Những ngày qua, hình ảnh người dùng mặc chiếc váy bó hai dây màu hồng hoặc một số mẫu trang phục gợi cảm khác được nhiều tài khoản mạng xã hội chia sẻ và không ít người dùng hưởng ứng. Đây đều là sản phẩm của tính năng mới mang tên “Tủ đồ AI” do một ứng dụng chụp hình Trung Quốc đưa ra. Người dùng chỉ cần ảnh gốc có mặt nhân vật và vài thao tác đơn giản để chọn hơn 70 mẫu trang phục khác nhau, từ váy dạ hội, đồ trẻ em tới các mẫu “tiết kiệm vải”. Toàn bộ quá trình xử lý, chỉnh sửa chỉ diễn ra vài giây, hệ thống giữ lại khung cảnh, chi tiết người trong ảnh gốc, chỉ đổi trang phục của nhân vật được chọn.
Khả năng xử lý của trí tuệ nhân tạo (AI) do ứng dụng này mang lại chân thật đến mức nhiều người đã không nhận ra đó là sản phẩm của một công cụ chỉnh sửa. Chỉ trong thời gian ngắn, phần mềm này đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng và truyền tay nhau những hình ảnh mang tính vui vẻ, chọc cười. Nhưng như thường lệ bên cạnh sự hào hứng, có không ít ý kiến lo ngại về nguy cơ lạm dụng công cụ này, đi cùng với đó là rủi ro bảo mật.

Hình ảnh chỉnh sửa, ghép trang phục bằng AI tiềm ẩn rủi ro lộ lọt dữ liệu người dùng
Những AI như Deepfake từng gây ra nhiều tranh luận với khả năng thay đổi, lồng ghép khuôn mặt và tạo cử động y như thật trong các video, nhiều trường hợp được tạo ra với mục đích xấu. Do vậy, việc một công cụ có thể thay đổi trang phục chân thực, gần như không có dấu hiệu sự can thiệp của công nghệ làm dấy lên khả năng trò đùa bị đẩy đi quá xa khi có kẻ lợi dụng để ghép ảnh, gửi đi những thông điệp tiêu cực, giả mạo.
Ông Vũ Ngọc Sơn – Trưởng ban Nghiên cứu công nghệ Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (NCA) nhận thấy các ứng dụng chỉnh sửa ảnh bằng AI đột nhiên “nóng” trở lại trên các nền tảng mạng xã hội và mới nhất là phần mềm chỉnh sửa quần áo, trang phục nêu trên. Các trào lưu này sử dụng công nghệ để tạo ra hình ảnh với mục đích gây cười, độc đáo có thể lập tức thu hút người dùng, nhưng cần lưu ý việc chương trình đòi quyền truy cập thư mục ảnh trên thiết bị.
“Đây là quyền truy cập hết sức nhạy cảm, có nguy cơ lộ lọt dữ liệu cá nhân rất cao”, ông Vũ Ngọc Sơn nhấn mạnh. Theo ông, với sự phát triển của AI như hiện nay, hình ảnh là các dữ liệu rất giá trị. AI có thể cho biết một người là ai, sở thích thế nào, thường đi những đâu, thậm chí là quen với những ai… chỉ thông qua các bức ảnh. Điều này cũng mở ra cơ hội cho ngành kinh doanh thu thập, bán lại hình ảnh cho các công ty khai thác, sử dụng dữ liệu. Hậu quả trước mắt có thể người dùng sẽ nhận nhiều quảng cáo, làm phiền. Lâu dài có thể ảnh bị lợi dụng để phục vụ các mục đích khác như lừa đảo, tống tiền.
Chiếc váy hồng 2 dây ai cũng đua nhau ‘diện’ trên mạng: Người trẻ nói gì?
Trong ngày 20.2, Bộ Công an cũng đã phát đi cảnh báo thông qua hình thức gửi tin nhắn văn bản (SMS) đến người dùng điện thoại cả nước về tình trạng lợi dụng các hình ảnh, video được công khai trên internet để chỉnh sửa, cắt, ghép tạo nội dung nhạy cảm nhằm đe dọa, tống tiền.
“Nếu không thực sự biết rõ về nguồn gốc xuất xứ của ứng dụng, bạn không nên tải về các chương trình kiểu này. Không gian mạng nguy hiểm, nhưng dữ liệu có bị lộ lọt hay không một phần do ý thức của chính bạn”, ông Vũ Ngọc Sơn khuyến cáo. Trong mọi tình huống, kể cả là các trào lưu mới, các chuyên gia an ninh mạng đều khuyến cáo người dùng thận trọng, không nên vì vài phút vui trên mạng xã hội mà đánh đổi dữ liệu cá nhân, đặc biệt là dữ liệu khuôn mặt của mình cũng như người thân.
Nguồn: https://thanhnien.vn/canh-giac-voi-cac-ung-dung-chinh-sua-anh-bang-ai-185250221085605624.htm