Thứ năm, Tháng hai 13, 2025
HomeThế GiớiVị thế của Pháp sẽ thế nào khi đóng các căn cứ...

Vị thế của Pháp sẽ thế nào khi đóng các căn cứ quân sự ở châu Phi?

(PLO)- Từng được coi là “lính gác của châu Phi”, Pháp đang suy giảm dần sự hiện diện quân sự ở lục địa đen và điều này tác động lớn tới lợi thế chiến lược của Paris.

Vào ngày cuối cùng của năm 2024, Tổng thống CH Senegal – ông Bassirou Diomaye Faye tuyên bố rằng tất cả các căn cứ quân sự nước ngoài tại nước này sẽ đóng cửa vào năm 2025, bao gồm căn cứ quân sự của Pháp. Cùng ngày, Bờ Biển Ngà cho biết Pháp sẽ bàn giao quyền kiểm soát căn cứ quân sự Abidjan cho quân đội nước này, theo tờ The Conversation.

Những thông báo này được đưa ra sau kế hoạch rút quân của Pháp khỏi Chad, Burkina Faso, Mali và Niger trong năm 2024. Điều này khiến Pháp mất dần tầm ảnh hưởng tại châu Phi – khu vực mà Paris từng coi là “sân sau” địa chính trị của nước này.

căn cứ quân sự ở châu Phi
Sự hiện diện quân sự của Pháp ngày càng giảm ở châu Phi. Ảnh: AFP

Pháp mất dần lợi thế chiến lược ở châu Phi

Sự hiện diện quân sự của Pháp tại châu Phi đã phát triển theo tầm quan trọng chiến lược trong 65 năm qua.

Pháp từ lâu đã được coi là “lính gác của châu Phi”. Từ năm 1964 đến năm 2014, Pháp đã tiến hành không dưới 52 hoạt động quân sự trên khắp lục địa. Vào đầu thế kỷ 21, nước này đóng vai trò là quốc gia dẫn đầu trong các cuộc can thiệp quân sự của châu Âu vào châu Phi. Các cường quốc phương Tây khác công nhận chuyên môn của Pháp trong việc quản lý các cuộc khủng hoảng ở châu Phi.

Theo thời gian, tầm quan trọng của sự hiện diện này đã giảm dần. Đến cuối thế kỷ 20, một số căn cứ quân sự của Pháp đã bị đóng cửa và số lượng quân đóng ở châu lục này cũng giảm từ 20.000 vào năm 1970 xuống còn 6.000 vào năm 2022.

Các căn cứ quân sự ở châu Phi là một tài sản chiến lược của Pháp, ban đầu là giúp bảo vệ các chế độ mới độc lập và mong manh ở châu Phi. Các căn cứ này cũng đóng vai trò quan trọng đối với Pháp trong việc tiến hành các chiến dịch nước ngoài, đặc biệt làm nhiệm vụ trung tâm hậu cần cho phép quân đội Pháp can thiệp và sơ tán công dân Pháp trong các cuộc khủng hoảng.

Ví dụ, Chiến dịch Sagittarius đã dựa vào nguồn lực của căn cứ Pháp tại Djibouti nhằm sơ tán công dân châu Âu khỏi Sudan khi xung đột nổ ra vào tháng 4-2023.

Nếu không có những điểm hậu cần này, việc triển khai sức mạnh quân sự của Pháp trở nên khó khăn hơn nhiều và trong một số trường hợp là không thể. Việc đóng cửa các căn cứ quân sự này ngụ ý sự kết thúc của các cuộc can thiệp quân sự lớn của Pháp, chẳng hạn như Chiến dịch Licorne (2002-2015) hoặc Barkhane (2014-2022).

Đa phần những lợi ích kinh tế của Paris tập trung ở các quốc gia không có căn cứ quân sự của Pháp. Hai đối tác thương mại hàng đầu của Pháp ở châu Phi cận Sahara là Nigeria và Nam Phi – các thuộc địa cũ của Anh chưa từng có căn cứ quân sự nào của Pháp

Xói mòn ảnh hưởng Pháp ở lục địa đen

Việc đóng cửa các căn cứ sẽ báo hiệu sự kết thúc khả năng can thiệp của Pháp, bất kể có chính đáng hay không, vào một số cuộc xung đột trên khắp châu Phi.

Pháp.jpg
Một người lính của lực lượng đặc nhiệm Pháp ở Niger. Ảnh: Bertrand Guay/AFP

Điều này sẽ làm suy yếu ảnh hưởng của Pháp trong khu vực, đặc biệt là khi các cuộc xung đột leo thang trên khắp lục địa, với ngày càng nhiều quốc gia châu Phi tìm kiếm các nhà cung cấp an ninh. Việc giải quyết và ổn định các cuộc xung đột này đòi hỏi sự kết hợp giữa ngoại giao và can thiệp quân sự.

Tuy nhiên, điều quan trọng là phải phân biệt giữa các quốc gia đã chọn cắt đứt các thỏa thuận hợp tác quân sự với Paris (như Chad và Senegal) và các quốc gia chỉ đơn giản đóng cửa các căn cứ quân sự ở châu Phi nhưng vẫn duy trì hợp tác quân sự (như Bờ Biển Ngà).

Việc các nhà lãnh đạo châu Phi tuyên bố đóng cửa các căn cứ, thay vì Paris, tượng trưng cho sự từ chối chính sách của Pháp. Điều này đánh dấu sự mất mát đáng kể ảnh hưởng của Pháp tại các quốc gia liên quan.

Trong những năm gần đây, nội bộ nước Pháp đặt nghi vấn về chi phí-lợi ích của các căn cứ ở châu Phi. Chúng đã trở thành một vấn đề chính trị và chiến lược. Một mặt, các căn cứ này tượng trưng cho hiệp ước an ninh giữa Paris và các nhà lãnh đạo của một số quốc gia ở châu Phi sau khi giành độc lập, khiến những căn cứ này bị coi là một di sản của chủ nghĩa thực dân mới.

Mặt khác, xét về mặt chiến lược, việc có sự hiện diện quân sự ở châu Phi không có nhiều tác dụng khi các mối đe dọa chính đối với Pháp đến từ những nơi khác (ví dụ như Đông Âu và Trung Đông). Do đó, giá trị chiến lược của các căn cứ quân sự ở châu Phi đã giảm sút trong những năm gần đây.

Đảo chính châu Phi: Dân Niger biểu tình 'cho đến khi binh sĩ Pháp cuối cùng về nước'
Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Nguồn: https://plo.vn/vi-the-cua-phap-se-the-nao-khi-dong-cac-can-cu-quan-su-o-chau-phi-post832892.html

PLO Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay