Cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ gần 20 km và cách trung tâm xã Pa Thơm cũng chưa đầy 3 km, đường vào Xa Cuông lại không quá gập ghềnh, thế nên ngay cả khi đi cùng đoàn công nhân Công ty Điện lực Điện Biên vào Xa Cuông đóng điện, chúng tôi vẫn nửa ngờ trước thông tin “Xa Cuông không điện, không sóng điện thoại”.
Khi xe chúng tôi dừng bánh trước trạm điện đầu bản, ông Lường Văn Khụt, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Pa Thơm liền bước đến và nói: Được đầu tư 3,5 tỷ đồng xây dựng trạm, kéo đường dây và hệ thống cột, chắc chắn là Xa Cuông sẽ vơi dần những khó khăn. Trước nhất là trẻ được học bài dưới ánh điện; thanh niên, người già được xem ti-vi, được nghe đài, được cập nhật thông tin thời sự bốn phương. Cùng với điện, thời gian tới, sóng điện thoại cũng sẽ được kéo về tận bản để khi cần chỉ ấn số gọi tên.
Nhắc việc sóng điện thoại, ông Khụt liền kể một chuyện vừa mới xảy ra với vẻ đầy tiếc nuối. Ông bảo, vừa tuần trước thôi, con bò nhà ông đi ăn ở trên núi đã bị con hổ vồ chết. Hôm ấy, người trong bản đi thả bò trên núi có nghe tiếng con bò kêu rống lên, nhưng mãi tới chiều thì người ta mới về đến bản để báo cho ông. Sớm hôm sau, ông lên núi tìm chỉ thấy còn mỗi cái chân con bò. “Nếu mà có sóng điện thoại để gọi ngay thì có lẽ đã cứu được con bò”-ông Khụt khẽ nói!
Quanh chuyện thú dữ bắt bò, bắt lợn, vịt, gà, ông Lường Văn Nguyên, Trưởng bản Xa Cuông, liền nói thêm: So với trước, nay đã khác nhiều lắm. Quãng vài năm trước thôi, mỗi khi mùa đông đến, người Xa Cuông rất lo lắng bởi vì trong đêm đông giá rét, các loài thú dữ như hổ, báo, chó sói ở trên dãy núi giáp biên thường về bản tìm mồi. Mỗi tối trước khi đi ngủ, người già vẫn dạy trẻ nhỏ “trời càng lạnh càng phải đóng chặt cửa, đêm đốt lửa sưởi không được để khói ra ngoài”. Bây giờ, điện về đến bản thì đêm cũng như ngày, thú dữ không dám về bản nữa; người Khơ Mú ở Xa Cuông cũng không còn nhìn ra phía bản Pa Xá Lào hay bản Pa Xa Xá để mơ về điện nữa.
Ông Nguyên cho biết, bản Xa Cuông thành lập từ cuối năm 1978. Ban đầu bản có gần 20 gia đình là người dân tộc Khơ Mú di cư từ xã Thanh Chăn và xã Thanh Yên về. 45 năm đi qua với vô vàn khó khăn và thiếu thốn, song người Khơ Mú ở Xa Cuông luôn sống thuận hòa với đồng bào dân tộc Lào, dân tộc Cống; góp sức cùng nhân dân trong xã Pa Thơm thực hiện tốt các phong trào thi đua phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh trật tự địa bàn và bảo vệ đường biên giới bình yên. Và cũng đằng đẵng suốt 45 năm qua, ước mơ có điện của người Xa Cuông lớn dần thành khát khao cháy bỏng khiến người già trong bản trước khi về gặp ông bà tổ tiên vẫn gửi lại niềm mong “Xa Cuông có điện như Pa Xá Lào và Pa Thơm…”!
Một góc bản Xa Cuông hôm nay. |
Cũng chính bởi không có điện kéo theo không sóng điện thoại, cho nên dù chỉ cách bản Pa Xá Lào và cách trung tâm xã Pa Thơm chưa đầy 3 km mà Xa Cuông càng thêm xa cách. Giải nghĩa từ “Xa Cuông”, ông Nguyên nói rằng: Theo tiếng dân tộc Khơ Mú thì Xa Cuông nghĩa là bản trong, bản xa. Và có lẽ cái nghĩa “bản xa” đã vận vào Xa Cuông khiến chặng đường xóa đói, giảm nghèo của Xa Cuông cứ mãi xa vời vợi. Mấy mươi mùa gieo hạt đi qua, người Khơ Mú ở Xa Cuông đã đúc kết cho mình kinh nghiệm sản xuất canh tác dựa vào trời mây, con vật di chuyển để đoán biết thời tiết định ngày trồng lúa nương, lúa nếp, lúa tẻ hay ngày trồng ngô, khoai, sắn… Dẫu chăm chỉ làm lụng quanh năm suốt tháng; dẫu cũng giỏi làm nương và chăn nuôi trồng trọt suốt bốn mùa trong năm vậy mà Xa Cuông vẫn thuộc nhóm bản nghèo nhất trong xã, trong huyện.
Tại lễ khánh thành, đóng điện lưới quốc gia cho bản Xa Cuông vào sáng 24/1 vừa qua, ông Ngô Xuân Chinh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Điện Biên khẳng định: Xa Cuông là bản đặc biệt khó khăn của xã Pa Thơm. Bản có 45 hộ với 311 nhân khẩu thì có tới 26 hộ nghèo và 19 hộ cận nghèo. Từ trước đến nay do chưa có điện lưới quốc gia phục vụ sản xuất, sinh hoạt, cho nên việc phát triển kinh tế của các hộ gia đình ở Xa Cuông gặp rất nhiều khó khăn; đời sống văn hóa, tinh thần của dân bản còn thiếu thốn.
Trước đó, cuối năm 2023 trong một chuyến công tác về Pa Thơm và trò chuyện với dân bản Xa Cuông, ông Nguyễn Tiến Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Điện Biên đã không tin nổi về cái nghèo hiện diện tại bản nhỏ Xa Cuông.
Ngay sau chuyến công tác về Xa Cuông, Pa Thơm, ông Cường đã đề xuất lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện rà soát, điều chỉnh danh mục các dự án để ưu tiên đầu tư dự án cấp điện về Xa Cuông. Có sự quan tâm sâu sắc của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh; tinh thần làm việc tận tâm, trách nhiệm của đội ngũ công nhân đơn vị thi công và sự góp sức nhiệt tình của nhân dân các dân tộc trong xã, công trình cấp điện lưới quốc gia về Xa Cuông đã được hoàn thành đúng tiến độ để nhân dân bản Xa Cuông đón mùa xuân mới tràn đầy ánh sáng và sức sống xuân.
Như lời cụ bà Quàng Thị Xết-người đã đi qua 99 mùa gieo hạt đã nói với các con, các cháu rằng, “Xuân này với người Khơ Mú ở Xa Cuông thật trọn vẹn. Xuân có ánh sáng điện lưới quốc gia để đánh thức khát vọng thoát nghèo, giúp người Khơ Mú vơi bớt nhọc nhằn, khó khăn”.
Cụ bà Xết còn căn dặn các con, các cháu thanh niên trong bản phải chăm học, chăm làm; thay vì đổ lỗi “không có điện không làm được việc gì” thì từ nay phải chăm chỉ học cách chăn nuôi, trồng trọt được hướng dẫn trên ti-vi để làm theo, nuôi con lợn mau lớn, con gà khỏe mạnh và trồng cây lúa trĩu bông. Làm theo như thế chắc chắn rồi cuộc sống của người Khơ Mú ở Xa Cuông sẽ tốt hơn, để người Khơ Mú ở Xa Cuông có thêm tiềm lực cùng nhân dân các dân tộc xây dựng vùng biên giới Việt Nam-Lào ở Pa Thơm ngày càng phát triển, vững bền…
Nguồn: https://nhandan.vn/khat-vong-thoat-ngheo-o-xa-cuong-post859144.html