Giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu nhận lương hưu
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 có nhiều quy định giúp mở rộng quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó có quy định giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu còn 15 năm.
Hiện nay, theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014, thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để có cơ hội được hưởng chế độ hưu trí của hầu hết các trường hợp đều là đủ 20 năm.
Về trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 sửa đổi, bổ sung quy định về trợ cấp một lần khi nghỉ hưu để khuyến khích người lao động tiếp tục làm việc, đóng bảo hiểm xã hội sau tuổi nghỉ hưu.
Theo quy định hiện hành chỉ có một mức tính hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, đối với lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn mức tối đa 75% (lao động nam có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn 35 năm, lao động nữ có thời gian đóng cao hơn 30 năm).
![Từ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội có lương hưu, bổ sung trợ cấp một lần - 1 Từ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội có lương hưu, bổ sung trợ cấp một lần - 1](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2024/12/Nguoi-tu-60-tuoi-se-nhan-duoc-nhung-che-do.jpg)
Người dân nhận lương hưu hằng tháng (Ảnh: Ngô Hùng).
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 đã quy định 2 mức như sau: Bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho mỗi năm đóng cao hơn đến tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định mà tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội thì mức trợ cấp bằng 2 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho mỗi năm đóng cao hơn số năm kể từ sau thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật đến thời điểm nghỉ hưu.
Về chế độ tử tuất, Luật sửa đổi quy định điều kiện về tuổi của thân nhân hưởng trợ cấp tuất hằng tháng thống nhất, phù hợp với tuổi nghỉ hưu của Bộ luật Lao động năm 2019.
Bên cạnh đó, Luật cũng sửa đổi quy định về quyền lựa chọn hưởng trợ cấp tuất hằng tháng hoặc một lần theo hướng tôn trọng quyền lựa chọn của thân nhân của người lao động; khi các thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng thì có quyền lựa chọn hưởng trợ cấp tuất hằng tháng hoặc lựa chọn hưởng trợ cấp tuất một lần theo hướng có lợi hơn.
Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 mở rộng đối tượng được tham gia và thụ hưởng đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội bằng việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh;
Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; người lao động làm việc không trọn thời gian; người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã không hưởng tiền lương.
![Từ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội có lương hưu, bổ sung trợ cấp một lần - 2 Từ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội có lương hưu, bổ sung trợ cấp một lần - 2](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/Tu-15-nam-dong-bao-hiem-xa-hoi-co-luong.jpeg)
Luật mới mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (Ảnh minh họa: Ngọc Nam).
Luật giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với đối tượng khác mà có việc làm, thu nhập ổn định, thường xuyên trên cơ sở đề xuất của Chính phủ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội từng thời kỳ.
Quy định này tạo điều kiện cho việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc đối với các nhóm đối tượng khác phù hợp với sự thay đổi của quan hệ lao động, điều kiện phát triển kinh tế – xã hội, đời sống của người lao động trong tương lai.
Đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng được trợ cấp thai sản
Một điểm mới đáng chú ý nữa của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, đó là bổ sung quyền thụ hưởng chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thay vì chỉ hưởng hai chế độ là hưu trí và tử tuất như Luật hiện hành.
Đồng thời, người tham gia loại hình bảo hiểm xã hội này đáp ứng đủ điều kiện theo quy định được hưởng trợ cấp thai sản với mức là 2 triệu đồng cho mỗi con mới sinh do ngân sách nhà nước bảo đảm, người lao động không phải đóng thêm so với quy định hiện hành.
Lao động nữ là người dân tộc thiểu số hoặc lao động nữ là người dân tộc Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo khi sinh con ngoài chế độ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 vẫn được hưởng chính sách hỗ trợ khác theo quy định của Chính phủ.
Nguồn: https://dantri.com.vn/an-sinh/tu-15-nam-dong-bao-hiem-xa-hoi-co-luong-huu-bo-sung-tro-cap-mot-lan-20250210151711889.htm