Ninh Bình – nơi diễn ra Ngày thơ Việt Nam – không có hoạt động tương tác bạn đọc, còn Đường thơ ở TP HCM đón nhiều khán giả.
Ngày thơ Việt Nam lần đầu được tổ chức ở Hoa Lư, Ninh Bình sau nhiều năm diễn ra tại Hà Nội. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều lý giải: “Chúng tôi muốn đổi mới. Tỉnh có phong cảnh thiên nhiên đẹp, giàu truyền thống văn hóa lịch sử, lại mới lập thành phố Hoa Lư”.
Tuy nhiên, sự kiện tại đây không đặc sắc giống các năm trước như thiếu lều thơ, khu giao lưu, tặng quà bạn đọc. Tọa đàm Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ sáng 12/2 là hoạt động đầu tiên. Sự kiện chính – đêm Nguyên tiêu – bắt đầu lúc 20h tại Nhà hát Phạm Thị Trân.
Do tổ chức ở không gian khép kín, phần trang trí, dựng cảnh bị hạn chế. Ở sảnh vào, ban tổ chức trưng bày thông tin về những gương mặt được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật cùng các bức tranh cảnh sắc Ninh Bình. Khán giả đến đêm thơ không nhiều, ngoài những nhà thơ, nhà văn, sự kiện có một lượng nhỏ học sinh, sinh viên.
Đêm thơ chọn chủ đề Tổ quốc bay lên, lấy cảm hứng từ hai câu trong bài Dáng đứng Việt Nam của tác giả Lê Anh Xuân: ”Từ dáng đứng của anh trên đường băng Tân Sơn Nhất/ Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”. Khoảng 20h30, ông Nguyễn Trọng Nghĩa – trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương – đánh trống khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23.
Các bài thơ nổi tiếng lần lượt vang lên như Nguyên tiêu (Chủ tịch Hồ Chí Minh), Vũ Lâm thu văn (Phật hoàng Trần Nhân Tông), Đất nước (Nguyễn Đình Thi) và sáng tác của các nhà thơ Trần Đăng Khoa, Nguyễn Việt Chiến, Phùng Thị Hương Ly, Nguyễn Quang Hưng. Tác phẩm mang tinh thần tri ân thế hệ cha ông, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tôn vinh người lính thời bình.
Cựu binh, nhà thơ người Mỹ Bruce Weigl thể hiện bài Lời thơ tặng mẹ Nguyễn Thị Vẻ, phần đọc tiếng Việt do MC Phan Đăng đảm nhận. Ông cho biết thay mặt con gái nuôi là Nguyễn Thị Hạnh để viết tác phẩm, tặng người mẹ đã sinh ra cô. Tác giả khắc họa hình ảnh bà tảo tần, dũng cảm, ”vươn lên từ bùn/ vươn lên trong bão táp”.
Cựu binh Mỹ Bruce Weigl ngâm thơ tối 12/2. Ảnh: Phương Linh
Ông Nguyễn Quang Thiều nhận định Ngày thơ năm nay thành công ở cách tổ chức gọn nhẹ, chọn một chủ đề đúng trong bối cảnh hiện nay, khi tình yêu, trách nhiệm với Tổ quốc phải đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên theo nhà thơ, lần đầu tổ chức ở địa điểm khác, Hội chưa có nhiều hình dung về các hoạt động. Ngoài ra ông nhận thấy Ngày thơ chưa đi sâu vào các vấn đề của thi ca Việt Nam hiện nay.
Ở những năm sau, ông Thiều mong muốn sự kiện diễn ra nhiều hơn một ngày để có thời gian cho tác giả tiếp cận bạn đọc, thu hút cây bút ở các vùng miền tham dự. Đơn vị cũng lắng nghe ý kiến công chúng, mong muốn đổi mới trong cách tổ chức để gần gũi thực tiễn đời sống. Trong đó nhà thơ đề cao vai trò của lực lượng cây viết trẻ. Ông cho biết gần đây Hội Nhà văn Việt Nam luôn ”mở rộng cánh cửa” với bất kỳ gương mặt trẻ có mong muốn được kết nạp.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phát biểu tại đêm Nguyên tiêu. Ảnh: Yến Trinh
Trong khi đó, hàng trăm người – gồm giới thi ca lẫn mộ điệu – tham dự sự kiện ở Trụ sở Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật TP HCM (quận 3). Từ sáng sớm 12/2, nhiều khán giả tham quan 12 lều thơ của các câu lạc bộ trong thành phố, như Lục bát Sài Gòn, Dân ca ba miền, Sao khuê. Một số đơn vị tranh thủ dọn dẹp khuôn viên, bài trí lại không gian sau trận mưa lớn tối trước đó.
Khác những năm trước, chương trình chú trọng hơn vào các phần trình diễn, nhấn mạnh vẻ đẹp hài hòa của thơ và nhạc. Với chủ đề Bài ca thống nhất, đánh dấu 50 năm “non sông liền một dải”, sự kiện dành phần lớn thời lượng ôn lại giai đoạn hào hùng của dân tộc. Các gương mặt đến từ Nhà hát ca múa nhạc Bông Sen lần lượt thể hiện những sáng tác kinh điển của dòng nhạc cách mạng. Ca sĩ Minh Hiếu trình bày tiết mục Đất nước (nhạc: Phạm Minh Tuấn, thơ: Tạ Hữu Yên), tái hiện một thuở “ngăn bước quân thù phía Nam phía Bắc, vai mẹ lại gầy gánh gạo nuôi con”. Tường Vy – Minh Đoàn thể hiện Ngày mai anh lên đường, do nhạc sĩ Thanh Trúc phổ từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Lê Giang.
Khán giả tham quan đường thơ ở Trụ sở liên hiệp các hội văn học nghệ thuật TP HCM. Ảnh: Tuyết Nguyễn
Không gian trưng bày ít đổi mới, phát huy các đặc trưng của sự kiện những năm gần đây. Đường thơ là khu vực dài hơn 10 m, tôn vinh 12 gương mặt tiêu biểu của thành phố giai đoạn 1975-2025, như Bảo Định Giang, Chế Lan Viên, Hoài Vũ, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Duy, Lê Giang. Kế bên, họa sĩ Lê Sa Long vẽ chân dung với phong cách ký họa, tri ân các tác giả đến sự kiện.
Bà Trịnh Bích Ngân – Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM, trưởng ban tổ chức – cho biết sự kiện là cột mốc để thi đàn nhìn lại dòng chảy thơ ca của thành phố hàng trăm năm qua. Theo bà, thơ đã đồng hành chiều dài mở mang bờ cõi của cha ông. “Đất đai khẩn hoang đến đâu thì thi ca xuất hiện ở đó. Mỗi nhà thơ đều tuân theo mệnh lệnh từ trái tim, là sẻ chia vui buồn cùng mỗi thăng trầm của thời cuộc, của đời sống xã hội và của dân tộc”, bà nói. Đại diện Hội kỳ vọng qua mỗi mùa tổ chức, thơ ca tiếp tục được nâng cao giá trị, trả lại vị thế xứng đáng cho người sáng tạo văn chương.
Đường thơ thu hút khán giả chụp hình lưu niệm. Ảnh: Mai Nhật
Ngày Thơ Việt Nam tổ chức lần đầu năm 2003, trở thành sự kiện thường niên diễn ra vào Rằm tháng Giêng tại Hà Nội, TP HCM và một số tỉnh thành. Các năm qua, chương trình thu hút đông đảo tác giả và hàng nghìn khán giả trong, ngoài nước. Năm 2023, sự kiện trở lại sau hai năm phải hoãn vì dịch.
Mai Nhật – Phương Linh
Nguồn: https://vnexpress.net/ngay-tho-2025-ninh-binh-thieu-hoat-dong-tp-hcm-nhon-nhip-4848891.html