Những tháng đầu năm 2025, khi cách phân hạng bằng lái mới theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ bắt đầu có hiệu lực, các tài xế ô tô hạng B2 đã phản ánh về một số khó khăn khi làm thủ tục đổi bằng lái sang hạng bằng mới.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí tại điểm cấp đổi bằng lái ở TPHCM, nhiều tài xế bày tỏ tiếc nuối khi không đọc kỹ quy định, vô tình chuyển bằng lái B2 (cũ) sang một loại bằng mới với nhiều hạn chế.
“Thiệt đơn thiệt kép” khi đổi bằng mới?
Chiều 12/2, anh L.T., ngụ quận Bình Thạnh, đến điểm cấp đổi giấy phép lái xe của TPHCM (252 Lý Chính Thắng) để nhận bằng lái mới theo giấy hẹn.
Bằng lái cũ của anh vẫn còn hạn 2 tháng, nhưng do chạy xe taxi tải, sợ nếu vi phạm giao thông bị “giam bằng” quá thời hạn cấp đổi thì phải thi lại bằng lái, nên anh quyết định đăng ký cấp đổi sớm.
![Nhiều tài xế chịu thiệt khi đổi bằng lái B2 sang hạng mới - 1 Nhiều tài xế chịu thiệt khi đổi bằng lái B2 sang hạng mới - 1](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/Nhieu-tai-xe-chiu-thiet-khi-doi-bang-lai-B2.jpg)
Điểm cấp đổi bằng lái tại TPHCM (Ảnh: Ngọc Tân).
Bước ra khỏi cửa, trên tay anh T. là bằng lái mới với chất liệu, màu sắc tương tự như bằng cũ, chỉ khác là tên hạng bằng đã được đổi từ B2 sang B theo luật mới. Anh chau mày đọc dòng chữ nhỏ ở mặt sau của bằng lái rồi phàn nàn: “Thế này có khác gì hạ cấp bằng lái đâu?”.
Với bằng lái hạng B2 trước đây, một tài xế như anh T. sẽ được lái ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi hoặc ô tô tải có trọng tải dưới 3,5 tấn. Còn với bằng lái hạng B theo luật mới, anh T. vẫn được lái ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi (gồm cả chỗ của tài xế), nhưng chỉ được lái xe tải mà “khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 3,5 tấn”.
“Khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 3,5 tấn” được hiểu là tổng khối lượng của cả xe, con người và hàng hóa trên xe. Trong khi đó, “trọng tải” được hiểu là khối lượng hàng hóa tối đa mà xe được chở (không tính khối lượng xe và người lái).
![Nhiều tài xế chịu thiệt khi đổi bằng lái B2 sang hạng mới - 2 Nhiều tài xế chịu thiệt khi đổi bằng lái B2 sang hạng mới - 2](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/Nhieu-tai-xe-chiu-thiet-khi-doi-bang-lai-B2.jpeg)
![Nhiều tài xế chịu thiệt khi đổi bằng lái B2 sang hạng mới - 3 Nhiều tài xế chịu thiệt khi đổi bằng lái B2 sang hạng mới - 3](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/1739454227_963_Nhieu-tai-xe-chiu-thiet-khi-doi-bang-lai-B2.jpeg)
Như vậy, từ chỗ được chở dưới 3,5 tấn hàng hóa trên chiếc xe tải của mình, anh T. chỉ được chở một lượng hàng hóa ít hơn, sao cho tổng trọng lượng hàng, xe và người là 3,5 tấn.
Việc đổi bằng lái từ B2 sang B khiến những tài xế chở hàng như anh T. đứng trước nguy cơ phải giảm khối lượng hàng hóa chuyên chở, thậm chí phải bán xe để mua những dòng xe tải nhỏ hơn.
Trên mạng xã hội, nhiều tài xế cũng phản ánh việc bằng lái B2 của mình khi thực hiện cấp đổi thì được “mặc định” chuyển về bằng lái hạng B mới với những thông số chuyên chở “thua thiệt” hơn so với bằng lái cũ.
Thực hư chuyện bằng lái B2 chỉ được đổi sang B
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam), cho rằng các tài xế chịu thiệt thòi do chưa tìm hiểu kỹ quy định mới.
Theo ông, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 đã quy định rõ giấy phép lái xe hạng B1, B2 cũ sẽ được cấp đổi sang giấy phép lái xe hạng B hoặc hạng C1 (theo phân hạng bằng lái mới).
![Nhiều tài xế chịu thiệt khi đổi bằng lái B2 sang hạng mới - 4 Nhiều tài xế chịu thiệt khi đổi bằng lái B2 sang hạng mới - 4](https://baolacai.net/wp-content/uploads/2025/02/1739454228_418_Nhieu-tai-xe-chiu-thiet-khi-doi-bang-lai-B2.jpg)
Người dân làm thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe hạng B2 (Ảnh: Ngọc Tân).
Trường hợp tài xế lựa chọn cấp đổi sang hạng B, đúng như phân tích ở trên, hạng B có một vài thông số “thua thiệt” hơn so với hạng B2 cũ.
Tuy nhiên, hạng C1 lại cho tài xế nhiều quyền lợi hơn, với việc được lái tất cả xe thuộc hạng B, đồng thời được lái xe tải có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 3,5 tấn đến 7,5 tấn.
Ông Thống khẳng định trong quá trình làm thủ tục cấp đổi bằng lái, tài xế hạng B1, B2 cũ được quyền đổi thẳng sang hạng C1 mới nếu không muốn đổi sang hạng B. Một điểm cần lưu ý là các bằng lái hạng B1 số tự động sau khi cấp đổi vẫn chỉ được lái các loại xe số tự động, không được lái xe số sàn.
Với giải thích của vị lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải phương tiện, có thể hình dung một xu hướng hầu hết tài xế bằng B2 sẽ lựa chọn đổi sang bằng C1 để tối đa quyền hạn cho mình.
Tuy nhiên, thực tế thì ngược lại. Qua khảo sát ngẫu nhiên 10 trường hợp được cấp đổi bằng lái tại số 252 Lý Chính Thắng (TPHCM), cả 10 trường hợp đều phải đổi từ bằng B2 sang B.
Khi được hỏi, có người không nắm rõ quy định, không hề biết bằng lái của mình có thể đổi sang C1. Điều này có thể đến từ cách truyền thông gây hiểu lầm rằng bằng lái B1 và B2 được “gộp lại” thành bằng hạng B.
Một số người lại “nghe nói” rằng Sở GTVT chỉ cho đổi bằng lái B2 sang hạng B, việc đổi sang hạng C1 còn gặp hạn chế… “Khi tôi đi khám sức khỏe để đổi bằng lái, cô y tá nói ‘của anh bằng B2 hả, vậy thì chỉ đổi được sang bằng B thôi’. Thế là tôi phải chấp nhận bằng B”, anh L.T., nhân vật ở đầu bài viết, chia sẻ.
Ông Lương Duyên Thống khẳng định các sở GTVT phải làm đúng quy định đã nêu rõ trong luật. Đến nay, ông chưa nhận được phản hồi từ các Sở GTVT về khó khăn trong cấp bằng lái C1 cho người dân.
Từ ngày 1/1/2025, Việt Nam chính thức áp dụng cách phân hạng giấy phép lái xe mới theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024.
Theo Cục CSGT, các hạng bằng lái mới được thiết kế để tương thích với 84 nước tham gia Công ước Viên năm 1968.
Luật này quy định những ai đang sử dụng bằng lái theo phân hạng cũ thì tiếp tục được dùng đến khi hết hạn. Tới khi cấp đổi hoặc cấp mới bằng lái sẽ áp dụng theo phân hạng mới.
Nguồn: https://dantri.com.vn/xa-hoi/nhieu-tai-xe-chiu-thiet-khi-doi-bang-lai-b2-sang-hang-moi-20250212175134282.htm