![Chỉ một cuộc điện đàm, ông Trump đã tặng cho ông Putin món quà quý giá? - 1 Chỉ một cuộc điện đàm, ông Trump đã tặng cho ông Putin món quà quý giá? - 1](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/Chi-mot-cuoc-dien-dam-ong-Trump-da-tang-cho.jpg)
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: AFP).
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/2 tiết lộ ông đã có cuộc trò chuyện “dài và hiệu quả cao” với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Đây là cuộc điện đàm cấp cao đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Nga – Mỹ kể từ sau khi ông Trump tái đắc cử. Trong cuộc điện đàm, hai bên đã thảo luận về một loạt vấn đề quan trọng, đặc biệt là cam kết khởi động các đàm phán hòa bình về tình hình Ukraine.
Ông Trump sau đó đã viết trên mạng xã hội: “Đã đến lúc chấm dứt cuộc chiến vô lý này. Nơi đây đã chứng kiến hàng loạt chết chóc và sự phá hủy, và hoàn toàn không cần thiết. Chúa phù hộ người dân Nga và Ukraine!”.
Tổng thống Trump không ấn định ngày gặp mặt trực tiếp với nhà lãnh đạo Nga Putin nhưng sau đó nói với các phóng viên tại Nhà Trắng rằng “chúng tôi sẽ gặp nhau ở Ả- rập Xê-út”.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Tổng thống Putin ủng hộ ý tưởng của ông Trump rằng đã đến lúc hai nước cần hợp tác.
Thắng lợi lớn cho ông Putin?
Một cuộc điện thoại duy nhất có thể chưa phải là “phép màu” giúp chấm dứt ngay cuộc xung đột ở Ukraine nhưng nó sẽ mở đường cho các cuộc đàm phán, mà như Tổng thống Trump tuyên bố là “ngay lập tức”.
Tổng thống Putin được đánh giá đã giành được một chiến thắng ngoại giao chỉ bằng cách thực hiện cuộc điện đàm này.
Ba năm trước, sau khi ông Putin phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, Moscow ngay lập tức bị các nước phương Tây cô lập, tiếp đó là áp dụng hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm làm kiệt quệ nền kinh tế Nga.
Quyết định đưa quân đội Nga vào Ukraine cũng đã khiến chính bản thân ông Putin bị xa lánh. Tòa án Hình sự Quốc tế thậm chí còn ban hành lệnh bắt giữ đối với người đứng đầu Điện Kremlin.
Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết lên án Nga vì “sử dụng vũ lực bất hợp pháp chống lại Ukraine”. Nga sau đó, Nga đã phải hứng chịu hàng nghìn lệnh trừng phạt quốc tế.
Trước đây, Nga vẫn là địa điểm viếng thăm thường xuyên của các đời tổng thống Mỹ, điển hình như ông Bill Clinton là 5 lần và ông George W. Bush là 7 lần.
Cựu Tổng thống Barack Obama cũng đã 2 lần đến Nga, nhưng từ chuyến công du năm 2013 tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 thì hoạt động viếng thăm của Mỹ dừng lại sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea.
Sau khi cuộc xung đột toàn diện Nga – Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022, cựu Tổng thống Joe Biden đã không còn gọi cuộc điện thoại nào cho ông Putin nữa.
Vì vậy, cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump và ông Putin là cuộc gọi đầu tiên của một tổng thống Mỹ kể từ sau cuộc gọi cuối cùng khi ông Biden nói chuyện với ông Putin vào tháng 12/2021.
![Chỉ một cuộc điện đàm, ông Trump đã tặng cho ông Putin món quà quý giá? - 2 Chỉ một cuộc điện đàm, ông Trump đã tặng cho ông Putin món quà quý giá? - 2](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/1739430691_151_Chi-mot-cuoc-dien-dam-ong-Trump-da-tang-cho.jpg)
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trò chuyện trong cuộc gặp song phương tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 ở Osaka, Nhật Bản, ngày 28/6/2019 (Ảnh: Reuters).
Bước sang năm 2025, quan hệ Nga – Mỹ, cục diện cuộc xung đột ở Ukraine và vị thế của Moscow dường như đang đứng trước một bước ngoặt lớn khi ông Trump trở lại Nhà Trắng nhiệm kỳ 2.
Cuộc chuyển giao quyền lực ở nước Mỹ đã mang đến sự thay đổi về phong cách, ngôn ngữ và về một cách tiếp cận hoàn toàn khác đối với nước Nga.
Tổng thống Trump nói rằng ông muốn “hợp tác chặt chẽ” với người đồng cấp Nga Putin để chấm dứt xung đột ở Ukraine và bày tỏ hy vọng hai nhà lãnh đạo “sẽ tới thăm hỏi các quốc gia của nhau”. Đáp lại, ông Putin cũng đã mời ông Trump đến thăm Moscow.
Nếu chuyến thăm như vậy diễn ra, nó sẽ báo hiệu một sự thay đổi lớn trong quan hệ Mỹ – Nga. Một tổng thống Mỹ đã không đến thăm Nga trong hơn một thập kỷ qua.
Như vậy, nhìn nhận theo nhiều cách khác nhau, rõ ràng Tổng thống Putin đã có được những gì ông mong muốn: Cơ hội đàm phán trực tiếp với Mỹ về Ukraine, thậm chí là bỏ qua Kiev và châu Âu, cũng như thời cơ đưa ông Putin trở lại vị trí cao trên trường quốc tế.
Các quan chức Nga luôn tuyên bố Moscow sẵn sàng đàm phán về vấn đề Ukraine nhưng cương quyết nhấn mạnh tới đề xuất của ông Putin vào tháng 6/2024.
Phát biểu ngày 14/6/2024 tại Bộ Ngoại giao Nga, ông Putin đã nêu ra các điều khoản của mình: Ukraine phải từ bỏ tham vọng ra nhập NATO và rút quân ra khỏi toàn bộ lãnh thổ ở 4 khu vực mà Nga đang kiểm soát phần lớn, gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth ngày 12/2 đã phát đi thông điệp cho rằng việc Ukraine muốn quay lại đường biên giới trước năm 2014 là không thực tế và việc Kiev gia nhập NATO cũng không phải một phần giải pháp cho cuộc xung đột.
Như vậy, rất nhiều khả năng Ukraine sẽ không được phép gia nhập NATO và các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga sẽ bị hủy bỏ.
Một tờ báo Nga đã đưa tin hồi đầu tuần này như sau: “Moscow sẵn sàng đàm phán nhưng là đàm phán theo các điều khoản của riêng họ”.
Nguồn: https://dantri.com.vn/the-gioi/chi-mot-cuoc-dien-dam-ong-trump-da-tang-cho-ong-putin-mon-qua-quy-gia-20250213122415258.htm