Chiều 14.2, tiếp tục kỳ họp bất thường thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại tổ về đề án bổ sung mục tiêu tăng trưởng trên 8% năm 2025; dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; các chính sách đặc thù phát triển đường sắt đô thị TP.HCM, Hà Nội và dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng thảo luận tại tổ chiều 14.2
Nêu ý kiến tại tổ, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị) cho biết, lần gần nhất Việt Nam đạt tăng trưởng kinh tế trên 8% là gần 30 năm trước, vào năm 1997. Sau giai đoạn đó, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam chậm lại và từ đó đến nay chưa bao giờ đạt tốc độ cao như vậy.
Năm 2022 có được tăng trưởng trên 8%, nhưng đó là do sau 2 năm Covid-19 tăng trưởng đều âm. Tới năm 2023 ngay sau đó chỉ tăng trưởng 5%. “Như vậy, có thể thấy mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 và sau đó, tăng trưởng hai con số từ năm 2026 là thách thức rất lớn”, ông Đồng nhận định.
Với thế giới, ông Đồng cho rằng, rất khó tiên liệu năm 2025 Việt Nam có bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại thế giới hay không.
“Chính phủ đã chuẩn bị các kịch bản, cũng đã tìm cách vận động để tránh thương chiến, nhưng nếu Việt Nam bị Mỹ đánh thuế cũng khó mà tránh khỏi sụt giảm tăng trưởng”, đại biểu Đồng nêu.
Để đạt mức tăng trưởng 8%, Chính phủ đề xuất trường hợp cần thiết cho phép điều chỉnh bội chi ngân sách nhà nước lên mức khoảng 4 – 4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng việc tăng thu hoặc bội chi, nợ công, cần hết sức cân nhắc. Nhìn vào nguồn tăng thu thì hiện nay, việc thu ngân sách đang đè nặng áp lực lên doanh nghiệp và cả ngành thuế và hải quan.
Ông cho biết, doanh nghiệp phản ánh vài năm gần đây, thuế và hải quan chịu áp lực thu quá lớn dẫn đến các trường hợp thu bất hợp lý. “Cái này có thể giúp thu được ngân sách trong ngắn hạn, nhưng sẽ không kích thích được doanh nghiệp đầu tư, phát triển”, ông Đồng nêu quan điểm.
“Những vấn đề trên cho thấy, lý tưởng nhất là Việt Nam không bị dính thương chiến và có thể tiết kiệm chi để tăng đầu tư công, không phải tăng thu hay vay nợ. Khi đó, mục tiêu tăng trưởng 8% mới có thể đạt được”, ông Đồng nhấn mạnh.
Từ đó, ông đề nghị Chính phủ tập trung tiết kiệm để có nguồn lực đầu tư công, không bội chi hay vay nợ khi chưa cần thiết. Tức là phải coi việc tăng thu, nâng bội chi và trần nợ công là giải pháp ứng phó khi Việt Nam bị dính vào chiến tranh thương mại, chứ không phải là giải pháp để đạt tăng trưởng 8%.
Ngoài ra, ông đề nghị hoàn thiện thể chế, pháp luật, đặc biệt quan tâm cải cách hệ thống tư pháp, không hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế để doanh nghiệp mở rộng đầu tư.

Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc phát biểu tại thảo luận tổ chiều 14.2
Còn dư địa để thúc đẩy tăng trưởng đạt trên 8%
Giải trình tại thảo luận tổ, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, việc đặt mục tiêu tăng trưởng trên 8% năm 2025 là nội dung Chính phủ đã họp và đưa ra nhiều giải pháp.
Thực tế, ông nhận định mức tăng trưởng năm 2024 đạt 7,09% là rất cao, và còn rất nhiều dư địa, tiềm năng chưa được khai thác hết.
Năm 2024, Việt Nam đối mặt nhiều khó khăn như thiên tai, tình hình bất ổn của thế giới, còn trong nước đầu tư công giải ngân chậm.
Vì thế, theo Phó thủ tướng, nếu giải quyết được những vấn đề này sẽ còn dư địa để phát huy và thúc đẩy tăng trưởng đạt trên 8%.
Đề cập những yếu tố tác động đến tăng trưởng, ông Phớc kể đến sản xuất, tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, song ông nhấn mạnh 2 vấn đề quan trọng nhất là đầu tư và xuất khẩu.
Trong yếu tố về đầu tư, Phó thủ tướng nhấn mạnh đầu tư công. Ông phân tích những năm gần đây, đầu tư công tăng liên tục. Năm 2025, đầu tư công bố trí tăng lên so với năm 2024 khoảng 108.000 tỉ đồng, cộng với vượt thu ngân sách khoảng 331.000 tỉ đồng. Sau khi trích cho phần cải cách tiền lương, còn khoảng hơn 158.000 tỉ để bổ sung vào đầu tư của năm 2025.
“Như vậy, đầu tư năm 2025 xấp xỉ gần 900.000 tỉ đồng. Đây là động lực thúc đẩy, kéo các nguồn đầu tư khác để tạo động lực tăng trưởng”, ông Phớc nói.
Đặc biệt, Phó thủ tướng đề cập đến giải pháp hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông với mục tiêu hoàn thành thêm 1.000 km đường cao tốc trong năm nay, để đến 2030 đạt 5.000 km đường cao tốc.
Về đường sắt, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam hơn 67 tỉ USD, dự kiến nối xuống tận Cà Mau; thúc đẩy tuyến đường sắt từ TP.HCM xuống Cần Thơ để kết nối với các cảng; và 3 tuyến đường sắt phía bắc kết nối với Trung Quốc… Ông Phớc kỳ vọng những yếu tố này sẽ thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng GDP.
Với hệ thống giải pháp đề ra, Phó thủ tướng tin tưởng mức tăng trưởng của Việt Nam không chỉ đạt 8% mà có thể vượt xa hơn nữa. Và để đạt mục tiêu này, ông cho biết, Chính phủ đã đề ra các giải pháp về chuyển đổi mô hình tăng trưởng của nền kinh tế theo hướng dựa vào công nghệ và chuyển đổi số.
Nguồn: https://thanhnien.vn/pho-thu-tuong-tang-truong-2025-co-the-vuot-xa-hon-8-185250214164522601.htm