Thứ bảy, Tháng hai 22, 2025
HomeKinh DoanhNắng ít, mưa nhiều nhưng vì sao xâm nhập mặn vẫn gay...

Nắng ít, mưa nhiều nhưng vì sao xâm nhập mặn vẫn gay gắt?

Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết: Trong tuần qua, xâm nhập mặn ở khu vực cửa sông nhiều nơi phổ biến lớn hơn trung bình nhiều năm, thậm chí có trạm còn lớn hơn cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, tại TP.HCM độ mặn thực đo tại trạm Nhà Bè trên kênh Đông Điền là 12,6‰ trong khi trung bình nhiều năm là 11,1‰. Còn tại khu vực ĐBSCL, độ mặn ở các cửa sông đều cao hơn so với trung bình nhiều năm phổ biến từ 3 – 5‰. Đặc biệt tại trạm Vàm Kênh trên nhánh sông Cửa Tiểu độ mặn lên tới 22‰ cao hơn cả cùng kỳ năm 2024 (21,9‰).

Nắng ít, mưa nhiều nhưng vì sao xâm nhập mặn vẫn gay gắt?- Ảnh 1.

Người dân miền Tây trữ nước ngọt phục vụ sản xuất để phòng chống xâm nhập mặn

Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 128 yêu cầu các bộ ngành, địa phương chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Theo đó, các cơ quan chức năng và địa phương phải khai thác, sử dụng hiệu quả, tối ưu nguồn tài nguyên nước để vừa bảo đảm nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp. Đồng thời vừa bảo đảm nước cho phát điện, nhất là thời kỳ xảy ra cao điểm nắng nóng.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là các địa phương ĐBSCL, nam Trung bộ và Tây nguyên cần tổ chức theo dõi diễn biến thời tiết, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, hạn hán, xâm nhập mặn. Qua đó, xác định mức độ ảnh hưởng đến từng địa bàn để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó cụ thể. Trong đó hướng dẫn người dân chủ động dự trữ nước ngọt, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; ưu tiên bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân, các cơ sở y tế, giáo dục và các nhu cầu thiết yếu khác, kiên quyết không để người dân thiếu nước sinh hoạt.

Vì sao xâm nhập mặn gay gắt?

Giải thích về tình trạng mặn xâm nhập sâu trong tuần qua, ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng Dự báo Đài Nam bộ, nói: Hiện tượng hạn mặn xảy ra tại các tỉnh Nam bộ, nhất là ĐBSCL phụ thuộc nhiều yếu tố nhưng chủ yếu do mưa ít, nắng nhiều. Khi nắng nhiều lượng bốc hơi luôn lớn, đồng thời khu vực xảy ra mưa ít hoặc không mưa làm cho cán cân ẩm mất cân bằng gây ra khô hạn (lượng nước bổ sung do mưa không bù được cho lượng nước mất đi do quá trình bốc hơi). Khi hạn xảy ra trên mặt đất/ruộng, các kênh rạch nước sẽ cạn dần, mực nước trên các sông sẽ rút xuống rất thấp. Khi đó, mực nước biển cao hơn sẽ lấn vào sâu theo sông, kênh, rạch và truyền vào nội đồng. Mực nước sông càng thấp, nước biển càng có điều kiện thuận lợi xâm lấn sâu.

Đối với vùng ĐBSCL, một yếu tố khác đó là phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về. Nếu thượng nguồn ít mưa và sự vận hành các hồ thủy điện không ổn định làm cho mực nước trên các sông Tiền, sông Hậu cũng biến động mạnh; khi mực nước cao lên sẽ đẩy nước mặn ra phía cửa sông, ngược lại khi xuống thấp xâm nhập mặn từ Biển Đông theo các nhánh sông vào sâu bên trong.

“Đầu mùa khô năm nay, có một vài trận mưa trái mùa rất to chủ yếu xuất hiện ở các tỉnh Đông Nam bộ, ở Tây Nam bộ chỉ vài nơi có mưa to. Do là mưa trái mùa trên diện hẹp nên dù lượng lớn nhưng lượng nước mưa không đủ nhiều, chưa đủ thẩm thấu vào đất nên chưa tạo thành nước mặt, cũng không đóng góp đáng kể cho cả vùng”, ông Quyết giải thích.

Ngoài ra, có những năm mặc dù nắng nhiều và nắng nóng kéo dài, nhưng nếu các đập thủy điện thượng nguồn xả nước với lượng lớn cũng giúp xâm nhập mặn bớt gay gắt.


Nguồn: https://thanhnien.vn/nang-it-mua-nhieu-nhung-vi-sao-xam-nhap-man-van-gay-gat-185250219105008129.htm

ThanhNien Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay