Thứ tư, Tháng hai 12, 2025
HomeThế GiớiĐiểm lại các cuộc chiến thuế quan lớn của Mỹ trong lịch...

Điểm lại các cuộc chiến thuế quan lớn của Mỹ trong lịch sử

Tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý tạm hoãn mức thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada nhưng lệnh tạm hoãn này chỉ kéo dài một tháng.

Trong khi đó, mức thuế bổ sung 10% mà ông Trump áp lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc – bổ sung vào các thuế quan hiện có – đã chính thức có hiệu lực.

Diễn biến mới nhất, ngày 10-2, Tổng thống Trump đã ký quyết định áp thuế 25% đối với các mặt hàng thép và nhôm từ tất cả các nước nhập khẩu vào Mỹ.

Bối cảnh này cho thấy nguy cơ xảy ra một cuộc chiến thuế quan đa mặt trận vẫn còn và thậm chí đáng ngại hơn.

Có thể nói rằng Tổng thống Trump sau khi về lại Nhà Trắng đã gây không ít xáo động trên thị trường toàn cầu. Tuy nhiên ông Trump không phải tổng thống Mỹ đầu tiên sử dụng thuế quan như một công cụ gây sức ép với các đối tác thương mại của Mỹ. Trong quá khứ, nhiều đời tổng thống Mỹ đã theo đuổi chính sách tương tự, theo kênh Al-Jazeera.

Điểm lại các cuộc chiến thuế quan của Mỹ trong lịch sử
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: GETTY IMAGES

Đạo luật Thuế quan Smoot-Hawley năm 1930

Năm 1929, thị trường chứng khoán Phố Wall sụp đổ, kéo theo cuộc Đại Suy Thoái – giai đoạn hỗn loạn kinh tế toàn cầu kéo dài suốt một thập niên.

Vài tháng sau, vào tháng 6-1930, Tổng thống Mỹ Herbert Hoover ký ban hành Đạo luật Thuế quan Smoot-Hawley.

Đạo luật Smoot-Hawley được đặt theo tên hai nhà lập pháp bảo trợ đạo luật này: Thượng nghị sĩ Reed Smoot (bang Utah) và Hạ nghị sĩ Willis Hawley (bang Oregon), cả hai đều thuộc đảng Cộng hòa.

Ban đầu, luật này nhằm bảo vệ nông dân Mỹ khỏi sự cạnh tranh của hàng nhập khẩu, nhưng sau đó mở rộng sang nhiều mặt hàng khác, nâng thuế đối với sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp nhập khẩu vào Mỹ lên khoảng 20%.

Ngay lập tức, đạo luật này châm ngòi cho các cuộc chiến thương mại. Nhiều quốc gia, bao gồm Canada, Pháp và Tây Ban Nha, đã đáp trả bằng cách áp thuế lên hàng hóa Mỹ. Canada, đối tác thương mại lớn của Mỹ lúc bấy giờ, áp thuế lên 16 mặt hàng, chiếm gần 1/3 tổng xuất khẩu của Mỹ, theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER).

Việc trao đổi thương mại bị đình trệ càng làm suy yếu nền kinh tế Mỹ. Đến năm 1933, xuất khẩu của Mỹ giảm tới 61%. Đạo luật Smoot-Hawley thường được các chuyên gia coi là một trong những yếu tố khiến cuộc khủng hoảng kinh tế của Mỹ trở nên trầm trọng hơn.

Hệ quả là uy tín của Tổng thống Hoover giảm sút nghiêm trọng, khiến ông thất bại trong cuộc tái tranh cử năm 1932 trước ứng viên đảng Dân chủ Franklin D. Roosevelt.

Nhằm khắc phục hậu quả, vào tháng 6-1934, Tổng thống Roosevelt ký Đạo luật Thỏa thuận Thương mại Song phương, mở đường cho các hiệp định thương mại với nhiều quốc gia để đảo ngược tác động tiêu cực của Đạo luật Smoot-Hawley.

