xanh.
Nguồn: https://nhandan.vn/eu-mo-ra-nhung-canh-cua-hop-tac-kinh-te-moi-post858970.html