Cúm thường biểu hiện triệu chứng nhẹ nhưng một số trường hợp không điều trị kịp thời, virus có thể tấn công hệ thần kinh dẫn đến viêm não.
Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, lan truyền nhanh chóng qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp. Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Thị Hinh, khoa Thần kinh Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết cúm mùa thường gây ra các triệu chứng nhẹ như sốt, ho, đau họng và mệt mỏi, nhưng một số người mắc cúm có thể tiến triển thành biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, suy hô hấp, nguy hiểm hơn là viêm não. Viêm não do virus cúm ít gặp nhưng khi xảy ra thường diễn biến rất nhanh, chỉ trong vòng vài giờ đến vài ngày, nguy hiểm, nguy cơ tử vong hoặc di chứng lâu dài.
Trẻ em, nhất là trẻ dưới 5 tuổi, người cao tuổi trên 65 tuổi, thai phụ, người mắc bệnh nền như bệnh tim mạch, tiểu đường, suy giảm miễn dịch, bệnh phổi mạn tính, người chưa từng tiêm vaccine phòng cúm… có khả năng bị biến chứng do cúm cao hơn.
Triệu chứng viêm não do cúm có thể khác nhau tùy theo tình trạng sức khỏe và tuổi của bệnh nhân. Sau khi xuất hiện các triệu chứng cúm như sốt, ho, đau họng trong 2-3 ngày, người bệnh có thể bị rối loạn ý thức, thay đổi tính cách hành vi. Triệu chứng li bì, hôn mê, buồn nôn, nôn, đau đầu, co giật, rối loạn lời nói, cảm giác, yếu liệt tay chân… cũng có thể xảy ra. Nếu không được chẩn đoán và can thiệp kịp thời, viêm não có thể dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn hoặc tàn tật.
Theo bác sĩ Hinh, viêm não do cúm có thể xảy ra do virus cúm xâm nhập trực tiếp vào hệ thần kinh trung ương, gây tổn thương các tế bào thần kinh hoặc do phản ứng miễn dịch quá mức của cơ thể, khiến viêm lan rộng trong não. Hiện, chưa có thuốc đặc trị viêm não do cúm, nhưng bác sĩ có thể sử dụng thuốc kháng virus trong giai đoạn đầu để giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh. Điều trị hỗ trợ bao gồm hạ sốt, chống co giật, chống phù não, cân bằng dịch – điện giải… cũng như theo dõi và ngăn ngừa các biến chứng nặng.
Người bệnh tiêm cúm tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bác sĩ Hinh khuyến cáo mọi người tiêm phòng vaccine cúm định kỳ để phòng ngừa bệnh, giảm nguy cơ biến chứng nghiêm trọng. Mọi người cũng nên giữ vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi đến nơi đông người và hạn chế tiếp xúc với người nhiễm cúm.
Cúm mùa thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Tuy nhiên, người có các biểu hiện bất thường như sốt cao liên tục, rối loạn ý thức, rối loạn tâm thần hành vi, co giật, đau đầu kèm buồn nôn, yếu liệt tay chân, khó thở, trẻ nhỏ quấy khóc dai dẳng, bỏ bú… cần đến cơ sở y tế ngay để chẩn đoán và điều trị kịp thời. Người mắc bệnh nền như tiểu đường, tim mạch, suy giảm miễn dịch nên đi khám sớm để bác sĩ tư vấn, dự phòng và điều trị tránh các biến chứng nặng có thể xảy ra.
Bộ Y tế ghi nhận số ca mắc cúm tăng trong cuối năm 2024, đầu năm 2025, tác nhân chủ yếu do virus A/H1N1, A/H3N2 và cúm B.
Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, số ca mắc cúm trong tháng 1/2025 tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái, số ca nặng phải nhập viện điều trị cũng tăng 32%. Nguyên nhân chủ yếu do thời tiết trong và sau Tết thất thường, lúc nóng lúc lạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho virus cúm lây lan. Người di chuyển chúc Tết, tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời và tụ tập càng làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm cúm.
Linh Đặng
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |
Nguồn: https://vnexpress.net/viem-nao-do-cum-4848208.html