Thủ đoạn ngày càng tinh vi
Dự kiến đưa gia đình đi Sapa (Lào Cai) vào dịp cuối tuần này, theo thói quen, chị Kiều Trang (Hà Nội) lên mạng xã hội gõ từ khóa “homestay ở Sapa”. Ngay lập tức kết quả trả về đưa ra hàng loạt trang Fanpage (trang đại diện) của các homestay tại điểm đến nơi vị khách muốn đi.
Hoa mắt vì thật giả lẫn lộn, chị Trang chọn một trang Fanpage có lượng tương tác cao nhất với hơn 11.000 lượt thích và theo dõi. Vị khách nhắn hỏi lúc tối muộn nhưng vẫn có nhân viên trả lời nhanh chóng.
![Lật tẩy chiêu lừa tinh vi, móc tiền của khách qua đặt phòng du lịch - 1 Lật tẩy chiêu lừa tinh vi, móc tiền của khách qua đặt phòng du lịch - 1](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/Lat-tay-chieu-lua-tinh-vi-moc-tien-cua-khach.jpg)
Trang Fanpage chị Trang liên hệ đặt phòng giả mạo các thông tin giống như thật (Ảnh chụp màn hình).
Khi thấy khách còn đắn đo về các hạng phòng, nhân viên tư vấn cho khách hạng phòng được xem là best seller (tạm dịch: bán chạy nhất) của cơ sở này với mức giá chỉ khoảng hơn 1 triệu đồng/đêm. Thiết kế phòng lắp kính trong suốt với tầm nhìn hướng về núi.
Khi chị Trang còn do dự thì nhân viên hối thúc nên chốt sớm vì hạng phòng này hết rất nhanh. Khách phải cọc 70% tiền, khách sạn mới giữ chỗ.
Tuy nhiên, khi vị khách này vào Google tra cứu hotline của khách sạn lại xuất hiện một số điện thoại khác. Liên hệ với số điện thoại này, nhân viên tư vấn khẳng định trang Fanpage nơi chị Trang định đặt phòng là giả mạo.
“Phía homestay nói với tôi rằng, họ chỉ có duy nhất số điện thoại trên để đặt phòng và đã đăng ký với Google hiển thị cả địa chỉ. Tất cả những trang khác đều là mạo danh. Cũng may tôi vẫn tỉnh táo để kịp tra soát lại, nếu không đã mất tiền oan”, chị Trang chia sẻ.
![Lật tẩy chiêu lừa tinh vi, móc tiền của khách qua đặt phòng du lịch - 2 Lật tẩy chiêu lừa tinh vi, móc tiền của khách qua đặt phòng du lịch - 2](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/Lat-tay-chieu-lua-tinh-vi-moc-tien-cua-khach.png)
Tuy nhiên không phải ai cũng đủ may mắn như chị Trang. Thời gian qua, hàng loạt các địa phương như: Hòa Bình, Lào Cai, Hà Giang… liên tục ghi nhận việc khách bị lừa tiền do đặt phòng qua mạng.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng quản lý Khu nghỉ dưỡng Serena Resort Kim Bôi, thời gian qua, cơ sở lưu trú này đã nhận hàng chục cuộc điện thoại của khách hàng phản ánh về việc bị lừa đảo, giao dịch nhầm với trang Fanpage mạo danh. Trong đó, có khách mất số tiền gần 20 triệu đồng.
Thủ đoạn chính của các đối tượng là dùng các Fanpage giả mạo có nội dung y hệt Fanpage chính với số lượng Follow lớn (lên tới vài nghìn) và dùng tài khoản Công ty để chiếm trọn niềm tin của khách hàng.
Fanpage giả mạo Khu nghỉ dưỡng Serena Resort Kim Bôi (Ảnh chụp màn hình).
Trên thực tế, các trang giả không hề gửi xác nhận đặt phòng tới khu nghỉ dưỡng cũng như đặt dịch vụ phòng cho khách.
“Fanpage giả mạo đã sao chép và đăng tải thông tin về dịch vụ và nghỉ dưỡng từ Fanpage chính thức, nhằm mục đích giả mạo, gây nhầm lẫn với Fanpage chính thức để thu hút các khách hàng quan tâm và có nhu cầu mua dịch vụ của Khu nghỉ dưỡng Serena Resort Kim Bôi. Sau đó lừa đảo khách hàng chuyển tiền thanh toán dịch vụ và chiếm đoạt bất hợp pháp.
Hành vi này không chỉ gây tổn thất nghiêm trọng chữ tín, hình ảnh của khu nghỉ dưỡng mà còn gây thiệt hại nặng nề và làm mất niềm tin của khách hàng”, bà Bình cho biết.
Tương tự, chị T.N, chủ một homestay ở Tà Xùa, Bắc Yên (Sơn La) cho biết, khoảng một năm trở lại, cơ sở lưu trú của chị liên tục bị các đối tượng lừa đảo mạo danh khiến chị điêu đứng.
Dù nhiều lần báo cáo để đánh sập các trang lừa đảo và báo cáo với chính quyền địa phương, nhưng chị T.N. cho rằng làm không xuể bởi các trang mới mọc ra như nấm.
“Đánh sập trang này, chúng lại mọc lên nhiều trang mới với thủ đoạn tinh vi hơn. Chúng còn mua quảng cáo nên lượng tương tác rất lớn, thậm chí cao hơn cả trang chính chủ.
Khách khi tìm kiếm thông tin, thấy trang có lượng tương tác cao và vào hỏi thông tin rất dễ sập bẫy. Vấn đề nhức nhối này khiến không chỉ du khách mà bản thân các chủ kinh doanh như chúng tôi cũng là nạn nhân”, chị T.N khẳng định.
Cách nhận biết để tránh bị sập bẫy
Trao đổi với phóng viên Dân trí, vị đại diện một homestay có tiếng tại Hoàng Liên, thị xã Sapa (Lào Cai) cho biết, có rất nhiều dấu hiệu để du khách có thể kiểm tra xem trang Fanpage nơi mình giao dịch có chính chủ hay không.
“Các trang này vẫn công khai số điện thoại để khách gọi, tuy nhiên đây chỉ là số điện thoại gọi được một chiều. Khách gọi không bao giờ có người bắt máy và chỉ các đối tượng gọi được cho khách.
Ngoài ra, những trang giả mạo thường yêu cầu khách cọc tiền rất cao từ 70%-100% với lý do cháy phòng. Trên thực tế, các cơ sở kinh doanh làm ăn uy tín thường chỉ đưa ra mức cọc cao nhất với khách là 50% hoặc thấp hơn”, vị đại diện nói.
![Lật tẩy chiêu lừa tinh vi, móc tiền của khách qua đặt phòng du lịch - 4 Lật tẩy chiêu lừa tinh vi, móc tiền của khách qua đặt phòng du lịch - 4](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/1738908676_174_Lat-tay-chieu-lua-tinh-vi-moc-tien-cua-khach.jpg)
Du khách cần tìm hiểu kỹ về tính minh bạch của các trang Fanpage trước khi tiến hành giao dịch (Ảnh: Huy Hoàng).
Tương tự, anh Bùi Quyết, một quản trị viên của cộng đồng du lịch nổi tiếng tại Lào Cai chia sẻ một số mẹo để kiểm tra trang Fanpage có minh bạch hay không.
Cụ thể, các trang Fanpage có dấu hiệu lừa đảo thường mới đổi tên từ tháng 8/2024 đến nay. Nếu khách nhìn thấy phần quản trị viên có địa chỉ ở nước ngoài, chắc chắn đó là trang chỉ dùng để lừa khách.
Ngoài ra, khách khi vào trang có thể thấy lượng tương tác rất cao, từ vài trăm lượt like (yêu thích) trở lên, nhưng phần bình luận rất ít hoặc đa số là bình luận ẩn. Kiểm tra tài khoản để lại bình luận phần lớn là tài khoản ảo vừa lập ra, cũng là dấu hiệu nhận biết trang Fanpage không đáng tin cậy.
Trước đó, ông Ngô Minh Hiếu, chuyên gia an ninh mạng từng chia sẻ, dự án Chongluadao.vn đã nhận nhiều phản ánh của cộng đồng mạng về tình trạng đặt phòng qua Fanpage giả mạo có dấu hiệu bùng phát vào các kỳ nghỉ lễ lớn.
“Kẻ gian xây dựng các trang giả mạo giống hệt khách sạn, homestay nổi tiếng. Khi khách đặt phòng thường yêu cầu chuyển khoản số tiền cọc lớn, thậm chí phải chuyển 100%. Nhiều trường hợp, đối tượng lừa đảo gửi sai cú pháp để khách phải chuyển nhiều lần rồi chiếm đoạt. Sau khi nhận tiền, chúng chặn liên lạc”, ông Hiếu thông tin.
Trong khi đó, bà Thanh Bình, Phó Tổng quản lý Khu nghỉ dưỡng Serena Resort Kim Bôi, khuyến cáo khách hàng chỉ nên chuyển tiền thanh toán dịch vụ với các tài khoản ngân hàng doanh nghiệp đã công bố chính thức hoặc đã đăng ký với cơ quan nhà nước.
“Quan trọng nhất, trước khi tiến hành đặt phòng, hãy tìm hiểu thật kỹ thông tin, liên hệ trực tiếp với cơ sở lưu trú qua số đường dây nóng, website chính thức đã thông báo với Bộ Công thương để được tư vấn. Nếu thấy rẻ, giảm giá sâu hãy nghi ngờ và cảnh giác”, bà Bình nói.
Nguồn: https://dantri.com.vn/du-lich/lat-tay-chieu-lua-tinh-vi-moc-tien-cua-khach-qua-dat-phong-du-lich-20250207105824180.htm