![Biển hồ lớn thứ tư thế giới hiện là sa mạc chết người - 1 Biển hồ lớn thứ tư thế giới hiện là sa mạc chết người - 1](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/Bien-ho-lon-thu-tu-the-gioi-hien-la-sa.jpg)
Vào những năm 1990, các nhà khoa học đã dự đoán rằng phần lớn lưu vực phía nam của biển Aral sẽ biến mất vào năm 2020 (Ảnh: NASA).
Đến năm 2015, hầu hết diện tích mặt nước rộng lớn đó đã biến thành vùng đất cằn cỗi, hình thành nên sa mạc mới nhất trên Trái Đất và ảnh hưởng đến 3 triệu người sống gần đó.
Biển Aral từng trải rộng trên diện tích 68.000km2, nhưng các báo cáo mới cho thấy tất cả những gì còn sót lại hiện nay chỉ là một vài dải nước có diện tích khoảng 8.000km2. Phần còn lại của đáy biển trắng như xương giờ đây tạo thành sa mạc Aralkum.
![Biển hồ lớn thứ tư thế giới hiện là sa mạc chết người - 2 Biển hồ lớn thứ tư thế giới hiện là sa mạc chết người - 2](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/1738939128_358_Bien-ho-lon-thu-tu-the-gioi-hien-la-sa.jpg)
Thư ký điều hành của Công ước Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa, ông Ibrahim Thiaw, cho biết đây chắc chắn là một trong những thảm họa môi trường lớn nhất thế giới.
Các nghiên cứu cho thấy việc biển Aral mất đi đã làm tăng gần gấp đôi lượng bụi trong khí quyển ở khu vực từ năm 1984 đến năm 2015, từ 14 lên 27 triệu tấn.
Video cho thấy biển Aral biến đổi qua từng năm (Video: Google Earth)…..
Bên cạnh đó, chất lượng không khí ở các thành phố lân cận, kể cả những thành phố cách xa 800km, cũng giảm đáng kể và góp phần đẩy nhanh quá trình tan chảy của các sông băng, làm trầm trọng thêm khủng hoảng tuần hoàn nước của vùng.
Các cơn bão càng làm muối gây hại lan xa, khiến mùa màng cách đó hàng trăm ki-lô-mét cũng bị tàn phá và nguồn nước bị ô nhiễm.
Bụi ở Aralkum đặc biệt độc hại vì nó chứa nước thải từ cuộc thử nghiệm vũ khí hóa học của Liên Xô cũng như chứa đầy phân bón và thuốc trừ sâu từ các hoạt động nông nghiệp quy mô lớn, đã làm cạn kiệt biển Aral.
Từ những năm 1960 đến những năm 1990, hai con sông Amu Darya và Syr Darya bắt nguồn từ núi cao và cấp nước cho biển hồ này đã được đổi hướng để phục vụ tưới tiêu cho 7 triệu ha cánh đồng bông của Liên Xô.
Việc tưới tiêu quy mô lớn vẫn tiếp tục dưới nhiều hình thức khác nhau làm cho biển Aral nhanh chóng bị thu hẹp và trở nên khô cạn.
Nồng độ muối trong vùng nước còn lại tăng lên mức cao hơn đại dương, tiêu diệt phần lớn sự sống bản địa bên trong và làm sụp đổ hệ sinh thái địa phương.
Điều này đã phá hủy sinh kế của nhiều người, bằng chứng là những chiếc thuyền đánh cá rỉ sét giờ nằm rải rác trên bãi cát khô cằn.
![Biển hồ lớn thứ tư thế giới hiện là sa mạc chết người - 3 Biển hồ lớn thứ tư thế giới hiện là sa mạc chết người - 3](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/1738939128_998_Bien-ho-lon-thu-tu-the-gioi-hien-la-sa.jpg)
Do tiếp xúc với bụi, người lớn và trẻ em trong khu vực gặp nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm cả việc gia tăng các khuyết tật bẩm sinh.
Trong nỗ lực ngăn chặn bụi độc hại, chính quyền các khu vực đang nỗ lực trồng thảm thực vật cho lòng hồ trước đây, cùng với các nhà khoa học địa phương đang tìm kiếm những loại cây đủ cứng để chịu được đất mặn.
Những gì đã xảy ra với biển Aral không phải là một thảm kịch ở địa phương, mà những diễn biến tương tự đang xảy ra trên toàn cầu.
Các hồ và các hệ thống nước trên đất liền khác ở châu Phi, Trung Đông, châu Âu, Úc và Mỹ đều đang bị thu hẹp do áp lực khí hậu và công nghiệp hóa nông nghiệp.
Tình trạng tồi tệ xảy ra với biển Aral là lời cảnh báo rõ ràng về hậu quả chết người và phức tạp của việc không ưu tiên cung cấp đủ nước cho môi trường địa phương.
Nguồn: https://dantri.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/bien-ho-lon-thu-tu-the-gioi-hien-la-sa-mac-chet-nguoi-20250207015033261.htm