Chủ Nhật, Tháng hai 23, 2025
HomeThời SựNghề môi giới tìm việc cho công nhân

Nghề môi giới tìm việc cho công nhân

Bắc GiangCổng nhà máy sau Tết tấp nập khi lao động quanh vùng về tìm việc, Hào cầm xấp thẻ ra vào cùng giấy tờ in sẵn, bấm số gọi người đã hẹn trước.

Nhận ra cô gái 20 tuổi quê Cao Bằng cầm điện thoại đang vẫy vẫy tay, Lâm Hào (tên đã thay đổi) đối chiếu thông tin căn cước, dặn dò mấy điều cơ bản rồi đưa thẻ khách. “Đội mũ vào, chỉnh gương xe lại”, anh gọi theo khi cô gái phóng xe qua cổng nhà máy chuyên sản xuất thiết bị điện tử ở huyện Việt Yên.

Xong xuôi, nam thanh niên lại dúi mắt vào điện thoại gửi thông tin tuyển dụng, gửi thông báo mới lên nhóm: “Các bạn đã ký hợp đồng chiều nay, 7h30 ngày mai có mặt ở phòng đào tạo số 2 nhà máy để nhận diện khuôn mặt làm thẻ. Khi tới nhớ đi giày hoặc dép quai hậu, bút viết, xe máy, đội mũ bảo hiểm có gương”. Một quy trình gọi điện – nhận diện – đưa thẻ lặp lại trước cổng nhà máy.

Hào đối chiếu thông tin căn cước công dân của lao động đã hẹn trước để đến phỏng vấn. Ảnh: Hồng Chiêu

Hào đối chiếu thông tin căn cước công dân của lao động đã hẹn trước để đến phỏng vấn. Ảnh: Hồng Chiêu

Bắc Giang ba năm liền dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế, đạt bình quân 14% giai đoạn 2017-2024. Dòng vốn FDI năm ngoái đổ về 2,23 tỷ USD, đứng thứ 11 toàn quốc. Các nhà máy đua nhau mở rộng sản xuất khiến nhu cầu tuyển dụng tăng cao, riêng năm nay tăng gần 17% so với cùng kỳ 2024, lên mức 120.000 lao động phần lớn lĩnh vực điện tử.

Để mở rộng nguồn tuyển, doanh nghiệp đồng loạt áp dụng nhiều kênh, trong đó có thưởng nhân viên nội bộ giới thiệu người quen vào làm. Khoản này bình quân 2-3 triệu đồng, có thể tăng gấp đôi vào thời điểm cần gấp nhân công như sau Tết hoặc cuối năm.

Chính sách tạo ra các “nhà cung ứng” nghiệp dư từ hệ thống nhân sự nội bộ, hình thành mạng lưới chuyên tìm kiếm và tuyển được số lượng đáng kể lao động vào nhà máy. Họ phần lớn là nhân viên tuyển dụng chính thức của doanh nghiệp – bộ phận nắm rõ chính sách và có thẻ “thông hành” qua cổng.

Hào là nhân sự phòng tuyển dụng của doanh nghiệp điện tử đóng ở huyện Việt Yên, có gần sáu năm làm môi giới lao động. Trước khi vào công ty, thanh niên quê Bắc Giang đã làm môi giới công nhân từ năm 2019, sớm nhìn ra tiềm năng của thị trường khi các nhà máy FDI lần lượt mọc lên trên quê mình.

“Bắc Giang giờ chỗ nào cũng thấy công ty, quanh năm không lo thiếu việc”, Hào tự hào nói. Ngoài công ty chính thức, anh còn là đầu mối cung ứng nhân công cho một số nhà máy khác tùy lĩnh vực và vị trí cần người.

Xong việc văn phòng, thời gian còn lại trong ngày Hào dành chăm sóc các hội nhóm, nơi có hàng trăm thành viên tìm việc và đăng tin khi có vị trí tuyển công nhân. Lao động chỉ cần để lại bình luận lập tức có cộng tác viên liên hệ hỏi thông tin và hướng dẫn cụ thể. Người hỏi phần lớn cần công việc lâu dài, đi làm gấp nên thường chỉ nửa buổi đã chốt xong. Môi giới tính toán mỗi nhóm 400-500 người, “cứ có tin tuyển dụng là đăng, kiểu gì cũng tìm được 4-5 người cần việc”.

Có lịch phỏng vấn, Hào trực tiếp đón người và giao thẻ qua cửa nhà máy. Lao động chỉ cần cầm theo căn cước công dân, một số giấy tờ photo theo yêu cầu của doanh nghiệp. Người trúng tuyển cùng ngày được gom vào nhóm chat riêng, đặt tên bằng chữ cái viết tắt của nhà máy kèm thời gian để nhận những thông báo tiếp theo. Chỉ trưởng, phó nhóm mới có quyền gửi tin cho các thành viên.

Mỗi lao động ký hợp đồng đi làm chính thức, môi giới nhận được thưởng nóng. Tiền thưởng thường được chia theo tỷ lệ 70/30, tức đầu mối trực tiếp trong doanh nghiệp hưởng 70%, phần còn lại thuộc về đại lý cấp một như Hào cùng các cộng tác viên phía dưới.

Hoa hồng 30% dao động 0,5- 0,7 triệu đồng lúc thấp điểm và lên 2 triệu đồng mùa cao điểm. Hào nhận 100.000-150.000 đồng mỗi đơn hàng thành công, còn lại chia cho cộng tác viên phía dưới. Anh tính toán “không cần ăn dày, chỉ cần lấy số đông để bù lại”.

Mùa cao điểm, mỗi ngày cộng tác viên có thể giới thiệu 20-30 ứng viên. Một nửa này đậu thì khoản hoa hồng Hào nhận được khoảng 1-1,5 triệu đồng. Cộng tác viên nhận mức 300.000- 400.000 đồng, nhưng cần bỏ công chăm sóc, hướng dẫn tốn thời gian hơn.

Lao động xếp hàng chờ cung ứng đưa vào phỏng vấn trước một nhà máy ở Bắc Giang. Ảnh: Hồng Chiêu

Lao động xếp hàng chờ cung ứng đưa vào phỏng vấn trước một nhà máy ở Bắc Giang. Ảnh: Hồng Chiêu

Năm đầu tiên, Hào ôm hết các khâu để hưởng trọn hoa hồng. Khi nguồn tuyển mở rộng, công việc quá tải, bữa trưa chỉ kịp gặm bánh mì, anh đổi chiến thuật, tạo mạng lưới cộng tác viên còn mình quản lý. Nghề tay trái mang về cho anh thu nhập gấp đôi, ba lần vị trí chính thức trong văn phòng nhân sự.

Mỗi lao động vào nhà máy đều có thể trở thành cộng tác viên cho Hào, giúp mở rộng mạng lưới. Mùa cao điểm, đại lý này có thể tìm kiếm khoảng 1.000 công nhân. Nguồn tuyển mở rộng theo anh “công ty chỉ có lợi mà không mất gì, mình cũng có thêm thu nhập chân chính”.

Môi giới tuyển dụng vì thế cạnh tranh khá gay gắt. Một số nhóm chuyên nghiệp hàng chục thành viên, có đồng phục nhận diện và làm toàn thời gian. Để chủ động nguồn tuyển, một số công ty tự đào tạo bộ phận nhân sự chuyên nghiệp, thậm chí thành các streamer để quảng bá. Nhưng dù hoạt động hết công suất cũng không thể nào đáp ứng số lượng tuyển dụng lớn. Các nhà cung ứng nghiệp dư vì thế vẫn là kênh tìm người hiệu quả.

Nhưng thị trường này cũng có nguyên tắc riêng. “Lao động đến cổng nhà máy tức là đã liên hệ trước với đại lý, hẹn với ai người đó dẫn vào nhà máy, không tranh giành”, anh kể. Đôi lúc vẫn có sự cố như bị nói xấu để hạ uy tín, chểnh mảng là bị “hớt tay trên” nguồn cộng tác viên bằng cách chia hoa hồng cao hơn. Ngón tay Hào vì thế gần như không rời bàn phím điện thoại, kể cả những khi tranh thủ về thăm nhà.

“Việc gì kiếm ra tiền mà không phạm pháp thì cứ làm chứ”, Hào nói, khẳng định nhà máy còn tuyển thì anh vẫn còn nghề.

Hồng Chiêu

Nguồn: https://vnexpress.net/nghe-moi-gioi-tim-viec-cho-cong-nhan-4852022.html

VnExpress Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay