Thứ bảy, Tháng hai 22, 2025
HomeKinh DoanhVì sao kinh tế Đức ngày càng sa sút?

Vì sao kinh tế Đức ngày càng sa sút?

Đầu tàu kinh tế châu Âu chật vật suốt 5 năm qua, một phần do cú sốc năng lượng từ Nga và Trung Quốc từ khách hàng thành đối thủ.

Ngày 15/1, Văn phòng Thống kê Liên bang Đức cho biết quy mô GDP nước này giảm 0,2% năm ngoái. Năm 2023, tăng trưởng nền kinh tế lớn nhất châu Âu cũng sụt 0,3%.

Đây là lần đầu tiên kể từ đầu những năm 2000, Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu – ghi nhận 2 năm liên tiếp tăng trưởng âm. Số liệu được đưa ra vài tuần trước cuộc bầu cử quan trọng tại nước này. Liên minh cầm quyền tại Đức đã sụp đổ cuối năm ngoái, do bất đồng về cách kích thích kinh tế. Cuối tuần này, cuộc bầu cử quốc hội sẽ diễn ra. Carsten Brzeski, Giám đốc vĩ mô toàn cầu tại ngân hàng ING, cho biết thị trường kỳ vọng chính phủ mới sẽ đưa ra kế hoạch dài hạn hơn cho đầu tư và cải tổ kinh tế.

5 năm qua, kinh tế Đức không ghi nhận tăng trưởng đáng kể. Đây là bước ngoặt với nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu và thống trị thị trường máy móc, xe sang toàn cầu hàng chục năm qua.

Theo giới phân tích, 5 lý do khiến kinh tế Đức ngày càng sa sút.

Cú sốc năng lượng từ Nga

Công nhân làm việc tại một nhà máy sản xuất ôtô ở Munich, Đức ngày 5/12/2023. Ảnh: Reuters

Công nhân làm việc tại một nhà máy sản xuất ôtô ở Munich, Đức ngày 5/12/2023. Ảnh: Reuters

Việc Nga cắt nguồn cung khí đốt tự nhiên cho Đức sau khi chiến sự tại Ukraine nổ ra là đòn giáng nặng nề với quốc gia này. Suốt nhiều năm, doanh nghiệp nền kinh tế lớn nhất châu Âu phụ thuộc vào năng lượng giá rẻ để sản xuất hàng công nghiệp phục vụ xuất khẩu.

Năm 2011, Thủ tướng Đức khi đó là Angela Merkel đã chấm dứt sử dụng năng lượng hạt nhân tại đây. Nước này sau đó phụ thuộc vào khí đốt của Nga để lấp đầy khoảng trống khi từ bỏ điện than để hướng tới các nguồn năng lượng bền vững.

Vì thế, khi nguồn cung từ Nga không còn, giá khí đốt và điện tăng vọt. Đây là năng lượng đầu vào thiết yếu cho các ngành công nghiệp như thép, phân bón, hóa chất và thủy tinh. Đức phải tìm đến khí hóa lỏng (LNG) từ Qatar và Mỹ – vốn đắt đỏ hơn so với khí đốt nhập khẩu bằng đường ống từ Nga.

Giá điện dùng trong công nghiệp hiện trung bình 0,2 euro một kWh, theo nghiên cứu của Prognos. Tại Mỹ và Trung Quốc – nơi có nhiều đối thủ của doanh nghiệp Đức, con số này chỉ là 0,08 euro.

Hiện tại, các nguồn năng lượng tái tạo chưa có quy mô đủ lớn để lấp đầy khoảng trống mà khí đốt Nga để lại. Các hộ gia đình và địa phương không mặn mà với điện gió. Kế hoạch đưa năng lượng hydro vào các nhà máy thép vẫn nằm trên giấy.

Trung Quốc – từ khách hàng thành đối thủ

Quảng cáo xe Volkswagen tại Trung Quốc. Ảnh: Costfoto

Quảng cáo xe Volkswagen tại Trung Quốc. Ảnh: Costfoto

Suốt nhiều năm, Đức hưởng lợi từ việc Trung Quốc tham gia vào nền kinh tế toàn cầu. Doanh nghiệp của nền kinh tế lớn nhất châu Âu tìm được thị trường khổng lồ tại đây cho máy móc công nghiệp, hóa chất và xe hơi. Cho đến giữa những năm 2010, Mercedes-Benz, Volkswagen và BMW vẫn thu lợi nhuận lớn từ thị trường xe hơi lớn nhất thế giới.

Thời điểm đó, các công ty Trung Quốc sản xuất nhiều mặt hàng như nội thất và điện tử tiêu dùng, không cạnh tranh với thế mạnh cốt lõi của Đức. Sau đó, doanh nghiệp nước này bắt đầu làm những thứ tương tự người Đức.

Bắc Kinh đưa ra chính sách hỗ trợ pin mặt trời, khiến các công ty Đức lao đao. Năm 2010, các doanh nghiệp pin mặt trời của Trung Quốc còn phụ thuộc vào thiết bị nhập khẩu của Đức. Nhưng hiện tại, các công ty pin mặt trời toàn cầu lại phụ thuộc vào thiết bị từ Trung Quốc.

Bắc Kinh đang đẩy mạnh hỗ trợ sản xuất định hướng xuất khẩu. Vì thế, các loại thép, máy móc, pin mặt trời, xe điện và pin xe điện của họ cạnh tranh trực tiếp với Đức.

Từ 2020, Trung Quốc xuất khẩu ròng xe hơi, với 5 triệu chiếc một năm tính tới cuối 2024. Trong khi đó, xuất khẩu ròng của Đức giảm nửa trong thời gian trên, xuống còn 1,2 triệu chiếc. Hiện tại, năng lực sản xuất của Trung Quốc khoảng 50 triệu chiếc mỗi năm, tương đương nửa nhu cầu thế giới.

Đầu tư không tương xứng

Giới chức Đức tỏ ra hài lòng khi đất nước tăng trưởng tốt và trì hoãn đầu tư vào các dự án dài hạn như đường sắt hay internet tốc độ cao. Ngân sách chính phủ đã cân bằng, thậm chí còn có thặng dư từ thu thuế khi kinh tế bùng nổ.

Nhưng hiện tại, nhiều người phàn nàn về tàu chạy không đúng giờ hay dịch vụ bị gián đoạn khi các đường ray phải sửa chữa. Internet tốc độ cao vẫn chưa đến một số khu vực nông thôn. Đường truyền tải để đưa điện từ miền bắc lộng gió đến các nhà máy phía nam chậm tiến độ nhiều năm và khó hoạt động trước 2028. Một cây cầu quan trọng kết nối vùng công nghiệp Ruhr với miền nam bị dừng hoạt động từ năm 2021, do lo ngại về độ bền. Công trình thay thế có lẽ phải đến năm 2027 mới sẵn sàng.

Một sửa đổi Hiến pháp vào năm 2009 về hạn chế thâm hụt cũng khiến chính phủ phải kiềm chế chi tiêu. Đây sẽ là vấn đề đau đầu với chính phủ mới sau ngày bầu cử cuối tháng này.

Thiếu lao động có tay nghề

Các công ty Đức vẫn gặp khó trong tìm lao động có kỹ năng phù hợp, từ kỹ sư tin học, người trông trẻ đến nhân viên làm việc tại viện dưỡng lão. Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức với 23.000 doanh nghiệp, 43% không tuyển đủ lao động. Với các công ty quy mô trên 1.000 người, tỷ lệ thiếu nhân viên là 58%.

Ngày càng ít sinh viên quan tâm đến các lĩnh vực STEM, gồm khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Dân số già hóa cũng khiến vấn đề càng trầm trọng. Thiếu dịch vụ chăm sóc trẻ em giá cả phải chăng khiến nhiều phụ nữ phải làm việc bán thời gian hoặc không đi làm. Rào cản hành chính cũng là một trở ngại khi doanh nghiệp tuyển lao động nhập cư có kỹ năng cao.

Thủ tục hành chính phức tạp

Nhiều doanh nghiệp và nhà kinh tế học phàn nàn thủ tục hành chính là gánh nặng với nền kinh tế Đức. Ví dụ, việc xin giấy phép xây dựng cho một turbin gió có thể mất nhiều năm. Hoặc các công ty lắp pin mặt trời phải đăng ký với chính phủ và địa phương, dù thông tin có thể tự động liên thông giữa các cấp chính quyền. Nhà hàng phải ghi lại nhiệt độ tủ lạnh bằng tay và giữ bản sao hồ sơ trong một tháng ngay cả khi dữ liệu được lưu trữ kỹ thuật số.

Thậm chí, luật cũng yêu cầu các công ty xác nhận nhà cung cấp của họ tuân thủ chuẩn mực của Liên minh châu Âu (EU) về lao động và môi trường. Đây là gánh nặng lớn với doanh nghiệp Đức so với các nước khác trong khu vực.

Trên AP, các lãnh đạo doanh nghiệp và nhà kinh tế cho rằng chính phủ sắp tới nên thay đổi nhiều chính sách điều hành để thúc đẩy tăng trưởng. Dù vậy, Marcel Fratzscher – Chủ tịch Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức ngờ vực giới chức sẽ đưa ra cách tiếp cận mới.

“75 năm qua, nước Đức được xây dựng trên nền tảng tập trung vào sự thống nhất, ổn định, cân bằng trong hệ thống chính trị. Việc này khiến khả năng thay đổi nhanh rất khó. Chúng ta cần thay đổi tư duy để hiểu rằng cần phải chuyển đổi kinh tế nhanh hơn”, ông kết luận.

Hà Thu (theo AP, Reuters)

Nguồn: https://vnexpress.net/vi-sao-kinh-te-duc-ngay-cang-sa-sut-4850585.html

VnExpress Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay