Thứ sáu, Tháng hai 7, 2025
HomeThế GiớiMỹ tiếp quản Gaza và di dời dân Palestine như ý ông...

Mỹ tiếp quản Gaza và di dời dân Palestine như ý ông Trump, có đúng luật quốc tế?

Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Israel – ông Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng hôm 4-2, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng Mỹ sẽ tiếp quản Dải Gaza.

“Mỹ sẽ tiếp quản Dải Gaza. Chúng tôi sẽ sở hữu vùng đất và chịu trách nhiệm tháo dỡ tất cả các quả bom nguy hiểm chưa nổ và các vũ khí khác trên địa điểm này. Chúng tôi sẽ san bằng địa điểm này, và loại bỏ các tòa nhà bị phá hủy để tạo ra một sự phát triển kinh tế sẽ cung cấp số lượng việc làm và nhà ở không giới hạn cho người dân trong khu vực, làm một công việc thực sự, làm một điều gì đó khác biệt” – ông Trump nói.

Trước khi nói đến kế hoạch Mỹ tiếp quản Gaza ông Trump nêu ý kiến di dời phần lớn người Palestine ra khỏi dải đất này sang các nước láng giềng như Ai Cập và Jordan.

Vậy tuyên bố của ông Trump về việc Mỹ tiếp quản Gaza có phù hợp luật pháp quốc tế?

Kế hoạch của ông Trump về việc Mỹ tiếp quản Gaza dưới lăng kính luật quốc tế
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 4-2. Ảnh: ANADOLU AGENCY

Mỹ tiếp quản Gaza – kế hoạch gây tranh cãi

Kế hoạch của ông Trump về việc Mỹ tiếp quản Gaza vấp phải phản ứng gay gắt từ các bên trong khu vực và cộng đồng quốc tế.

Lãnh đạo cấp cao của Hamas – ông Sami Abu Zuhri nói rằng lời kêu gọi của ông Trump là một “cuộc trục xuất người Palestine khỏi đất đai của họ”. “Những phát biểu của ông Trump về mong muốn kiểm soát Dải Gaza là vô lý và lố bịch, và bất kỳ ý tưởng nào như thế này đều có khả năng châm ngòi cho căng thẳng khu vực” – kênh Al-Jazeera dẫn lời ông Zuhri.

“Chúng tôi coi kế hoạch của ông Trump là công thức tạo ra sự hỗn loạn và căng thẳng trong khu vực vì người dân Gaza sẽ không cho phép những kế hoạch như vậy được thông qua” – ông Zuhri nói thêm.

Tổng thư ký Hussein al-Sheikh của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) nói rằng PLO bác bỏ mọi lời kêu gọi di dời người dân Palestine khỏi quê hương của họ. “Lãnh đạo Palestine khẳng định lập trường vững chắc rằng giải pháp hai nhà nước, phù hợp với tính hợp pháp quốc tế và luật pháp quốc tế, là sự đảm bảo cho an ninh, ổn định và hòa bình” – ông al-Sheikh viết trên mạng xã hội X.

Ngoại trưởng Ai Cập Badr Abdelatty đã thảo luận về kế hoạch của Tổng thống Trump với Thủ tướng Palestine Mohammad Mustafa. Hai bên bàn về tầm quan trọng của việc tiến hành các dự án phục hồi ở Gaza mà không cần người Palestine rời khỏi lãnh thổ.

Saudi Arabia nói rằng nước này sẽ không bình thường hóa quan hệ với Israel nếu không thành lập nhà nước Palestine. “Saudi Arabia cũng nhắc lại tuyên bố trước đó của mình rằng chúng tôi hoàn toàn phản đối mọi hành vi xâm phạm quyền hợp pháp của người dân Palestine, dù là thông qua chính sách định cư của Israel, việc sáp nhập đất đai của người Palestine hay các nỗ lực di dời người dân Palestine khỏi đất đai của họ” – theo Bộ Ngoại giao Saudi Arabia.

Iran tuyên bố nước này “không đồng ý với bất kỳ hành động nào di dời người Palestine” và đã thông báo điều này qua nhiều kênh khác nhau.

Về phía Nga, người phát ngôn Điện Kremlin – ông Dmitry Peskov cho biết Nga bác bỏ kế hoạch Mỹ tiếp quản Gaza, nói rằng giải pháp hai nhà nước là cách duy nhất để giải quyết xung đột Trung Đông.

Người phát ngôn về chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) nhấn mạnh rằng Gaza phải là một phần thiết yếu của nhà nước Palestine trong tương lai, thêm rằng EU cam kết thực hiện giải pháp hai nhà nước cho người Israel và người Palestine.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này phản đối việc cưỡng bức di dời người dân Gaza và hy vọng tất cả các bên sẽ coi thỏa thuận ngừng bắn và quản lý sau xung đột là cơ hội để đưa vấn đề Palestine trở lại giải pháp chính trị dựa trên giải pháp hai nhà nước.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan cho rằng những phát ngôn của ông Trump về việc Mỹ tiếp quản Gaza và di dời dân Palestine là “không thể chấp nhận được” và cảnh báo rằng việc loại người Palestine “ra khỏi phương trình” sẽ dẫn đến nhiều xung đột hơn.

Ngày 5-2, thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt ca ngợi kế hoạch của ông Trump về việc Mỹ tiếp quản Gaza là “lối suy nghĩ vượt ra ngoài khuôn khổ”. Tuy nhiên, bà Leavitt nhấn mạnh rằng ông Trump không cam kết sẽ “đưa quân Mỹ vào thực địa”.

Nguy cơ vi phạm luật quốc tế

ke-hoach-cua-ong-trump-ve-gaza-duoi-lang-kinh-luat-quoc-te-1.jpg
Đổ nát tại trại tị nạn Jabalia (phía bắc Dải Gaza) vào ngày 20-1. Ảnh: AFP

Các chuyên gia pháp lý cho rằng Mỹ không thể kiểm soát lãnh thổ Gaza vì dải đất này được Liên Hợp Quốc (LHQ) và Tòa án Quốc tế công nhận là một phần lãnh thổ của Palestine đang bị lực lượng Israel chiếm đóng.

Luật pháp quốc tế cấm việc chiếm đất bằng vũ lực, vì hành động này được định nghĩa là hành vi xâm lược. “Tất cả các thành viên phải kiềm chế trong quan hệ quốc tế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực chống lại toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào” – theo Điều 2 của Hiến chương LHQ.

Và ngay cả khi Gaza không được coi là một phần của một quốc gia, việc Mỹ tiếp quản Gaza và sáp nhập lãnh thổ này vẫn sẽ vi phạm quyền tự quyết của dân thường. Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đã hai lần phán quyết rằng người dân Palestine ở Gaza có quyền này.

Hãng Reuters dẫn nhận định của ông Michael Becker, PGS Luật Nhân quyền Quốc tế tại Trường Trinity College (Ireland), rằng đề xuất của Tổng thống Trump về việc Mỹ tiếp quản Gaza là “sự phủ nhận rõ ràng các nguyên tắc cốt lõi của luật pháp quốc tế” đã tồn tại từ sau Thế chiến II.

“Nếu Mỹ tuyên bố chủ quyền đối với Dải Gaza, điều này sẽ là sự sáp nhập lãnh thổ bất hợp pháp. Israel cũng không có quyền chuyển nhượng lãnh thổ của Palestine cho Mỹ hay bất kỳ ai khác” – ông Becker nói thêm.

Chuyên gia Janina Dill, đồng giám đốc Viện Đạo đức, Luật và Xung đột Vũ trang Oxford (Mỹ) và là chuyên gia về luật nhân đạo quốc tế, nhận định: “Không có hoàn cảnh nào mà việc chiếm đất bằng vũ lực là hợp pháp. Lập luận cho rằng điều này mang lại lợi ích cho các cộng đồng ở đó hoặc nơi khác là vô nghĩa về mặt pháp lý, ngay cả khi nó là sự thật”.

Như vậy, Mỹ chỉ có thể kiểm soát Dải Gaza với sự đồng ý của chính quyền có chủ quyền của lãnh thổ này.

Về việc di dời người dân Palestine khỏi Dải Gaza, bà Janina Dill nói: “Việc di dời cưỡng bức người Palestine tại Gaza sẽ cấu thành tội ác chống lại loài người, bao gồm tội di tản hoặc di chuyển cưỡng bức”.

Ông Trump cho rằng người dân Palestine ở Gaza sẽ muốn rời đi vì nơi này đã trở nên nguy hiểm. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy 2,3 triệu cư dân muốn rời đi.

Công ước Geneva lần thứ tư năm 1949 cấm việc di chuyển cưỡng bức hoặc di tản những người được bảo vệ tại lãnh thổ bị chiếm đóng.

Quy chế Rome của Tòa án Hình sự Quốc tế liệt kê việc cưỡng bức di dời dân số là vi phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người. Theo tài liệu này, thuật ngữ “cưỡng bức” không chỉ giới hạn ở việc dùng vũ lực, mà có thể bao gồm cả đe dọa sử dụng vũ lực hoặc cưỡng bức, chẳng hạn do sợ hãi bạo lực, áp lực, giam giữ, sự đàn áp tâm lý, lạm dụng quyền lực đối,…

Bà Dill cũng cho rằng việc di dời người Palestine khỏi Gaza có thể sẽ dẫn đến việc thực hiện các tội ác quy mô lớn khác đối với họ. “Quy mô của việc này, mức độ cưỡng ép và vũ lực cần thiết có thể khiến điều này rất có khả năng đạt đến ngưỡng của một cuộc tấn công quy mô lớn và có hệ thống đối với dân thường” – nữ chuyên gia lưu ý.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, tuyên bố của ông Trump rằng ông “không tưởng tượng” viễn cảnh người Palestine sẽ trở lại Gaza có thể cũng sẽ vi phạm các nguyên tắc pháp lý quốc tế vì các dân tộc bị di dời vẫn có quyền trở về mảnh đất mà họ đã rời đi.

Sau cùng, các chuyên gia cho rằng ngay cả khi kế hoạch của ông Trump về Gaza cuối cùng không được triển khai thì thái độ của nhà lãnh đạo Mỹ đối với luật pháp quốc tế vẫn có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho lợi ích của Washington trên toàn thế giới.

Nội bộ Mỹ phản ứng kế hoạch của ông Trump về Gaza

Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Murphy chỉ trích kế hoạch của ông Trump về Gaza là “mất trí”.

“Một cuộc xâm lược Gaza sẽ dẫn đến cuộc thảm sát hàng nghìn quân lính Mỹ và nhiều thập niên chiến tranh ở Trung Đông” – ông Murphy viết trên mạng xã hội X liên quan đề xuất của ông Trump để Mỹ tiếp quản Gaza.

Thượng nghị sĩ Chris Van Hollen của đảng Dân chủ cho rằng ông Trump muốn “thanh trừng sắc tộc” người Palestine.

“Tuyên bố [của ông Trump] sẽ cung cấp đạn dược cho Iran và các đối thủ khác trong khi làm suy yếu các đối tác Ả Rập của Mỹ trong khu vực” – theo ông Hollen.

Hạ nghị sĩ Dân chủ Rashida Tlaib và là một người Mỹ gốc Palestine nhấn mạnh rằng “người Palestine sẽ không đi đâu cả”.

Trong khi đó, Lãnh đạo phe đa số Cộng hòa tại Thượng viện John Thune nói rằng ông nghĩ Tổng thống Trump “muốn một Trung Đông hòa bình và an toàn hơn” khi đưa ra đề xuất trên.

“Tôi cho rằng những ý tưởng như vậy sẽ được xem xét và thẩm định kỹ lưỡng để xác định xem liệu điều đó có hợp lý hay không” – ông Thune nói với đài CNN.

Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, một đảng viên Cộng hoà, gọi kế hoạch của ông Trump là “diễn biến tốt”.

“Chúng tôi đang cố gắng tìm hiểu chi tiết về vấn đề này, nhưng tôi nghĩ đây là một diễn biến tốt. Chúng ta phải ủng hộ Israel 100% và vì vậy, bất kể hình thức nào, chúng tôi đều quan tâm đến việc thảo luận về vấn đề này” – ông Johnson nói.

Kế hoạch của ông Trump về Gaza gây khó cho đồng minh Ả Rập thế nào?
Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Nguồn: https://plo.vn/neu-my-tiep-quan-gaza-va-di-doi-dan-palestine-nhu-y-ong-trump-co-dung-luat-quoc-te-post832975.html

PLO Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay