Dẫn số liệu từ Hàn thử biểu du lịch thế giới (World Tourism Barometer) mới đây do Tổ chức Du lịch Liên Hợp quốc (UN Tourism) công bố, năm qua, lượng khách du lịch trên toàn cầu đạt hơn 1,4 tỷ lượt khách. Con số này tăng 11% so cùng kỳ năm 2023 và phục hồi 99% so cùng kỳ năm 2019.
Theo UN Tourism, kết quả này có được bởi nhu cầu du lịch của người dân ngày càng mạnh mẽ sau dịch Covid-19, sự tăng trưởng tích cực từ các thị trường nguồn lớn và phục hồi liên tục của các điểm đến ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Xét về mức độ tăng trưởng, năm 2024, các quốc gia thuộc châu Á-Thái Bình Dương có mức tăng trưởng tốt nhất thế giới khi tăng 33% so với cùng kỳ năm 2023. Theo đó, Đông Bắc Á tăng 54%, Đông Nam Á tăng 23%, Thái Bình Dương tăng 12%, Nam Á tăng 8%.
Trung tâm Thông tin du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nhận định, trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, du lịch Việt Nam đạt được mức tăng trưởng cao ấn tượng khi năm 2024 tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2023.
Xét về tỷ lệ phục hồi so với năm 2019, khu vực Trung Đông dẫn đầu thế giới với 132%, tiếp đến là châu Phi với 107%, châu Âu với 101%, châu Mỹ với 97%. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương dù có nhiều tiến triển trong năm qua nhưng mức độ phục hồi vẫn thấp nhất, đạt 87%. Cụ thể, Đông Bắc Á phục hồi 86%, Đông Nam Á phục hồi 88%, Thái Bình Dương phục hồi 83%, Nam Á phục hồi 92%.
Năm 2024, ghi nhận sự kết quả phục hồi nổi bật của Việt Nam trong bối cảnh khó khăn chung của khu vực. Du lịch Việt Nam phục hồi 98% so với năm 2019, cao hơn khá nhiều so với mặt bằng chung khu vực châu Á-Thái Bình Dương và tương đương với mức phục hồi của thế giới.
Trong khu vực Đông Nam Á, du lịch Việt Nam ghi nhận mức độ phục hồi tốt nhất, cao hơn các điểm du lịch nổi tiếng như: Malaysia (94%), Thái Lan (88%), Singapore (86%), Indonesia (86%), Philippines (72%)…
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, kết quả tích cực mà ngành du lịch có được trong thời gian qua là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ với việc ban hành các chỉ thị, nghị quyết tạo thuận lợi cho du lịch phục hồi. Đặc biệt, chính sách thị thực thông thoáng là động lực quan trọng để thu hút khách quốc tế. Bên cạnh đó là hiệu quả đột phá của các chương trình xúc tiến, quảng bá tới những thị trường gửi khách quan trọng, tiềm năng.
Lấy đổi mới sáng tạo về nội dung, phương thức xúc tiến quảng bá làm điểm nhấn, ngành du lịch Việt Nam đã lựa chọn thị trường trọng điểm. Theo đó, tập trung vào các quốc gia là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Pháp, Úc…
Đồng thời, triển khai phương thức xúc tiến đa dạng, từ tổ chức roadshow đến tham gia các hội chợ, lễ hội văn hóa du lịch, hội nghị xúc tiến… Quy mô của các chương trình xúc tiến du lịch ngày càng được mở rộng. Nhiều loại hình du lịch, đặc biệt là các sản phẩm mới, phù hợp với nhu cầu du khách được quảng bá ngày càng đa dạng.
Nguồn: https://nhandan.vn/viet-nam-la-diem-sang-ve-phuc-hoi-du-lich-o-chau-a-thai-binh-duong-post859842.html