Thứ năm, Tháng hai 13, 2025
HomePháp LuậtBí ẩn vụ cặp du khách mất tích trong chuyến lặn biển

Bí ẩn vụ cặp du khách mất tích trong chuyến lặn biển

AustraliaDòng nhật ký kỳ lạ, bộ đồ lặn rách và lời nhắn “cứu chúng tôi” làm dấy lên những giả thuyết ám ảnh về cặp đôi bị bỏ lại giữa biển khơi, không ai phát hiện ra suốt 48 giờ.

Tom Lonergan, 33 tuổi và Eileen, 28 tuổi, đều là thợ lặn giàu kinh nghiệm. Cặp đôi người Mỹ đã kết hôn 10 năm, gắn bó với nhau vì đam mê phiêu lưu và các hoạt động ngoài trời.

Sau hai năm tham gia chương trình tình nguyện Đoàn Hòa bình Mỹ tại Tuvalu và Fiji, cặp đôi quyết định đi khám phá Rạn san hô Great Barrier ở Australia.

Ngày 25/1/1998, họ háo hức lên thuyền của Outer Edge vào buổi sáng cùng một nhóm 24 thợ lặn khác. Outer Edge Dive đã lên kế hoạch cho chuyến lặn biển như thường lệ để khám phá rạn san hô nằm cách bờ biển Queensland hơn 64 km, với nhiều chuyến lặn được lên lịch trong suốt cả ngày.

Trong lần lặn cuối cùng vào khoảng 15h, cặp đôi nói với người hướng dẫn lặn rằng họ sẽ “rời đi và làm việc riêng” trước khi bơi khuất khỏi tầm nhìn. Hai vợ chồng được nhìn thấy lần cuối khi đang khám phá rạn san hô ở độ sâu 12 m dưới mặt nước.

Hôm đó, chiếc thuyền Outer Edge quay trở lại Cảng Douglas mà không có Tom và Eileen.

Vụ mất tích chỉ được phát hiện khi đồ đạc của họ, bao gồm giày dép, hộ chiếu và ví của Tom, được tìm thấy trong một chiếc túi trên thuyền vào hai ngày sau, 27/1. Thuyền trưởng Geoffrey Nairn khai với cảnh sát: “Tôi nhìn vào túi và nghĩ, Chúa ơi, bên trong có ví và giấy tờ”.

Con thuyền cũng mất hai bình lặn và hai đai lưng. Đai lưng được một thợ lặn tìm thấy ngày 26/1 tại Rạn san hô St Crispin trong chuyến đi khác của Outer Edge vào một ngày sau.

Sau khi tìm thấy đồ đạc của cặp đôi, thuyền trưởng gọi đến khách sạn nơi họ đang lưu trú. Người quản lý thông báo đã không nhìn thấy cặp đôi trong vài ngày. Thuyền trưởng trình báo Tom và Eileen mất tích khi đi lặn biển, dẫn đến một cuộc tìm kiếm cứu nạn lớn.

Nhà chức trách tìm kiếm Tom và Eileen Lonergan trên biển. Ảnh: Cairnspost

Nhà chức trách tìm kiếm Tom và Eileen Lonergan trên biển, từ nơi họ khởi hành đến Rạn san hô St Crispin. Ảnh: Cairnspost

Hải quân và cảnh sát Australia huy động 17 máy bay, trực thăng và thuyền tham gia tìm kiếm, người dân địa phương cũng hỗ trợ. Nhưng tất cả những gì họ tìm thấy suốt từ tháng 2 đến tháng 6/1998 chỉ là những mảnh thiết bị lặn trôi dạt vào bờ, một số vật dụng cá nhân và một lời nhắn ám ảnh.

Một tấm bảng dùng để viết dưới nước đã dạt vào bờ biển với dòng chữ: “Gửi bất kỳ ai có thể giúp chúng tôi: Chúng tôi đã bị thuyền Outer Edge bỏ rơi trên Rạn san hô Agincourt vào lúc 15h ngày 25/1/1998. Xin hãy giúp chúng tôi, hãy đến giải cứu trước khi chúng tôi chết. Cứu với!!!”.

Lời nhắn được cho là do Eileen viết.

Một bình lặn, chiếc mũ bị rách của bộ đồ lặn và hai áo phao chưa bị hư hại có ghi tên Tom và Eileen được tìm thấy trên một bãi biển cách thị trấn Cooktown của Queensland gần 10 km. Bộ đồ lặn màu xanh lá cây và xám của Eileen cũng được tìm thấy với nhiều vết rách ở phần mông.

Tháng 9/1998, nhà chức trách mở cuộc điều tra về vụ mất tích của cặp đôi tại thành phố Carins, Queensland. Ngày 11/9, một đoạn nhật ký kỳ lạ do Eileen viết được phát hiện.

Hai tuần trước chuyến đi, cô viết rằng chồng “muốn được chết nhanh chóng và thanh thản”. Cô viết thêm: “Tom không có ý định tự tử nhưng mong muốn được chết, ý nghĩ này có thể dẫn anh ấy đến với điều anh ấy mong mỏi và tôi có thể bị cuốn vào đó”. Điều này làm dấy lên nhiều giả thuyết về những gì đã xảy ra.

Tuy nhiên, cả cha mẹ của Tom và Eileen đều cho rằng những lời lẽ này đã bị tách khỏi ngữ cảnh.

Tom và Eileen Lonergan. Ảnh: Sun

Tom và Eileen Lonergan. Ảnh: Sun

Dù lực lượng cứu hộ đã thu hồi được một số đồ đạc của cặp đôi trong cuộc tìm kiếm trải dài 8.000 hải lý, thi thể Tom và Eileen chưa bao giờ được tìm thấy.

Một thanh tra trong vụ án tiết lộ rằng cặp đôi sẽ phải bơi 6 km qua một dòng chảy xiết để đến nơi an toàn gần nhất – một chiếc phao neo đậu tại Rạn san hô Agincourt.

Đa phần ý kiến suy đoán cặp đôi đã bị kiệt sức, mất nước và chết đuối. Một bộ phận khác cho rằng họ có thể đã bị cá mập tấn công vì Rạn san hô Great Barrier là nơi sinh sống của nhiều loài cá mập, bao gồm cá mập hổ.

Ben Cropp, thợ lặn nổi tiếng người Australia với hơn 10.000 lần lặn và 48 năm kinh nghiệm khám phá đại dương, cho biết trong cuộc điều tra: “Cảm nhận cá nhân của tôi là họ đã bị một con cá mập hổ kéo đi trong vòng 24 đến 48 giờ đầu tiên”. Suy đoán này được các nhà làm phim đưa vào kịch bản bộ phim kinh dị sinh tồn Open Water, ra mắt năm 2004, dựa trên vụ mất tích của Tom và Eileen.

Một giả thuyết khác táo bạo hơn là cặp đôi này có thể đã giả chết hoặc lợi dụng chuyến lặn để dàn dựng vụ mất tích. Việc phát hiện tấm bảng viết dưới nước hầu như đã làm mất độ tin cậy của giả thuyết này, nhưng một số người vẫn thắc mắc về cách một số thiết bị của cặp đôi được tìm thấy trong tình trạng tương đối tốt và ở cùng một nơi trên cùng một bãi biển. Những ghi chép trong nhật ký của Eileen càng làm tăng thêm những nghi ngờ này.

Cuộc điều tra cũng làm dấy lên những thuyết âm mưu với lời khai của Gail McLean, nhân viên Trung tâm thông tin khách du lịch thành phố Cairns, và Tom Colrain, Giám đốc điều hành Outer Edge.

Colrain cho biết vào buổi tối trước chuyến đi, Tom đã gọi điện cho ông liên tục hỏi thuyền có đến Rạn san hô Agincourt hay không, khiến ông vô cùng bối rối.

Gail cũng đưa ra lời khai tương tự về cuộc nói chuyện với Tom vào vài ngày trước chuyến đi, Tom đã hỏi cô về một con thuyền tên “Quicksilver V” có đến Rạn san hô Agincourt không. Khi cô xác nhận, Tom tiếp tục hỏi đi hỏi lại để chắc chắn.

Thuyền trưởng Geoffrey Nairn ra tòa trong vụ mất tích của cặp du khách. Ảnh: Cairnspost

Thuyền trưởng Geoffrey Nairn ra tòa trong vụ mất tích của cặp du khách. Ảnh: Cairnspost

Ngày 10/10/1998, nhân viên điều tra những vụ chết bất thường xác định Tom và Eileen đã chết trên biển do đuối nước, hoặc bị cá mập tấn công, vào khoảng thời gian từ 8h ngày 26/1/1998 đến ngày 2/2/1998.

Cuộc điều tra về vụ mất tích của cặp đôi kết luận rằng đã có một loạt sai lầm trong vận hành, quan trọng nhất là việc không kiểm tra số người sau lần lặn cuối cùng, làm chậm trễ rất nhiều thời gian tìm kiếm.

Thuyền trưởng Geoffrey Nairn bị buộc tội ngộ sát, nhưng được tuyên trắng án vào năm 1999.

Tòa án phán quyết vụ mất tích của cặp đôi là do sự cẩu thả chứ không phải hành vi phạm tội. Từ đó, một cuộc sửa đổi các quy trình an toàn trong ngành lặn được tiến hành, bao gồm quy định mới về việc kiểm đếm số người bắt buộc và thường xuyên, cùng các hệ thống theo dõi nâng cao.

Tháng 9/2008, Richard Triggs, người có mặt trên thuyền trong chuyến đi tới Rạn san hô St Crispin, nói rất lo ngại về các quy trình an toàn của công ty. “Tôi đã chỉ trích rất gay gắt các quy trình an toàn của Outer Edge, và cảm thấy sự an toàn của vợ tôi và chính tôi đã bị đe dọa vào ngày hôm đó”, ông bày tỏ.

Sau khi thuyền trưởng được xóa bỏ mọi cáo buộc, Outer Edge bị phạt vì tội cẩu thả và phải dừng hoạt động.

Diễn tiến vụ mất tích

Ngày 25/1/1998: Tom và Eileen cùng 24 người khác tham gia chuyến lặn biển đến Rạn san hô St Crispin.

15h, họ bắt đầu chuyến lặn cuối cùng trong ngày, nói sẽ cùng “rời đi và làm việc riêng”. Họ được nhìn thấy lần cuối khi đang khám phá rạn san hô ở độ sâu 12 m.

Ngày 26/1/1998: Một nhóm du khách khác của Outer Edge đến khu vực này. Một thợ lặn tìm thấy đai lưng ở dưới đáy rạn san hô.

Ngày 27/1/1998: Thuyền trưởng Geoffrey Nairn phát hiện đồ đạc của cặp đôi trên thuyền. Cuộc tìm kiếm cứu nạn được triển khai.

Tháng 2/1998: Bộ đồ lặn của Eileen trôi dạt vào bờ, hai áo vest lặn được tìm thấy trên một bãi biển gần Cooktown, cách Cảng Douglas khoảng 160 km về phía bắc.

Tháng 6/1998: Thêm nhiều đồ lặn của cặp đôi được tìm thấy trên bãi biển Cảng Douglas cách nơi họ mất tích khoảng 120 km. Tấm bảng viết dưới nước cũng được tìm thấy vào thời gian này.

Tháng 9/1998: Nhà chức trách mở cuộc điều tra về vụ mất tích. Ngày 11/9, cuốn nhật ký của Eileen được phát hiện, trong đó, cô viết rằng chồng có “mong muốn được chết”, hai tuần trước chuyến đi.

Ngày 10/10/1998: Nhân viên điều tra kết luận rằng Tom và Eileen chết trên biển do đuối nước hoặc bị cá mập tấn công. Thuyền trưởng Geoffrey Nairn bị buộc tội cẩu thả gây chết người.

Ngày 24/11/1999: Geoffrey Narin được tuyên trắng án.

Tuệ Anh (Theo Sun)

Nguồn: https://vnexpress.net/bi-an-vu-cap-du-khach-mat-tich-trong-chuyen-lan-bien-4848802.html

VnExpress Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay