Chủ Nhật, Tháng Một 26, 2025
HomeThời SựVỉa hè vừa xong lại đào lên đặt ống nước, mặt đường...

Vỉa hè vừa xong lại đào lên đặt ống nước, mặt đường ‘như bức tranh vẽ bởi nhiều họa sĩ’

Vỉa hè vừa xong lại đào lên đặt ống nước, mặt đường 'như bức tranh vẽ bởi nhiều họa sĩ' - Ảnh 1.

Dự án lót gạch men vỉa hè nội ô huyện An Minh chưa thực hiện xong thì đơn vị khác đã tháo vỉa hè một đoạn để thay ống nước mới – Ảnh: BỬU ĐẤU

 Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, vỉa hè đường tỉnh 967, đoạn nội ô trung tâm huyện An Minh, Kiên Giang mới được lót gạch men kéo dài hơn 1,8km. Tuy nhiên vài ngày nay, Công ty Điện nước tỉnh Kiên Giang tháo gạch men vỉa hè hơn 100m để đào đường lắp đặt ống nước khiến người dân bức xúc.

Dự án lót gạch vỉa hè trong nội ô trung tâm huyện An Minh có chiều dài 1,8km, với tổng kinh phí trên 3,3 tỉ đồng. Hiện nay dự án đang thực hiện đạt trên 90% khối lượng công trình. Dự kiến cuối năm 2024 sẽ nghiệm thu công trình này.

Nhiều bạn đọc đã có ý kiến phản hồi xung quanh câu chuyện này.

“Bức tranh được vẽ bởi nhiều họa sĩ”

Bạn đọc Pi nêu thực trạng ở TP.HCM cũng có tình trạng như vậy, không chỉ ở tỉnh. Cứ thấy làm xong đường là sau đó lại đào lên làm hạng mục khác, nên quanh năm đường cứ chắp vá, không trả lại đúng hiện trạng ban đầu.

Còn theo bạn đọc Bùi Xuân Lâm: “Những lãng phí kiểu này khắp các tỉnh, chứ không riêng gì Kiên Giang”.

Bạn đọc tên Lý chỉ ra đây là tình trạng bất cập khi chưa có kế hoạch rõ ràng và việc kết nối giữa các ban ngành và cơ quan chức năng chưa đồng bộ. Ví dụ, đường cứ xây mới, còn cáp quang hoặc điện ngầm… khi nào cần làm thì đào lên, sau đó lắp lại, lởm chởm, làm hư mất luôn con đường mới làm. 

“Kính đề nghị cơ quan chức năng xem xét việc này khi xây dựng hạ tầng kỹ thuật mới, cần kết hợp tất cả hạng mục cần và lên kế hoạch triển khai thích hợp”, bạn đọc này kiến nghị.

Nói một cách ví von, bạn Nhất Đăng viết: “Cảm giác như một bức tranh được vẽ bởi nhiều họa sĩ. Nên bút ông nào thì ông ấy vẽ theo cách mà ông ấy thích”.

Bạn đọc tài khoản Kenny thêm vào: “Đâu phải chỉ mỗi nơi này. Lúc làm đường vỉa hè thì chẳng thấy ai triển khai. Khi vừa làm xong thì hết ông điện tới ông nước thay nhau đào lên. Cơ quan chức năng cần xem lại quy trình hoặc thiết kế ban đầu công trình phải có sự đồng bộ, tránh gây lãng phí”.

Vỉa hè vừa xong lại đào lên đặt ống nước, mặt đường 'như bức tranh vẽ bởi nhiều họa sĩ' - Ảnh 3.

Tình trạng phối hợp không đồng bộ diễn ra ở nhiều nơi – Ảnh: BỬU ĐẤU

Làm không kỹ dễ lún sụp, bong tróc

Bạn đọc tài khoản nguy***@gmail.com đặt ra câu hỏi và tự trả lời: “Nói là tái lập, hoàn trả mặt đường như cũ nhưng khi làm công nhân có làm kỹ không? Thường là công nhân làm cho nhanh, kịp tiến độ, không đầm mặt đường cho chặt, một thời gian sẽ bị lún sụp, bong tróc theo đường đặt ống đã thi công”.

Còn bạn đọc địa chỉ tài khoản smat***@gmail.com cho rằng: “Vỉa hè còn đỡ vì sau khi đào lên lát lại gạch nó vẫn đẹp như ban đầu, chứ đặt ngầm đường ống dưới mặt đường sau khi làm xong vá lại đường nhưng nó nham nhở, sần sùi, xấu xí, mất mỹ quan đô thị”.

Bạn Mi nêu: “Đào đường lắp ống nước, đào vỉa hè… là căn bệnh mãn tính. Bao nhiêu con đường lồi lõm cũng do đào, lắp ống nước kiểu này”.

Cũng theo bạn đọc Mi: Giải pháp đơn giản khi làm đường là cứ đặt sẵn ống nhựa dẻo ngang đường hay ngầm sẵn như ống điện lực. Sau này cứ đi đường ống vào đó, khỏi đào đường rồi chắp vá như cái áo rách nham nhở cả đoạn đường. Tiếc rằng ngay cả TP.HCM cũng bị tình trạng này, chứ không phải cá biệt ở Kiên Giang”.

Bạn Thanh Bình đề nghị: “Tôi nghĩ phải có biện pháp chế tài thật mạnh, chứ không thể nào đường với vỉa hè mới làm xong lại bị điện, nước đào bới lên để đặt ống được, quá lãng phí”.

Còn bạn đọc tài khoản Anh 6 cho biết qua quan sát ở nhiều nơi, “tôi thấy công ty đào vỉa hè lên khó hoàn trả đúng hiện trạng ban đầu. Nhiều nơi khác cũng vậy, đường vừa cán nhựa xong ít hôm lại bị xẻ ra, đào lên, rồi cán nhựa lại. Nhưng vết cắt và chỗ làm lại không bao giờ có thể liền và đạt chất lượng như ban đầu”.

Chốt lại vấn đề, bạn đọc Tuấn Dụng viết: “Đây cũng là một loại lãng phí. Cần chấn chỉnh và xử lý trách nhiệm. Chưa nói về ảnh hưởng thẩm mỹ quan, sự bất tiện của người dân ở đó”.

Chuyện này đã và đang xảy ra suốt bao nhiêu năm qua. Ông lề đường làm xong thì đến ông cấp nước đào và lấp. Sau đó lần lượt đến ông thoát nước, ông viễn thông rồi đến ông điện lực.

Sự việc đào và lấp cứ lặp đi lặp lại trên cùng một con đường. Nhìn thấy thì thật sự không hiểu nổi cách thức quản lý đô thị.

Bạn đọc tài khoản Minh

Nguồn: https://tuoitre.vn/via-he-vua-xong-lai-dao-len-dat-ong-nuoc-mat-duong-nhu-buc-tranh-ve-boi-nhieu-hoa-si-20241108174115251.htm

TuoiTre Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay