Chiều 7-2, tiếp tục phiên họp 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua dự thảo nghị quyết quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2026-2030.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thống nhất thông qua các nội dung cơ bản của dự thảo nghị quyết về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026-2030.
Ưu tiên vốn cho dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị
Trước đó, trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay so với nguyên tắc phân bổ vốn đầu tư công 5 năm trước, giai đoạn tới, nguồn lực này sẽ được ưu tiên bố trí để thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, dự án đường cao tốc, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, các dự án kết nối có tác động liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững.
![Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: NGHĨA ĐỨC Bo-truong-KHDT-Nguyen-Chi-Dung.jpg](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/Chu-tich-Quoc-hoi-Tong-Bi-thu-het-suc-sot.webp.webp)
Nguồn lực Nhà nước cũng ưu tiên bố trí cho dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng an ninh, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, năng lượng nguyên tử, hạ tầng số, công nghệ bán dẫn, dự án bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh…
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết cơ quan thẩm tra nhất trí với các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn công trong 5 năm tới.
Tuy nhiên, cơ quan này đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan phối hợp rà soát kỹ quy định tiêu chí phân bổ vốn đối với các dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài để bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với quy định mới của Luật Đầu tư công.
Chính phủ cũng cần rà soát quy định để khắc phục tồn tại, hạn chế trong thực hiện Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025).
Đồng thời ưu tiên phân bổ vốn ODA, vốn vay nước ngoài cho những dự án quan trọng quốc gia, dự án lớn tác động đến phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, dự án gắn với chuyển giao công nghệ cho Việt Nam đối với những lĩnh vực quan trọng mà nước ta chưa làm và chưa làm chủ công nghệ.
Sốt ruột khi dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ bỏ hoang
Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị dự thảo nghị quyết phải khắc phục được việc phân bổ dàn trải, thiếu hợp lý giữa các ngành, lĩnh vực quan trọng. Theo ông, việc phân bổ dàn trải vừa qua khiến việc sử dụng vốn đầu tư công không hiệu quả.
Đáng chú ý, Chủ tịch Quốc hội đề nghị dự thảo nghị quyết phải khắc phục được những hạn chế trong thực hiện nghị quyết của giai đoạn 2021-2026. Cụ thể, việc phân bổ vốn đầu tư công vừa qua chưa có cơ chế quản lý lập kế hoạch vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách địa phương. Mặt khác, chưa ràng buộc trách nhiệm ngân sách địa phương dành vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng.
Ngoài ra, tỉ lệ giải ngân vốn nước ngoài còn rất thấp, chỉ đạt gần 53% kế hoạch được giao.
![Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: NGHĨA ĐỨC Chu-tich-Quoc-hoi-Tran-Thanh-Man7-2.jpg](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/1738927878_171_Chu-tich-Quoc-hoi-Tong-Bi-thu-het-suc-sot.webp.webp)
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị việc quy định các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công cần cập nhật các quy định Luật Đầu tư công 2024, nhất là liên quan đến thời gian bố trí vốn đầu tư thực hiện dự án.
Theo ông Trần Thanh Mẫn, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn tới cần dựa trên mức độ cấp thiết, tính hiệu quả, đảm bảo minh bạch và công bằng.
“Dự án nào cấp bách, cấp thiết thì phân bổ, còn chưa cấp bách thì gác lại”- Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị các công trình dở dang cần bố trí vốn cho dứt điểm.
Ông đề nghị Bộ trưởng KH&ĐT lưu ý tập trung cao xử lý dứt điểm dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ sử dụng vốn vay ODA của Hungary. “Dự án bệnh viện bỏ hoang mấy năm nay. Không biết anh Dũng (Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng- PV) đi đến đó chưa, tôi đến mấy lần, rất sốt ruột”- Chủ tịch Quốc hội nói.
“Tổng Bí thư hết sức sốt ruột”
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng lưu ý Bộ KH&ĐT ưu tiên bố trí vốn cho lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Theo Chủ tịch Quốc hội, khi họp Bộ Chính trị sáng 7-2, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu ngay kỳ họp bất thường thứ 9 này phải có nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Luật chưa sửa được ngay nhưng phải có nghị quyết tháo gỡ.
“Tổng Bí thư hết sức sốt ruột, nói đợi đến kỳ họp Quốc hội tháng 5 thì xa quá. Đề nghị anh Dũng về xem xét lại, tập trung đầu tư vốn cho lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo”- Chủ tịch Quốc hội nói thêm.
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay giai đoạn trước có tới hơn 20.000 dự án đầu tư công, thời kỳ 2016-2020 giảm xuống còn 10.000 dự án. Nhiệm kỳ vừa qua giảm xuống dưới 5.000, khoảng 4.768 dự án; còn nhiệm kỳ này, Thủ tướng yêu cầu giảm xuống dưới 3.000 dự án.
“Thủ tướng chỉ đạo rất quyết liệt, tập trung dự án lớn, còn lại phân cấp, phân quyền cho địa phương xử lý dự án địa phương”- ông Nguyễn Chí Dũng nói.
Ngoài ra, thống nhất với ý kiến Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ ưu tiên đầu tư công cho các dự án khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng khi Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 trên 8% và hai chữ số trong những năm tới thì nguồn lực đưa vào nền kinh tế sẽ rất lớn. Trong khi đó, nguồn lực vốn công có hạn.
Ông Thanh đề nghị cần có tiêu chí để vốn công trở thành vốn mồi, làm cơ sở thu hút nguồn lực khác.
![Chủ tịch Quốc hội: Tổng Bí thư hết sức sốt ruột về đầu tư cho khoa học công nghệ... 1 Trình Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu GDP năm 2025 đạt 8% trở lên](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/Chu-tich-Quoc-hoi-Tong-Bi-thu-het-suc-sot.web.webp)
Nguồn: https://plo.vn/chu-tich-quoc-hoi-tong-bi-thu-het-suc-sot-ruot-ve-dau-tu-cho-khoa-hoc-cong-nghe-post833253.html