Thứ tư, Tháng hai 12, 2025
HomeThế GiớiNguy cơ chiến tranh thương mại toàn diện

Nguy cơ chiến tranh thương mại toàn diện

Nguy cơ chiến tranh thương mại toàn diện - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng khi ký các sắc lệnh ngày 10-2 – Ảnh: REUTERS

“Đây là sự leo thang không thể nhầm lẫn của xung đột thương mại, song liệu nó có phát triển thành một cuộc chiến thương mại toàn diện hay không còn tùy thuộc vào phản ứng của các nước bị ảnh hưởng”, GS Julien Chaisse (ĐH Hong Kong, Trung Quốc) nhận định với Tuổi Trẻ.

Ảnh hưởng toàn thế giới

Trong luật thương mại, “chiến tranh thương mại” thường đề cập đến một chuỗi các biện pháp áp thuế và đối phó leo thang. “Với việc Liên minh châu Âu, Canada và Mexico đều đã đưa ra các phản ứng tiềm tàng, chúng ta đang thấy những dấu hiệu ban đầu của sự leo thang như vậy”, ông Chaisse nói tiếp.

Khi ký sắc lệnh áp mức thuế 25% tại Nhà Trắng vào tối 10-2, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ có các biện pháp đáp trả theo kiểu “có đi có lại” với tất cả các quốc gia áp thuế quan với hàng hóa Mỹ trong hai ngày tới.

Đây có thể xem là lời cảnh báo, đồng thời là động thái “đẩy bóng sang phần sân khác” khi ám chỉ cách các quốc gia phản ứng sẽ quyết định liệu thế giới có bước vào một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện hay không.

Trong khi truyền thông quốc tế chú ý nhiều đến các nhà cung cấp thép lớn nhất cho Mỹ như Canada, Brazil, Mexico và Hàn Quốc, biện pháp thuế quan mới của Mỹ có phạm vi ảnh hưởng lớn hơn nhiều.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, vào năm 2018, thông qua thuế quan, chính quyền của ông Trump đã đạt được thỏa thuận về hạn ngạch với một số quốc gia sản xuất nhôm thép và miễn áp dụng mức thuế 10% với vài nước.

Tuy nhiên, trong sắc lệnh mới ký chưa ráo mực được Nhà Trắng đăng tải, tất cả các thỏa thuận về hạn ngạch cùng hàng trăm loại thuế liên quan các sản phẩm làm từ nhôm và thép sẽ bị bãi bỏ.

Cũng theo sắc lệnh này, thép và nhôm nhập khẩu phải được “nung chảy và tạo hình” ở Mỹ – một yêu cầu được cho là nhằm hạn chế các sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc và Nga tràn vào Mỹ qua nước thứ ba.

Chưa dừng ở đó, thuế quan sẽ còn mở rộng với cả sản phẩm hạ nguồn sử dụng thép và nhôm sản xuất ở nước ngoài, bao gồm thép kết cấu chế tạo và nhôm đùn.

Nguy cơ chiến tranh thương mại toàn diện - Ảnh 2.

Nguồn: Viện Sắt và Thép Mỹ – Dữ liệu: DUY LINH – Đồ họa: T.ĐẠT

Mục tiêu là Trung Quốc?

Những người ủng hộ ông Trump tin rằng các biện pháp thuế quan mới sẽ giúp đưa các nhà máy và việc làm trở lại nước Mỹ. Quan điểm này phần nào có cơ sở khi nhìn vào những gì đã diễn ra trong nhiệm kỳ đầu của ông.

Theo thống kê của Viện Sắt và Thép Mỹ, lượng thép nhập khẩu giảm 10,2 triệu tấn trong giai đoạn từ năm 2017 – trước khi mức thuế 10% được áp dụng – đến năm 2019. Trong cùng khoảng thời gian, sản lượng thép nội địa của Mỹ tăng 6,8 triệu tấn, tương đương 7,5%.

Tuy nhiên theo giới quan sát, mục tiêu lần này của ông Trump không phải là Canada hay Mexico và Hàn Quốc – những nước mà Mỹ có thể dễ dàng “khuất phục” – mà là Trung Quốc.

Mặc dù Trung Quốc chỉ đứng thứ 10 trong số các nhà cung cấp thép cho Mỹ, các mức thuế quan này hoạt động như một hạn chế gián tiếp với nước này, đánh vào lỗ hổng trong vận chuyển, chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Theo Reuters, một quan chức Mỹ cũng đã ngầm thừa nhận mục tiêu cuối cùng là Trung Quốc.

“Thép Trung Quốc được xuất khẩu sang các nước thứ ba, được chế biến hoặc đổi thương hiệu, sau đó xuất sang Mỹ dưới một nhãn hiệu xuất xứ khác. Động thái mới của Mỹ được thiết kế nhằm bịt cửa hậu này”, GS Chaisse nhận định.

Điều này sẽ dẫn đến hậu quả là những quốc gia nhập khẩu thép và nhôm bán thành phẩm như Trung Quốc phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn từ Mỹ.

“Nếu lượng xuất khẩu của các nước này sang Mỹ vẫn ở mức cao, họ có thể trở thành mục tiêu của các cuộc điều tra thương mại mới. Trung Quốc có thể chuyển hướng nhiều thép hơn sang Đông Nam Á, châu Phi và châu Âu, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu và giá giảm tại các thị trường đó”, ông Chaisse dự đoán.

Phản ứng của các nước

Trung Quốc vẫn chưa đưa ra bình luận nào – điều mà nhiều người tin rằng sẽ không xảy ra vì như thế chẳng khác gì xác nhận họ đã lách mức thuế quan của Mỹ bằng cách chuyển thép và nhôm bán thành phẩm sang nước khác. Sự quan tâm hiện tại đang dồn vào các nước như Canada, Hàn Quốc và Mexico.

Quyền Tổng thống Hàn Quốc Choi Sang Mok tuyên bố chính phủ của ông sẽ tìm cách đàm phán với chính quyền Mỹ về mức thuế mới để bảo vệ quyền lợi của các công ty.

Theo ông Choi, lãnh đạo của khoảng 20 tập đoàn lớn của nước này đã lên kế hoạch đến thăm Mỹ trong tương lai gần, trong lúc chính phủ sẽ thảo luận các biện pháp ứng phó với Nhật Bản và Liên minh châu Âu.

Trong khi đó, Bộ trưởng Công nghiệp Canada mô tả mức thuế quan mới của Mỹ là “hoàn toàn không có cơ sở”, nhấn mạnh thép và nhôm của Canada hỗ trợ các ngành công nghiệp chính của Mỹ từ quốc phòng, đóng tàu, năng lượng đến sản xuất ô tô.

Nguồn: https://tuoitre.vn/nguy-co-chien-tranh-thuong-mai-toan-dien-20250212065530108.htm

TuoiTre Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay