Việt Nam hiện có 5 sàn thương mại điện tử (TMĐT) phổ biến gồm Shopee, Lazada, TikTok Shop, Tiki và Sendo với hàng triệu shop online đang hoạt động. Trong năm 2024, tổng doanh số của các đơn vị trên đạt 318.900 tỉ đồng, theo báo cáo toàn cảnh Thị trường sàn bán lẻ trực tuyến 2024 do Metric công bố. Kết quả trên tăng 37,36% so với năm trước đó. Không chỉ gia tăng doanh số, lượng sản phẩm tiêu thị cũng cao hơn tới 50,76% cùng kỳ, đạt 3.421 triệu sản phẩm bán ra.
![Nhiều shop online rơi vào tình trạng Nhiều shop online rơi vào tình trạng](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/Ca-tram-nghin-shop-online-e-ben-vung-trong-nam.jpeg)
Nhiều shop online rơi vào tình trạng “tụt dốc không phanh” khi người tiếp cận liên tục giảm, còn số lượng đơn hàng luôn ở con số 0
Tuy sức mua lẫn tổng lượng sản phẩm bán ra tăng, số shop online lại giảm mạnh tới 20,25%, tương đương khoảng 165.000 gian hàng trực tuyến không phát sinh đơn hàng nào trong cả năm 2024. Trong đó, Shopee – sàn TMĐT lớn nhất hiện nay tại Việt Nam – giảm 86.300 shop online có phát sinh đơn hàng. TikTok Shop, Lazada, Tiki, Sendo lần lượt giảm 55.300, 7.000, 800 và 15.500 gian hàng trực tuyến có ra đơn trong 12 tháng của năm ngoái. Tình trạng này dẫn tới sự rút lui của nhiều nhà bán nhỏ lẻ trên thị trường TMĐT năm qua.
Ngay cả trong những đợt mua sắm lớn như mùa tựu trường, các ngày lễ, Giáng sinh, dịp cận Tết Dương lịch, các nhà bán này cũng không hấp dẫn được người mua. Thực tế giảm sút số lượng ồ ạt nêu trên phản ánh sự đào thải đối với những shop online chưa có chiến lược phù hợp, hiệu quả và chỉ những đơn vị có được định hướng rõ ràng mới có cơ hội phát triển trên môi trường trực tuyến.
Thống kê cũng cho thấy các gian hàng được gắn nhãn “Shop Mall” trên Shopee và TikTok Shop ghi nhận tăng trưởng doanh số mạnh mẽ (lần lượt 69,79% và 181,31%), minh chứng cho thấy người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn thương hiệu uy tín và nhà bán có độ tin cậy cao, đã được chứng thực.
Một trong những yếu tố khiến thị trường cạnh tranh khốc liệt hơn với các shop online tại Việt Nam là sự xuất hiện của những nhà bán hàng quốc tế trên các sàn TMĐT lớn trong nước. Ước tính, hiện có khoảng 31.500 shop online nước ngoài tham gia thị trường TMĐT Việt thông qua các sàn trực tuyến. Qua nhiều năm, người tiêu dùng Việt đã giảm tâm lý dè dặt khi mua sản phẩm trực tuyến từ nước ngoài nhờ yếu tố kho vận được cải thiện giúp tăng tốc độ giao hàng, đi kèm là chính sách đổi trả, bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn trước.
![Doanh số trên kênh TMĐT tăng trong năm 2024, nhưng số lượng nhà bán lại giảm mạnh Doanh số trên kênh TMĐT tăng trong năm 2024, nhưng số lượng nhà bán lại giảm mạnh](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/Ca-tram-nghin-shop-online-e-ben-vung-trong-nam.png)
Doanh số trên kênh TMĐT tăng trong năm 2024, nhưng số lượng nhà bán lại giảm mạnh
Ảnh: chụp màn hình Metric
Trao đổi với Thanh Niên, anh Lê Hải Vũ, CEO Velasboost đồng thời là chuyên gia TMĐT cho rằng trong hàng triệu gian hàng trực tuyến trên các sàn hiện nay, thực tế có lượng rất lớn là shop online theo dạng “clone” (lập ra nhưng không sử dụng), mục đích là sao chép từ một hoặc vài gian hàng gốc. Nhóm này đóng góp một phần đáng kể vào số lượng nhà bán lẻ không ra đơn trong những năm qua.
Tình trạng “ế bền vững” xảy ra cũng bởi trước sức nóng của TMĐT, một bộ phận nhà bán có tâm lý FOMO (sợ bị bỏ lỡ trào lưu) và tham gia nhưng lại không được đào tạo bài bản hay có kiến thức cần thiết, trong khi kinh doanh online đã qua thời kỳ dễ dàng. Những vấn đề này đã góp phần tạo ra thực trạng doanh số bằng 0, dẫn đến từ bỏ gian hàng.
Anh Lê Hải Vũ nhận định hiện các nhà bán hàng có sức ảnh hưởng, thuộc nhóm dẫn đầu đang chiếm tới 80% doanh thu tổng trên sàn, trong khi họ chỉ là số lượng nhỏ. “Điều này gây mất cân bằng khi phần lớn các nhà bán hàng còn lại đang chia nhau miếng bánh nhỏ, dẫn tới tình trạng ế đơn, bỏ shop như đã nêu”, chuyên gia này nói.
Nguồn: https://thanhnien.vn/ca-tram-nghin-shop-online-e-ben-vung-trong-nam-2024-185250207100220427.htm