Trong báo cáo được công bố mới đây, Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism) bày tỏ lạc quan về triển vọng sáng sủa của ngành du lịch trong năm 2025, với mức tăng trưởng dự kiến từ 3 đến 5%. Ðây là sự tiếp nối những thành quả mà ngành du lịch toàn cầu đã gặt hái được trong thời gian qua.
Tổng Thư ký UN Tourism Zurab Pololikashvili nhấn mạnh, năm 2024, “ngành công nghiệp không khói” đã hoàn tất quá trình phục hồi sau cú sốc do đại dịch Covid-19 gây ra, khi ghi nhận tới 1,4 tỷ lượt khách quốc tế, tương đương mức của năm 2019, thời điểm trước khi Covid-19 làm tê liệt du lịch toàn cầu.
Châu Âu là khu vực thu hút nhiều du khách quốc tế nhất, với 747 triệu lượt khách ghé thăm. Trong đó, với các sự kiện lớn như Thế vận hội Olympic, việc mở cửa trở lại Nhà thờ Ðức Bà Paris, Pháp trở thành quốc gia dẫn đầu danh sách điểm đến được yêu thích nhất. Bên cạnh châu Âu, lượng khách quốc tế đến các khu vực châu Á-Thái Bình Dương, châu Mỹ, châu Phi cũng đạt mức tăng trưởng ấn tượng.
Giới chuyên gia nhận định, nhu cầu du lịch tăng mạnh, kết nối hàng không mở rộng, cùng các chính sách hỗ trợ như nới lỏng visa là những nguyên nhân chính khiến ngành du lịch phát triển mạnh mẽ. Sự bứt phá đó được phản ánh qua doanh thu, với tổng doanh thu từ du lịch quốc tế trong năm 2024 đạt 1.600 tỷ USD, tăng 4% so với mức của năm 2019 và cao hơn 3% mức năm 2023.
Nguồn thu này là “liều thuốc tăng lực” đối với nền kinh tế thế giới, vốn bị chao đảo trước nhiều cơn “sóng dữ” như lạm phát và giá năng lượng tăng phi mã, bất ổn chính trị gia tăng. Sự phục hồi ngoạn mục của ngành du lịch không chỉ tác động tích cực đến các doanh nghiệp nhỏ và thị trường việc làm, mà còn đóng góp quan trọng cho ngân sách của nhiều quốc gia.
Trong đó có thể kể đến, số lượt du khách quốc tế vượt mục tiêu đã mang lại doanh thu hơn 52,8 tỷ USD cho Thái Lan trong năm 2024. Tại Cộng hòa Síp với việc thu hút lượng du khách nhiều gấp 4 lần dân số, năm 2024, du lịch đóng góp khoảng 21% GDP của nước này.
Không thể phủ nhận những lợi ích to lớn mà ngành du lịch đã mang lại cho các nền kinh tế, song, tình trạng quá tải du khách cũng trở thành mối lo khi kéo theo một số tác động tiêu cực đối với cuộc sống của người dân địa phương và môi trường, đồng thời đặt ra bài toán hóc búa về phát triển du lịch bền vững.
Tại Hy Lạp, mặc dù ngành du lịch có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế nhưng tình trạng du khách tăng cao quá mức đã gây quá tải tại các địa điểm nổi tiếng. Ðơn cử đảo Santorini ở Hy Lạp chỉ có thể đón khoảng 8.000 lượt du khách mỗi ngày nhưng con số thực tế đã vượt quá 17.000 lượt. Nhật Bản cũng đối mặt tình trạng tương tự.
Cuộc khảo sát do Ngân hàng Phát triển Nhật Bản thực hiện mới đây cho thấy, 32% số du khách được hỏi cảm thấy không thoải mái vì các điểm du lịch tại Xứ sở Hoa anh đào quá đông đúc.
Ngoài ra, bên cạnh những “cơn gió thuận”, ngành du lịch toàn cầu cũng đối mặt một số thách thức tiềm ẩn như chi phí vận chuyển và lưu trú tăng cao, giá dầu biến động, căng thẳng địa chính trị, thời tiết khắc nghiệt và tình trạng thiếu hụt lao động.
Trong bối cảnh đó, giới chuyên gia nhấn mạnh, việc cân bằng giữa tăng trưởng và phát triển bền vững sẽ là yếu tố then chốt quyết định sự phát triển của ngành du lịch trong thời gian tới. Nhận thức rõ điều này, nhiều nước trên thế giới đang hướng đến phát triển du lịch bền vững.
Với những tín hiệu tích cực về tăng trưởng, cùng sự chuyển hướng mạnh mẽ sang du lịch bền vững, 2025 hứa hẹn tiếp tục là một năm khởi sắc của ngành du lịch thế giới. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đối mặt nhiều “cơn gió ngược”, ngành du lịch được kỳ vọng sẽ tiếp tục là động lực của tăng trưởng.
Nguồn: https://nhandan.vn/du-lich-toan-cau-but-toc-ngoan-muc-post859740.html