Luật mới nêu rõ: “Một sự phục hồi toàn diện và lâu dài của nền kinh tế trong nước phụ thuộc một phần vào việc khôi phục và củng cố thương mại quốc tế”.

Trong giai đoạn 1934-1939, chính quyền Tổng thống Roosevelt đã ký thỏa thuận thương mại với 19 quốc gia.

Cuộc chiến gà những năm 1960

Vào những năm 1960, Mỹ và các quốc gia châu Âu lao vào một cuộc đối đầu thương mại căng thẳng, được gọi là Cuộc chiến gà. Trong Thế chiến II, thịt đỏ bị hạn chế tiêu dùng, khiến chính phủ Mỹ khuyến khích người dân ăn cá và thịt gia cầm thay thế.

Sau chiến tranh, Mỹ đẩy mạnh mô hình chăn nuôi công nghiệp, giúp giảm giá thành thịt gà. Khi toàn cầu hóa tăng tốc, châu Âu bắt đầu nhập khẩu gà Mỹ giá rẻ. Điều này khiến nông dân châu Âu lo ngại bị cạnh tranh quá mạnh, khi gà Mỹ nuôi nhanh, giá thấp áp đảo sản phẩm nội địa.

Năm 1962, Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC, tiền thân của Liên minh châu Âu) quyết định đánh thuế gà nhập khẩu từ Mỹ. 6 quốc gia thành viên lúc đó – Pháp, Tây Đức, Ý, Bỉ, Hà Lan và Luxembourg – nâng thuế lên 13,43 cent/pound (450 gram) gà (tương đương khoảng 1,4 USD ngày nay). Ngay lập tức, xuất khẩu gà của Mỹ sang châu Âu sụt giảm mạnh. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), chỉ trong một năm (1962-1963), tổng xuất khẩu gà của Mỹ trên toàn cầu đã giảm khoảng 30%.

Năm 1963, Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson áp thuế trả đũa lên nhiều mặt hàng nhập khẩu từ châu Âu, bao gồm bột khoai tây với mức thuế 25 cent/pound (khoảng 2,57 USD hiện nay), rượu brandy với mức thuế 5 USD/gallon (tương đương 51,3 USD ngày nay), dextrin – một hóa chất dùng trong sản xuất giấy – bị áp thuế 3 cent/pound (khoảng 0,31 USD hiện nay), và xe tải có giá trên 1.000 USD bị áp thuế 25%.

Mặc dù các loại thuế trả đũa khác đã bị loại bỏ theo thời gian, mức thuế 25% lên xe tải hạng nhẹ vẫn còn hiệu lực đến ngày nay. Điều này đã dẫn đến một cuộc “mèo vờn chuột” giữa các nhà sản xuất ô tô nước ngoài và cơ quan quản lý Mỹ.

Các hãng xe tìm cách thiết kế mẫu xe có thể đáp ứng tiêu chí xe chở khách hoặc lắp ráp ngay tại Mỹ để né thuế. Đến cuối thế kỷ 20, các hãng xe Nhật, Hàn Quốc dần dịch chuyển nhà máy sản xuất sang Bắc Mỹ để tránh mức thuế này, góp phần thay đổi cục diện ngành công nghiệp ô tô Mỹ.

Cuộc chiến gỗ giữa Mỹ và Canada năm 1982

Năm 1982, Mỹ và Canada đối đầu trong cuộc chiến thương mại về gỗ xẻ mềm. Nguyên nhân gốc rễ của tranh chấp là cách hai nước quản lý nguồn tài nguyên này. Canada khai thác gỗ từ đất công, với giá do chính phủ quy định, trong khi Mỹ chủ yếu thu hoạch từ đất tư nhân. Mỹ cáo buộc Canada trợ giá không công bằng cho ngành gỗ xẻ mềm, dẫn đến nhiều vòng tranh chấp, áp thuế và thuế trả đũa.

Cuộc chiến gỗ kéo dài đến tận ngày nay. Hiện tại, gỗ xẻ Canada đang chịu mức thuế 14% khi vào thị trường Mỹ, và có nguy cơ bị tăng thêm 25% theo kế hoạch mới của ông Trump. Theo dữ liệu từ trang Observatory of Economic Complexity, gần một nửa sản phẩm gỗ nhập khẩu vào Mỹ có nguồn gốc từ Canada.

Thuế quan với ô tô Nhật năm 1987

Năm 1987, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan áp thuế 100% lên 300 triệu USD hàng nhập khẩu từ Nhật, đặc biệt là ô tô. Nguyên nhân được chính quyền ông Reagan đưa ra là Nhật đã không tuân thủ thỏa thuận thương mại về chất bán dẫn năm 1986 giữa hai nước. Theo thỏa thuận này, Nhật phải mở cửa thị trường cho chất bán dẫn do Mỹ sản xuất.

Nhật không có động thái trả đũa. Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Nhật khi đó là ông Hajime Tamura đã nói: “Nhằm ngăn vấn đề này gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ thống thương mại tự do toàn cầu, chính phủ Nhật quyết định không áp dụng biện pháp trả đũa ngay lập tức”.

Hậu quả là nền kinh tế Nhật chịu tổn thất đáng kể. Đồng yen tăng giá, xuất khẩu giảm, và đến những năm 1990, Nhật rơi vào suy thoái kéo dài đến năm 2002.

Trước khi áp thuế, Mỹ có thâm hụt thương mại lớn với Nhật, lên tới 55 tỉ USD vào năm 1986. Con số này giảm nhẹ xuống dưới 52 tỉ USD vào năm 1988 và còn 43 tỉ USD vào năm 1991. Tuy nhiên, cán cân thương mại Mỹ – Nhật không duy trì ổn định lâu dài. Năm 2023, thâm hụt thương mại của Mỹ với Nhật đã tăng lên mức 72 tỉ USD.

Vụ kiện chuối 1993

Năm 1993, ngay sau khi Liên minh châu Âu (EU) được thành lập, khối này áp thuế lên chuối nhập khẩu từ các nước Mỹ Latinh nhằm tạo lợi thế cho các nông dân nhỏ ở các thuộc địa cũ của châu Âu tại vùng Caribe và châu Phi.

Mỹ lập tức phản đối, cho rằng điều này vi phạm nguyên tắc thương mại tự do. Phần lớn các đồn điền chuối ở Mỹ Latinh thuộc sở hữu của các công ty Mỹ và lợi nhuận của họ bị đe dọa.

Mỹ đã đệ trình 8 đơn kiện riêng biệt lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Trong vụ kiện đầu tiên vào năm 1997, WTO phán quyết có lợi cho Mỹ. Sau đó, tổ chức này liên tục đứng về phía Mỹ trong các tranh chấp tiếp theo.

Mặc dù EU tuyên bố đã giảm thuế, Mỹ vẫn cho rằng thị trường chưa được khôi phục công bằng. Để trả đũa, Mỹ áp thuế 100% đối với nhiều mặt hàng châu Âu như vải cashmere Scotland và phô mai Pháp. Cuộc chiến thương mại trở thành “chuối đổi lấy phô mai brie”.

Việc giải quyết tranh chấp bắt đầu với Hiệp định Chuối Geneva vào tháng 12-2009, được ký kết giữa Mỹ, EU và 10 quốc gia Mỹ Latinh. Thỏa thuận yêu cầu EU giảm thuế nhập khẩu chuối từ các nước Mỹ Latinh, từ 148 euro/tấn xuống còn 114 euro/tấn vào năm 2017.

Đến năm 2012, EU ký kết hiệp định với các nước Mỹ Latinh để chính thức khép lại các vụ kiện tại WTO. Các quốc gia Mỹ Latinh tham gia thỏa thuận bao gồm Brazil, Colombia, Costa Rica, Ecuador, Guatemala, Honduras, Mexico, Nicaragua, Panama và Venezuela.

Cuộc chiến thép với Châu Âu năm 2002

Để thúc đẩy ngành công nghiệp thép Mỹ, Tổng thống Mỹ George W. Bush đã áp thuế từ 8% đến 30% đối với thép nhập khẩu từ nước ngoài. Mexico và Canada được miễn trừ, nhưng châu Âu thì không. Theo phân tích của Viện nghiên cứu CEPII (Pháp), nhập khẩu thép từ các quốc gia chịu ảnh hưởng từ chính sách thuế của ông Bush giảm trung bình 28% vào năm 2002 và tiếp tục giảm thêm 37% vào năm 2003.

Tuy nhiên, Mỹ bắt đầu nhập khẩu nhiều hơn từ các quốc gia không nằm trong diện áp thuế, dẫn đến tổng lượng nhập khẩu thép của Mỹ vẫn tăng 3% trong vòng 12 tháng sau khi thuế được áp dụng.

Các biện pháp này cũng ảnh hưởng đến ngành công nghiệp thép Mỹ. Một số công ty thép nhỏ phá sản hoặc bị các tập đoàn lớn hơn thâu tóm.

Để trả đũa, châu Âu đe dọa áp thuế lên nhiều mặt hàng Mỹ trị giá 2,2 tỉ USD (khoảng 3,85 tỉ USD theo giá trị hiện nay), bao gồm cam từ Florida và xe mô tô Harley Davidson. Chỉ vài ngày trước khi EU thực hiện biện pháp đáp trả, ông Bush đã dỡ bỏ thuế thép vào năm 2003.

Cuộc chiến thương mại đầu tiên của ông Trump năm 2018

Tháng 1-2018, ông Trump áp thuế lên tất cả các tấm pin năng lượng mặt trời và máy giặt nhập khẩu. Mặc dù chính sách này không nhắm cụ thể vào một quốc gia, nhưng Trung Quốc – nhà sản xuất tấm pin mặt trời lớn nhất thế giới – bị ảnh hưởng nặng nề. Đến tháng 6-2018, nhà lãnh đạo Mỹ áp thuế 25% lên hơn 800 sản phẩm từ Trung Quốc.

Để đáp trả, vào tháng 4-2018, Bắc Kinh áp thuế 178,6% đối với lúa miến nhập khẩu từ Mỹ, nhưng gỡ bỏ thuế này vào tháng 5-2018. Trung Quốc tiếp tục áp thuế 25% đối với 128 sản phẩm của Mỹ, bao gồm đậu nành và máy bay.

Cùng năm đó, ông Trump cũng áp thuế 25% lên thép và 10% lên nhôm nhập khẩu từ Canada, Mexico và các nước EU.

diem-lai-cac-cuoc-chien-thue-quan-cua-my-trong-lich-su-2.jpg
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Đặc phái viên thương mại Trung Quốc Lưu Hạc ký thoả thuận thương mại vào tháng 1-2020. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Các nước chịu ảnh hưởng cũng không ngồi yên.

Canada đáp trả bằng mức thuế 25% và 10% đối với hàng loạt sản phẩm nhập từ Mỹ. Từ mùa hè năm 2019 đến năm 2020, Mỹ và Trung Quốc liên tục áp đặt thuế quan lẫn nhau trong khi cũng tìm cách đàm phán để kết thúc tranh chấp. Năm 2019, Trung Quốc đánh mất vị trí đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ vào tay Mexico. Sau nhiều cuộc đàm phán, một thỏa thuận đình chiến thương mại được công bố vào tháng 1-2020.

Kế nhiệm ông Trump, ông Biden tiếp tục gia hạn thuế quan đối với tấm pin mặt trời vào năm 2022. Đến tháng 2-2023, thuế quan đối với máy giặt mới chính thức hết hiệu lực.

Nhìn lại lần ông Trump áp thuế với nhôm và thép nước ngoài trong nhiệm kỳ đầu
Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Nguồn: https://plo.vn/diem-lai-cac-cuoc-chien-thue-quan-lon-cua-my-trong-lich-su-post833691.html

PLO Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay