Chính phủ đề xuất áp dụng chỉ định thầu “chìa khóa trao tay” với nhà thầu có tên trong Hiệp định liên Chính phủ và loạt cơ chế đặc thù để dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vận hành vào 2030.
Việt Nam khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, dự kiến vận hành (phát điện) năm 2030 để đảm bảo cho phát triển kinh tế, xã hội. Trong đó, nhà máy Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam; còn nhà máy Ninh Thuận 2 ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.
Tại phiên thảo luận Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 10/2 về dự thảo Nghị quyết chủ trương, cơ chế đặc thù xây dựng điện hạt nhân Ninh Thuận, Chính phủ đề xuất loạt cơ chế đặc thù để đưa dự án vận hành trong 5 năm tới.
Thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đọc tờ trình, đề xuất Thủ tướng được phép giao chủ đầu tư thực hiện dự án. Việc đàm phán đối tác ký Hiệp định liên Chính phủ về hợp tác và tín dụng Nhà nước tài trợ xây nhà máy điện hạt nhân được tiến hành song song quá trình duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, duyệt dự án.
Sau khi Quốc hội chấp thuận chủ trương (dự kiến tại kỳ họp vào tháng 5/2025), Chính phủ được phép chọn nhà thầu, áp dụng hình thức hợp đồng “chìa khoá trao tay” khi lập dự án đầu tư, thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ, thi công xây dựng. Hợp đồng “chìa khoá trao tay” là ngoài các phần thiết kế, cung ứng vật tư, thiết bị, thi công xây dựng, nhà thầu được chọn còn cần lập dự án đầu tư xây dựng công trình.. Hợp đồng cũng có thêm điều khoản mua bảo hiểm cho vật tư, thiết bị và cung cấp nhiên liệu hạt nhân cho khối lượng nạp đầu tiên.
Chính phủ đề xuất áp dụng chỉ định gói thầu “chìa khóa trao tay” xây dựng nhà máy với nhà thầu được nêu tên trong Hiệp định liên Chính phủ. Hình thức này có thể áp dụng với các gói thầu tư vấn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, gồm tư vấn trợ giúp chủ đầu tư đàm phán, quản lý hợp đồng hay thẩm tra dự án đầu tư, thiết kế bản vẽ thi công…
Việc đàm phán trực tiếp, chỉ định thầu rút gọn cũng được áp dụng với đối tác cung ứng nhiên liệu hạt nhân cho nhà máy, vận hành và bảo dưỡng trong 5 năm từ thời điểm dự án nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng một số cơ chế đặc thù được đề xuất không thuộc thẩm quyền của Quốc hội hoặc không liên quan trực tiếp đến xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Chẳng hạn, chính sách về vay vốn tín dụng và phân bổ ngân sách với tỉnh Ninh Thuận; cơ chế về miễn bảo đảm thực hiện dự án đầu tư, trình tự thực hiện…
Việt Nam đã ký Hiệp định liên Chính phủ trong quá trình triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận giai đoạn trước đây. Do vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ rà soát kỹ việc chọn đối tác, công nghệ phù hợp với các hiệp định đã ký. Việc này cần bảo đảm lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, đặc biệt trong bối cảnh thế giới và khu vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro.
Cơ quan này cũng cho rằng việc chỉ định gói thầu hợp đồng “chìa khóa trao tay” là hợp lý để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Tuy nhiên, hình thức này có thể dẫn đến hạn chế cạnh tranh, nguy cơ lợi ích nhóm và thiếu minh bạch.
Để giảm rủi ro, Ủy ban đề nghị Chính phủ bổ sung quy trình giám sát như công khai danh sách, tiêu chí lựa chọn nhà thầu; áp dụng chế tài nghiêm nếu phát hiện dấu hiệu tiêu cực trong quá trình chỉ định và thực hiện hợp đồng.
Về trình tự thực hiện dự án điện hạt nhân, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết Chính phủ đề xuất chủ đầu tư, đối tác khảo sát, hoàn thiện lập hồ sơ dự án đầu tư (FS), hồ sơ duyệt địa điểm (SAD) song song quá trình đàm phán Hiệp định liên Chính phủ, hợp đồng “chìa khóa trao tay”. Chủ đầu tư cũng được khảo sát, lập, thẩm định thiết kế kỹ thuật chuẩn bị xây dựng, công trình chính và rà phá bom mìn sau khi dự án được duyệt đầu tư.
Họ có thể được miễn thủ tục báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu duyệt dự án đầu tư, phương án huy động vốn theo luật định. Định mức, đơn giá thực hiện các hạng mục được đề nghị áp dụng trên cơ sở đàm phán với đối tác thực hiện dự án.
Liên quan tới phương án tài chính, thu xếp vốn, Chính phủ muốn chủ đầu tư được vay, vay lại theo điều kiện ưu đãi. Nguồn tăng thu, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương được dùng cho dự án trong trường hợp đàm phán hiệp định vay không thành công, hoặc khoản vay quy mô nhỏ.
Chủ đầu tư có thể dùng vốn vay, vốn trái phiếu (Chính phủ, Chính phủ bão lãnh, trái phiếu công trình…) để đối ứng. Các ngân hàng trong nước được miễn áp dụng quy định về tổng dư nợ cấp tín dụng với chủ đầu tư, để cho vay vượt giới hạn phần vốn đối ứng cho dự án. Khoản này không tính vào tổng mức dư nợ tín dụng của các ngân hàng với chủ đầu tư, để không ảnh hưởng thu xếp vốn các dự án khác.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được giao làm chủ đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Tại đề xuất cơ chế đặc thù lần này, Chính phủ đề nghị cho họ được đánh giá lại tài sản của các nhà máy điện đã hết khấu hao (gồm nhà máy điện BOT nhận bàn giao từ chủ đầu tư, thủy điện đa mục tiêu). Chi phí này được tính vào phương án giá bán lẻ điện, để bổ sung vốn tự có của tập đoàn này cho dự án.
Với Tập đoàn Công nghiệp năng lượng quốc gia (PVN) – chủ đầu tư nhà máy Ninh Thuận 2, họ có thể được giữ lại 32% lãi được chia cho nước chủ nhà của các hợp đồng dầu khí và toàn bộ lãi từ hoạt động hàng năm của Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro.
Chủ đầu tư dự án điện hạt nhân cũng được giữ lại toàn bộ lợi nhuận sau thuế còn lại để bổ sung vốn đối ứng trong thời gian thực hiện dự án. Họ cũng được miễn thủ tục phê duyệt chủ trương chuyển quyền mục đích sử dụng rừng với các hạng mục liên quan dự án.
Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường khi thẩm tra nhất trí cơ chế vốn để tăng nguồn lực của các chủ đầu tư. Tuy nhiên, cơ quan này lưu ý có phương án bù đắp số giảm thu ngân sách từ nguồn lợi nhuận sau thuế còn lại của các doanh nghiệp.
Hai vị trí quy hoạch đặt nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2. Đồ họa: Tiến Thành
Việt Nam ước tính cần khoảng 2.400 nhân lực cho dự án điện hạt nhân này. Song theo cơ quan thẩm tra, dự thảo Nghị quyết chưa có cơ chế đặc thù với nguồn nhân lực (đào tạo, đãi ngộ, thu hút nhân lực…) hay về đất đai, quy hoạch để tạo điều kiện cho giải phóng mặt bằng.
“Đây là ngành đặc thù, đòi hỏi chuyên môn, trình độ cao. Nếu không có chính sách về nhân lực phù hợp sẽ khó chủ động thực hiện và vận hành dự án trong trước mắt, dài hạn”, báo cáo thẩm tra nêu.
Cơ quan này cũng nhận định “dự án điện hạt nhân Ninh Thuận khó vận hành vào 2030 như Chính phủ nêu”. Bởi theo kinh nghiệm quốc tế phải mất khoảng 8 năm để hoàn thiện một dự án điện hạt nhân.
Chưa kể, dự án có quy mô rất lớn, lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam, đòi hỏi nguồn lực lớn. “Cần nghiên cứu, có giải pháp khắc phục để bảo đảm mốc vận hành dự án. Chính phủ và tỉnh Ninh Thuận cần cam kết trách nhiệm về tính hiệu quả, tiến độ, chất lượng dự án”, thường trực cơ quan thẩm tra lưu ý thêm.
Ngoài cơ chế cho chủ đầu tư, tỉnh Ninh Thuận cũng được áp dụng một số chính sách đặc thù. Theo đó, hàng năm ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh 70% nguồn tăng thu từ triển khai dự án điện hạt nhân. Tỉnh này cũng được vay lại vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài với tổng dư nợ tối đa 90% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp.
Bên cạnh đó, tỉnh được áp dụng một số cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án điện hạt nhân. Riêng với cơ chế xử lý chồng lấn quy hoạch khoáng sản titan với dự án, tỉnh được đề nghị xử lý theo quy trình rút gọn, miễn thủ tục phê duyệt chủ trương điều chỉnh khu vực dự trữ khoáng sản.
Với các chính sách đặc thù này, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường lưu ý cần có quy định rõ về mục tiêu dùng vốn, cơ chế giám sát để tránh mất cân đối ngân sách, rủi ro nợ công.
Năm 2024, tổng công suất lắp đặt hệ thống điện khoảng 85.000 MW. Công suất này có thể đạt 150.000 MW vào 2030, và tăng lên 400.000-500.000 MW tới 2050, theo Quy hoạch điện VIII.
Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% năm nay và hai chữ số từ 2026. Tức là nhu cầu tăng trưởng điện mỗi năm khoảng 12-14%. Do đó, phát triển điện hạt nhân sẽ giúp Việt Nam đa dạng nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng và đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 theo cam kết tại COP26.
Dự thảo Nghị quyết cơ chế đặc thù cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ được Quốc hội xem xét, quyết nghị tại kỳ họp bất thường, khai mạc ngày 12/2.
Anh Minh
Nguồn: https://vnexpress.net/de-xuat-chi-dinh-thau-chon-doi-tac-xay-nha-may-dien-hat-nhan-ninh-thuan-4847915.html