Theo Tỉnh ủy Quảng Nam, về tình hình kinh tế xã hội của tỉnh: tăng trưởng 7,1%. (2023 âm 8,4%; quý I/2024 âm 1,5%; quý II tăng 2,7%; quý III tăng 10,7%, quý IV tăng 10,3%). Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực (tăng 13,5%). Quy mô nền kinh tế năm 2024 gần 129 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 16,5 ngàn tỷ đồng so với 2023. Thu nhập bình quân đầu người năm 2024 hơn 84 triệu đồng, tăng 10 triệu đồng so với năm 2023.
Đến ngày 31/01/2025, vốn đầu công năm 2024 giải ngân đạt 86,3%. Thu ngân sách nhà nước đến ngày 31/12/2024 đạt 27,6 nghìn tỷ đồng, đạt 119% dự toán và tăng 10,1% so với cùng kỳ; trong đó: thu nội địa là 22,6 nghìn tỷ đồng, đạt 113% dự toán và tăng 4,5% so với cùng kỳ; thu xuất nhập khẩu gần 5 nghìn tỷ đồng, đạt 141% dự toán, tăng 49,5% so với cùng kỳ (trong tổng thu ngân sách thì Thaco 19.050 tỷ; trong thu nội địa thì Thaco 12.950 tỷ).
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính với lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: THANH GIANG) |
Thu hút đầu tư trong năm 2024 khởi sắc, đã cấp mới 29 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký 4.915 tỷ đồng. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cấp mới 10 dự án (vốn đăng ký 135 triệu USD).
Đến nay, có 1.157 dự án đầu tư trong nước với trên 227 nghìn tỷ đồng và 201 dự án FDI với 6,36 tỷ USD. Tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch năm 2024 đạt hơn 8 triệu lượt khách, tăng 14% so với cùng kỳ và vượt 6% kế hoạch, trong đó 5,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng hơn 16% so năm 2023.
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến chỉ đạo tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam. (Ảnh: THANH GIANG) |
Chất lượng hoạt động văn hóa-xã hội được nâng lên, ngành du lịch đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 và đã được các tổ chức quốc tế bầu chọn, tôn vinh nhiều danh hiệu uy tín đối với lĩnh vực du lịch quốc tế và châu Á; các chế độ, chính sách an sinh xã hội thực hiện đầy đủ, kịp thời. Thực hiện miễn, giảm học phí cho học sinh các cấp từ năm 2024-2025; sự nghiệp giáo dục-đào tạo chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả nổi bật, 2 năm liền Quảng Nam có học sinh đạt huy chương tại các kỳ thi Olympic quốc tế. Năm 2024 giảm được 4.397 hộ nghèo, bằng 1,01%. Hiện còn 20.272 hộ, tương ứng với tỷ lệ 4,56%. Đã vận động đủ nguồn kinh phí để xoá 10.945 nhà tạm, đến nay đã xóa được 6.535 nhà (60%), còn lại sẽ hoàn thành trước tháng 10/2025. Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được chú trọng; đời sống nhân dân được cải thiện. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
![]() |
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại cuộc làm việc. (Ảnh: THANH GIANG) |
Một số nét lớn về tình hình kinh tế-xã hội tháng 1/2025 và công tác đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025: tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh trong tháng 1/2025 là 2.526 tỷ đồng, đạt 11% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa 2.025 tỷ đồng đạt 11% dự toán; thu xuất, nhập khẩu 500 tỷ đồng, đạt 12% dự toán. Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 là 8.311 tỷ đồng (ngân sách trung ương 2.929,157 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 5.382,790 tỷ đồng).
Đến nay, đã phân bổ cho các ngành, địa phương là 7.264 tỷ đồng, đạt 87%. Tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch tháng 1 ước đạt 655 nghìn lượt khách, tăng 14% so với cùng kỳ. Các hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi, công tác quốc phòng-an ninh được đảm bảo, công tác đối ngoại được tăng cường. Chăm lo Tết chu đáo cho nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội với tổng kinh phí hơn 133 tỷ đồng…
![]() |
Quang cảnh cuộc làm việc. (Ảnh: THANH GIANG) |
Phát biểu ý kiến kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá năm 2024 và tháng đầu năm 2025, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều nỗ lực trong phát triển kinh tế-xã hội, nhất là khuyến khích các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tăng cường đầu tư vào tỉnh; tổ chức tốt cho nhân dân vui Xuân đón Tết vui tươi, lành mạnh, ấm cúng, “nhà nhà có Tết, ai ai cũng có Tết”.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực của Quảng Nam, đóng góp vào thành tích chung của cả nước; nêu rõ, Quảng Nam có những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh rất lớn, theo đó, tỉnh có truyền thống lịch sử trong kháng chiến hết sức hào hùng “Quảng Nam trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”, cần phát huy tích cực điểm này.
Thủ tướng cũng thẳng thắn chia sẻ một băn khoăn: cán bộ của Đà Nẵng chủ yếu là người Quảng Nam; cán bộ Quảng Nam chủ yếu ở Đà Nẵng. Muốn Quảng Nam phát triển phải ở Quảng Nam, gắn bó Quảng Nam vì cứ như thế này thì không phát triển dịch vụ; một điểm nữa là hạ tầng đầy đủ nhưng không hoàn thiện; đường ven biển rất chiến lược nhưng chưa khai thác hết.
Theo Thủ tướng, toàn bộ phía đông đường ven biển cần tập trung cho sản xuất kinh doanh và dịch vụ, phía tây tập trung cho công nghiệp và đô thị; nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu.
Thủ tướng nêu rõ, với những điều băn khoăn, trăn trở này, cần phải tìm giải pháp khắc phục.
![]() |
Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương tham dự cuộc làm việc. (Ảnh: THANH GIANG) |
Thủ tướng yêu cầu tỉnh phải nắm chắc tình hình cả trong nước và ngoài nước, phản ứng chính sách nhanh nhạy; tích cực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường. Phải đoàn kết thống nhất, quyết tâm xây dựng Quảng Nam là quê hương thực sự của mình, bám đất, bám người để lãnh đạo, chỉ đạo; phải có những người tâm huyết cho sự phát triển của tỉnh. Tăng cường phân cấp, phân quyền triệt để, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát. Phải kiên định, kiên trì, nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn; có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, không đầu tư dàn trải. Phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể trong đổi mới sáng tạo, phục vụ hành chính công, trong xoá đói giảm nghèo, làm công tác an sinh xã hội, huy động nguồn lực, sức mạnh từ người dân, doanh nghiệp.
Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu phải quán triệt, cụ thể hoá các nghị quyết của Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị về phát triển vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, Đại hội Đảng bộ tỉnh; rà soát lại các chỉ tiêu; nhận thức rõ tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh, xây dựng chương trình, kế hoạch để thực hiện, đi lên từ điểm này mới bền vững. Trong quy hoạch tỉnh thì phải lấy tuyến đường ven biển làm hành lang phát triển của tỉnh; phát triển đô thị càng về phía tây càng tốt; “Biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”. Bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Suy nghĩ phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt; phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời tiến độ, rõ sản phẩm”; đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã cam kết là phải có hiệu quả, sản phẩm; “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”. Xây dựng nền hành chính thực sự vì dân, vì sự phát triển đất nước.
Về các giải pháp, Thủ tướng yêu cầu tỉnh phải đạt được tăng trưởng 10%, muốn vậy, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh, các ngành liên quan, các huyện thị phải đạt được tăng trưởng 10%; xây dựng lại kế hoạch, mục tiêu phát triển; nếu chưa thay đổi thì phải họp để thay đổi ngay, phải giao lại cho các sở ngành; làm mới các động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng.
Theo đó, cần huy động doanh nghiệp tích cực xuất khẩu, tích cực kích cầu tiêu dùng; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ…, các ngành mới nổi như sản xuất chip bán dẫn, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn; thúc đẩy công nghiệp văn hoá, giải trí (ở Hội An). Xây dựng giải pháp cho các cấp, các ngành để bảo đảm tăng trưởng, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thúc đẩy, nếu khó khăn gì thì đề xuất.
![]() |
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam tham dự cuộc làm việc. (Ảnh: THANH GIANG) |
Thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy khẩn trương hoàn thành trong tháng 2/2025, bảo đảm tháng 3 này đi vào hoạt động bình thường, thực hiện tốt các chế độ, chính sách, tích cực thu hút người tài; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; tích cực cử cán bộ xuống cơ sở; cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng dịch vụ công nghiệp; lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo theo Nghị quyết 57 và Đề án 06 làm nền tảng để thúc đẩy; xây dựng cơ sở dữ liệu lớn của tỉnh; thực hiện 3 đột phá chiến lược, theo đó tỉnh cần rà soát lại các vướng mắc về thể chế, kiến nghị cấp thẩm quyền, tinh thần vướng ở cấp nào, cấp đó giải quyết. Tỉnh phải chú trọng phát triển hạ tầng chiến lược, bao gồm hạ tầng giao thông, hạ tầng y tế, giáo dục, hợp tác xã hội, thể thao.
Rà soát lại cách huy động nguồn lực của tỉnh hiện nay. Theo Thủ tướng, nguồn lực bắt nguồn tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân và doanh nghiệp; rà soát lại các chỉ tiêu để bảo đảm phát triển; tập trung xóa nhà tạm, nhà dột nát, hưởng ứng phong trào của cả nước; tích cực phát triển nhà ở xã hội; nghiên cứu giao đất cho doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội. Làm tốt công tác an sinh xã hội cho nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn biên giới, hải đảo. Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, duy trì đoàn kết trong Đảng, trong nhân dân, cả hệ thống chính trị; phát triển nhanh nhưng phải bền vững, bảo vệ môi trường; thu hút đầu tư lựa chọn theo hướng bảo vệ môi trường “sáng, xanh, sạch, đẹp”; tận dụng nguồn năng lượng mặt trời mái nhà.
Thủ tướng chỉ đạo tỉnh phải tích cực xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, đảng viên; tổ chức Đại hội Đảng các cấp; các bộ, ngành ở Trung ương phải chung tay cùng tỉnh Quảng Nam để phát huy truyền thống và sức mạnh của tỉnh, xử lý các vấn đề, tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ tỉnh phát triển; khi địa phương hỏi không trả lời “vòng vo” mà phải rõ ràng, có thời hạn.
Về các đề xuất của tỉnh, Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ, các bộ, ngành và bản thân tỉnh cũng chậm trong thực hiện các chỉ đạo trong Kết luận của Thủ tướng Chính phủ, trong khi doanh nghiệp lại thực hiện tốt các cam kết; do đó cần rút kinh nghiệm để thực hiện nghiêm túc; các bộ, ngành phải khẩn trương xử lý. Về Đề án xã hội hóa Cảng hàng không Chu Lai, thẩm quyền hiện nay là thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, nếu vướng mắc thì phải phối hợp chặt chẽ Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu khó nữa thì giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giải quyết; phải giải quyết dứt điểm các thủ tục trong 6 tháng đầu năm, việc đầu tư chỉ trong thời hạn 2 năm theo hướng xây dựng sân bay cấp 4F (mức cao nhất), xây dựng hệ sinh thái sân bay. Tập trung trọng tâm, trọng điểm vào việc này vì đây chính là tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Nếu khó khăn gì, cần gì thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trong tương lai, tỉnh cũng phải tích cực tham gia cùng các địa phương làm dự án đường sắt tốc độ cao.
Thủ tướng cũng chấp thuận đề xuất về xây dựng trung tâm logistics Chu Lai; yêu cầu tỉnh nỗ lực hoàn thành các loại thủ tục và nỗ lực đầu tư để đến tháng 6/2027, phải hoàn thành trung tâm này. Về nâng cấp cải tạo quốc lộ 14B, Thủ tướng cơ bản ủng hộ tỉnh sử dụng vốn ngân sách để đầu tư dự án; nghiên cứu mở đường cao tốc lên biên giới với nước bạn Lào; yêu cầu Bộ Tài chính phải phân bổ xong vốn tăng thu ngân sách năm 2024…
Nguồn: https://nhandan.vn/quang-nam-tap-trung-phat-trien-dich-vu-va-cong-nghiep-dua-tren-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-post859193.html