Thứ bảy, Tháng hai 22, 2025
HomeGiải TríCột cờ Lũng Pô - Nơi con sông Hồng chảy vào đất...

Cột cờ Lũng Pô – Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt

(PLO)- Cột cờ Lũng Pô khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc nơi biên ải, giáo dục thế hệ trẻ truyền thống uống nước nhớ nguồn.

Lũng Pô là tên một dòng suối của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, được chia đường phân thủy hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Suối Lũng Pô chảy ra gặp sông Hồng ở cột mốc 92, là điểm đầu tiên của con sông Hồng chảy vào đất Việt.

Cột cờ Lũng Pô
Cột cờ Lũng Pô sừng sững nơi biên viễn, vừa khẳng định chủ quyền biên ải của Tổ quốc, vừa giáo dục thế hệ trẻ truyền thống uống nước nhớ nguồn. Ảnh: VỮNG NGUYỄN

Tại ngã ba sông, màu nước xanh của suối Lũng Pô cùng màu đỏ của sông Hồng hòa vào nhau mang theo phù sa màu mỡ, trĩu nặng chảy qua các tỉnh đồng bằng tạo nên nền văn minh sông Hồng rực rỡ gắn với bao thăng trầm của lịch sử và dân tộc.

Trung tá Trần Mạnh Tài, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Lũng Pô giới thiệu và ngã 3 sông – Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Video: VỮNG NGUYỄN

Ngay từ thuở thực dân Pháp xâm lược nước ta, sau khi chiếm đóng và bình định được các tỉnh đồng bằng thì chúng tiếp tục đưa quân lên đánh chiếm vùng miền núi.

Năm 1886, tàu chiến Pháp được trang bị đại bác và được các nhà buôn dẫn đường ngược sông Hồng lên đánh chiếm Lào Cai đã gặp phải sự chống cự của nhân dân các dân tộc, lực lượng dòng họ Thào phục kích và tiêu diệt địch tại Trịnh Tường tạo nên thác Tây mà hiện nay người dân vẫn còn tự hào.

Tám năm sau, tại Lũng Pô, nghĩa quân đã phục kích một đoàn quân Pháp và tiêu diệt nhiều sinh lực địch.

Co-co-Lung-Po-7.JPG
Cột mốc 92 là điểm đánh dấu con sông Hồng bắt đầu chảy vào lãnh thổ Việt Nam. Cột mốc này gồm có 3 cột: mốc 92(1) nằm ở phía Việt Nam; mốc 92(2) và mốc 92(3) nằm trên bờ sông nơi lãnh thổ Trung Quốc. Ảnh: VỮNG NGUYỄN

Địa danh Lũng Pô thuộc xã A Mú Sung còn gìn giữ những trang sử giữ nước lặng thầm miền biên viễn, khi tháng 2-1979, những người lính biên phòng A Mú Sung và đồng bào miền đất nơi thượng nguồn đã chiến đấu và ngã xuống để bảo vệ mảnh đất phên dậu phía Bắc của Tổ quốc.

Những chiến công nối tiếp chiến công như dòng chảy của dòng sông ngàn vạn năm mang khí phách kiên cường của dân tộc Việt Nam.

Trung tá Trần Mạnh Tài, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Lũng Pô giới thiệu về cấu trúc và ý nghĩa Cột cờ Lũng Pô. Video: VỮNG NGUYỄN

Để tưởng nhớ chiến công đó, Ban Thường vụ tỉnh đoàn Lào Cai đã đề xuất xây dựng công trình thanh niên “Cột cờ Lũng Pô – Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” tại cột mốc 92 với kinh phí từ nguồn xã hội hóa.

Đây là công trình thanh niên vừa khẳng định chủ quyền của Tổ quốc nơi biên ải, vừa giáo dục thế hệ trẻ truyền thống uống nước nhớ nguồn.

Co-co-Lung-Po-1.JPG
Nhà lưu niệm Cột cờ Lũng Pô – nơi lưu giữ những di vật lịch sử. Bàn thờ Bác Hồ đặt trang trọng để người dân trên mọi miền Tổ quốc có dịp đến địa đầu Lũng Pô thăm viếng. Ảnh: VỮNG NGUYỄN

Công trình cột cờ Lũng Pô đặt tại khu vực Trạm Kiểm soát Biên phòng Lũng Pô ở xã A Mú Sung, khởi công xây dựng ngày 26-3-2016 và hoàn thành ngày 16-12-2017. Cột cờ cao 31,43 m, tượng trưng cho đỉnh Phan Xi Păng cao 3.143 m so với mực nước biển của dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ; đường dẫn lên đỉnh cột cờ được thiết kế với 125 bậc hình xoắn ốc.

Trên đỉnh cột là lá cờ Tổ quốc rộng 25 m2, tượng trưng cho 25 dân tộc anh em đoàn kết viết lên bản hùng ca của Lào Cai, của cộng đồng dân tộc Việt Nam, hiên ngang tung bay giữa ngút ngàn sông núi.

Bà Nguyễn Ngọc Khanh, du khách đến từ TP.HCM chia sẻ cảm xúc khi lần đầu tiên được đặt chân tới Lũng Pô. Video: VỮNG NGUYỄN

Cột cờ Lũng Pô không chỉ thể hiện tinh thần, ý nguyện quyết tâm giữ vững bờ cõi, khẳng định chủ quyền đất nước của thế hệ trẻ và dân tộc Việt Nam, mà còn là sự tri ân những cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Mú Sung đã ngã xuống để bảo vệ biên giới thiêng liêng.

Cot-co-Lung-Po-2.jpg
Đứng dưới lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên đỉnh Cột cờ Lũng Pô, dâng trào cảm xúc tự hào về Bộ đội Biên phòng và người dân A Mú Sung đang ngày đêm giữ gìn từng tấc đất ông cha. Ảnh: VỮNG NGUYỄN

Năm 2019, tỉnh Lào Cai đã xây dựng khung chiến lược phát triển du lịch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và 2050, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ ngắn hạn và dài hạn về dịch vụ thương mại, văn hoá xã hội mang đậm bản sắc đặc trưng của vùng đất “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”.

Từ đó, tạo đà thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế cửa khẩu theo đúng nội dung định hướng đề án mở rộng khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Lào Cai.

Co-co-Lung-Po-13.JPG
Đến với mảnh đất “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”, du khách sẽ được khám phá khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, không khí trong lành, cũng là nơi sinh sống của hơn 14 dân tộc. Ảnh: VỮNG NGUYỄN

Theo đó, Lào Cai triển khai 6 nội dung chính là đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, kết nối Khu du lịch quốc gia sang phân khu Y Tý (Bát Xát); phát triển sản phẩm du lịch; phát triển nguồn nhân lực chuyên ngành phục vụ du lịch; tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch và xây dựng quy hoạch, cơ chế, chính sách phục vụ phát triển du lịch.

Năm 2025, Lào Cai đề ra mục tiêu đón 10 triệu lượt khách (trong đó 1,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 8,5 triệu lượt khách du lịch nội địa). Tổng thu từ khách du lịch đạt 44.760 tỉ đồng, đóng góp 30.500 tỉ đồng vào GRDP của tỉnh (doanh thu du lịch chiếm tỷ trọng khoảng 22 – 30% GRDP của tỉnh).

Phó Thủ tướng có chỉ đạo quan trọng về dự án đưa nước sông Hồng vào sông Tô Lịch
Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Nguồn: https://plo.vn/cot-co-lung-po-noi-con-song-hong-chay-vao-dat-viet-post835253.html

PLO Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay