Năm ngoái, nhóm ngân hàng lãi chục nghìn tỷ đồng có thêm hai cái tên mới Sacombank, LPBank, nâng tổng số thành viên lên 11.
Tại hội nghị với các ngân hàng mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị các nhà băng hy sinh một phần lợi nhuận để hạ lãi suất vay, hỗ trợ nền kinh tế đạt mức tăng trưởng trên 8% năm nay.
Yêu cầu của Thủ tướng được đưa ra trong bối cảnh lợi nhuận của phần lớn ngân hàng thương mại năm ngoái đều gia tăng. Giai đoạn trước đại dịch – năm 2018, việc vượt mốc lợi nhuận 10.000 tỷ đồng có thể được coi là hiện tượng khi chỉ 2 đơn vị đạt được là Vietcombank và Techcombank. Nhưng sau 6 năm, nếu vẫn lãi ở mức 10.000 tỷ đồng, các nhà băng chưa chắc chân để lọt top 10 của ngành.
Năm 2024, “Câu lạc bộ” nhà băng lãi hàng chục nghìn tỷ đồng có 11 thành viên khi đón thêm hai cái tên mới Sacombank và LPBank, nhưng chia tay VIB.
Dù chỉ tăng trưởng khoảng 2% so với năm 2023, Vietcombank vẫn giữ vững vị trí quán quân lợi nhuận của ngành với lãi hợp nhất trước thuế 42.236 tỷ đồng, tương ứng khoảng 1,65 tỷ USD. Tuy nhiên, khoảng cách với nhóm đứng sau đã được thu hẹp trong bối cảnh lãi của BIDV, VietinBank tăng trưởng mạnh năm ngoái.
Trong đó, nhờ biên độ tăng đến hơn 27%, VietinBank đã leo lên soán ngôi á quân lợi nhuận mà BIDV nắm giữ năm trước đó với lãi hợp nhất trước thuế khoảng 31.758 tỷ đồng. Vietinbank cho biết đạt kết quả tích cực nhờ thu nhập lãi thuần tăng 17,8%, lãi thuần từ các hoạt động khác cũng tăng hơn 45%.
Tăng trưởng tín dụng Vietinbank đạt 16,8% – cao hơn mức bình quân của ngành. Cùng với đó, giới phân tích đánh giá lợi nhuận của ngân hàng này tăng mạnh nhờ chi phí dự phòng thấp hơn dự kiến, thu nhập từ thu hồi nợ xấu đã xử lý tăng mạnh.
Hai tên tuổi còn lại trong nhóm “Big4” ngành ngân hàng – BDIV, Agribank lãi hợp nhất trước thuế năm ngoái hơn 31.380 tỷ và 27.800 tỷ đồng. Kết quả này lần lượt tăng 13,5% và 7,5% so với năm 2023.
Trong khối ngân hàng tư nhân, Ngân hàng Quân đội (MB) tiếp tục đứng đầu về lợi nhuận với khoản lãi hợp nhất trước thuế 28.830 tỷ đồng, tăng khoảng 9,5% so với năm trước đó. Năm ngoái, tăng trưởng tín dụng của MB thuộc nhóm hàng đầu thị trường với 24,7%, cao hơn khoảng 9,6% so với mức tăng trưởng bình quân của cả ngành. Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo MB có thể tiếp tục duy trì mức tăng trưởng tín dụng trên 20% năm 2025 nhờ việc nhận bàn giao bắt buộc OceanBank. Đồng thời, họ cũng dự phóng lợi nhuận cả năm nay của Ngân hàng Quân đội có thể vượt 35.800 tỷ đồng.
Với mức tăng hơn 20%, Techcombank bám đuổi sát MB về lợi nhuận với lãi hợp nhất trước thuế khoảng 27.538 tỷ đồng nhờ tăng trưởng thu nhập lãi và quản trị chi phí hiệu quả. ACB cũng duy trì vị trí trong top đầu các nhà băng tư nhân với lợi nhuận trên 21.000 tỷ đồng, tăng gần 4,7%.
Trong năm ngoái, VPBank cũng phục hồi mạnh mẽ để trở lại mốc lợi nhuận trên 20.000 tỷ đồng. Trong năm ngoái, lãi hợp nhất trước thuế của nhà băng này tăng khoảng 85%, lên 20.012 tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng của VPBank cũng ở nhóm cao với khoảng 19,4%.
Theo Chứng khoán Vietcap, VPBank đạt được kết quả trên nhờ chi phí hoạt động thấp hơn dự kiến. Cùng với đó, sự phục hồi của FE Credit sau quá trình tái cấu trúc toàn diện và việc các chỉ số nợ xấu hợp nhất cải thiện so với cùng kỳ cũng tốt hơn kỳ vọng cũng đóng góp tích cực.
Sacombank và LPBank lần đầu lọt vào nhóm ngân hàng lãi chục nghìn tỷ đồng năm ngoái với lợi nhuận lần lượt 12.720 và 12.168 tỷ đồng.
Theo VCBS, Sacombank đang trong giai đoạn cuối của quá trình tái cơ cấu và được kỳ vọng sẽ bước sang chu kỳ hồi phục mạnh mẽ trong những năm tới. Đơn vị này cho rằng Sacombank sẽ tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC và hoàn thành xử lý toàn bộ nợ xấu thuộc Đề án tái cơ cấu trong 2 năm tới. Lợi nhuận năm nay của Sacombank có thể tiếp tục gia tăng lên mức hơn 15.000 tỷ đồng.
Với LPBank, lợi nhuận của nhà băng này tăng đến gần 73% so với năm trước đó. Ngân hàng này ghi nhận sự tăng trưởng tích cực sau khi đổi tên, nhận diện thương hiệu từ năm 2023. Vietcap cho rằng LPBank đạt được mức lợi nhuận hơn 12.000 tỷ đồng năm 2024 nhờ tăng trưởng tín dụng cao hơn dự kiến (20,4%). Đồng thời, NIM (tỷ suất lợi nhuận thuần từ lãi vay) và CIR (chi phí trên thu nhập) của ngân hàng này cũng tốt hơn dự tính trước đó của đơn vị phân tích.
Ngân hàng kinh doanh phải có lãi nhưng ngoài lợi nhuận phải mang lại lợi ích chung cho đất nước, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính. Thực tế, ngân hàng cũng là nhóm doanh nghiệp đóng góp lớn cho ngân sách.
Năm ngoái, các ngân hàng cũng nộp ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng, trong đó 10 đơn vị có mức đóng góp lớn nhất với tổng cộng trên 36.000 tỷ đồng.
Cùng với đó, họ cũng giảm lãi suất vay để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần duy trì đà tăng trưởng kinh tế. Sau cơn bão Yagi, các nhà băng có gói vay ưu đãi hàng nghìn tỷ để giúp khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất sau trận bão lịch sử.
Theo dự báo của VCBS, nhìn chung lợi nhuận của các nhà băng năm nay sẽ tiếp tục đi lên, trong đó nhóm quốc doanh có thể tăng 12%, còn các ngân hàng tư nhân năng động có thể đến 20%. Công ty dự báo tốc độ tăng trưởng tín dụng duy trì mức 14-15% trong năm 2025. Động lực tăng trưởng tín dụng đến từ mặt bằng lãi suất thấp tạo lực đẩy cho nhu cầu vay vốn, tín dụng bán lẻ tăng tốc trong khi vay mua nhà cũng có dấu hiệu phục hồi khả quan, tín dụng bán buôn ổn định nhờ hoạt động sản xuất, xuất khẩu tích cực, thúc đẩy giải ngân đầu tư công và thị trường bất động sản phục hồi.
Anh Tú
Nguồn: https://vnexpress.net/cau-lac-bo-ngan-hang-lai-chuc-nghin-ty-ngay-mot-mo-rong-4848906.html