Chủ Nhật, Tháng hai 23, 2025
HomeThế GiớiKế sách của Ukraine sau rạn nứt Trump-Zelensky?

Kế sách của Ukraine sau rạn nứt Trump-Zelensky?

Ngày 20-2 tại thủ đô Kiev, Tổng thống Ukraine – ông Volodymyr Zelensky đã tiếp ông Keith Kellogg – đặc phái viên của tổng thống Mỹ về Ukraine và Nga.

Cuộc gặp của Tổng thống Zelensky với ông Kellogg diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa ông Zelensky và Tổng thống Mỹ Donald Trump đang rất cao sau màn khẩu chiến tuần này. Theo hãng tin Reuters, hiện chưa không có thông tin ngay lập tức về việc liệu cuộc gặp có giúp xoa dịu rạn nứt chưa từng có giữa hai nhà lãnh đạo hay không.

Tổng thống Zelensky.jpg
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) đã tiếp ông Keith Kellogg – đặc phái viên của tổng thống Mỹ về Ukraine và Nga – tại thủ đô Kiev hôm 20-2. Ảnh: GETTY IMAGES

Chuyến thăm để lắng nghe

Tổng thống Zelensky cho biết trong cuộc gặp với ông Kellogg, hai bên “đã thảo luận chi tiết về tình hình trên chiến trường và cách trả lại tất cả tù binh chiến tranh, cũng như các đảm bảo an ninh hiệu quả”.

Theo Tổng thống Zelensky, Ukraine đã sẵn sàng cho một thỏa thuận mạnh mẽ, có lợi với Mỹ liên quan đến đầu tư và an ninh. “Chúng tôi đã đề xuất cách nhanh nhất và mang tính xây dựng nhất để đạt được kết quả” – ông Zelensky cho hay.

Người phát ngôn tổng thống Ukraine cho hay cuộc gặp giữa ông Zelensky và ông Kellogg kết thúc mà không có cuộc họp báo chung sau đó theo yêu cầu từ phía Washington, theo tờ Kyiv Independent.

Ông Kellogg đã đến Ukraine vào ngày 19-2 như một phần trong nỗ lực của Washington nhằm làm trung gian cho một giải pháp nhằm kết thúc cuộc chiến Nga-Ukraine. Ông Kellogg cho hay một phần nhiệm vụ của ông trong chuyến công du là ngồi lắng nghe và xem mối quan tâm của Ukraine, đồng thời cho biết thêm rằng ông sẽ chuyển tiếp những phát hiện của mình đến Nhà Trắng.

Vào ngày đầu tiên ở Kiev, ông Kellogg đã gặp Tổng tư lệnh Oleksandr Syrskyi, người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Andriy Yermak và các giám đốc tình báo và an ninh của Ukraine.

Trong cuộc họp, ông Yermak nhấn mạnh rằng ông Kellogg cần có “thông tin đầy đủ và khách quan về các sự kiện trên mặt trận và về khả năng cũng như mong muốn của người Ukraine trong việc chấm dứt chiến sự bằng một nền hòa bình công bằng và lâu dài” – Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết.

Ngày 20-2, ông Kellogg cũng đã gặp Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha “để thảo luận về các cách thức hướng tới một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài”.

“Tôi khẳng định Ukraine sẵn sàng đạt được hòa bình thông qua sức mạnh và tầm nhìn của chúng tôi về các bước cần thiết. Tôi cũng nhắc lại rằng an ninh của Ukraine và xuyên Đại Tây Dương là không thể chia cắt” – ông Sybiha nhấn mạnh.

Chuyến thăm của ông Kellogg diễn ra sau các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga tại Saudi Arabia ngày 18-2 – nơi các quan chức Mỹ và Nga thảo luận về cuộc chiến mà không có sự tham gia của Ukraine. Tổng thống Zelensky đã phản đối mạnh mẽ ý tưởng đàm phán hòa bình được tiến hành sau lưng Ukraine.

Tuy nhiên, những diễn biến gần đây cho thấy ông Kellogg dường như đang bị gạt ra ngoài lề trong các nỗ lực hòa bình của Tổng thống Trump vì ông không tham gia vào các cuộc đàm phán tại Saudi Arabia. Một số chuyên gia cho rằng điều này là do lập trường ủng hộ của ông Kellogg đối với Ukraine.

Phát biểu trong video tối 20-2, Tổng thống Zelensky cam kết Ukraine đã sẵn sàng làm việc nhanh chóng để đưa ra một thỏa thuận mạnh mẽ về đầu tư và an ninh với Mỹ. Ông Zelensky nói rằng cuộc họp với đặc phái viên Mỹ Keith Kellogg đã “khôi phục hy vọng” cho thành công.

“Tướng Kellogg, một cuộc họp khôi phục hy vọng. Chúng ta cần những thỏa thuận mạnh mẽ thực sự có hiệu quả. Tôi đã đưa ra chỉ thị làm việc nhanh chóng và theo cách rất, rất công bằng” – ông Zelensky nói sau cuộc gặp.

Kế sách của Ukraine

Chuyến công du của ông Kellogg đến Kiev diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Trump và Tổng thống Zelensky đang vướng vào một cuộc đối đầu công khai trong tuần này. Tổng thống Mỹ gọi ông Zelensky là “nhà độc tài không qua bầu cử” và cáo buộc tổng thống Ukraine sử dụng viện trợ của Mỹ cho một “cuộc chiến không thể thắng”.

Tổng thống Trump và ông Zelensky.jpg
Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky (phải). Ảnh: Lauren Hurley/No 10 Downing Street

Tất cả những điều này diễn ra cùng lúc với một nỗ lực chung từ Nhà Trắng nhằm chấm dứt xung đột Nga-Ukraine, cho đến nay đã diễn ra dưới hình thức một cuộc họp cấp cao tại Saudi Arabia giữa các quan chức Mỹ và Nga ở Saudi Arabia. Tuy nhiên, sự vắng mặt của Ukraine làm tăng thêm nỗi lo ngại rằng một cuộc đàm phán hòa bình có thể đạt được sẽ có lợi cho Moscow với cái giá phải trả thuộc về Kiev, theo Kyiv Independent.

Căng thẳng Trump-Zelensky nêu bật một câu hỏi quan trọng: liệu các cuộc tấn công cá nhân của ông Trump vào Tổng thống Zelensky và Ukraine chỉ như vậy, hay có một chiến lược rộng hơn đang được thực hiện?

Theo chuyên gia Benjamin Tallis – Giám đốc Sáng kiến ​​Chiến lược Dân chủ (Đức) – nói với Kyiv Independent rằng ông tin có ba lựa chọn có thể rút ra từ những thông điệp như vậy. Đầu tiên là một chiến lược về “báo động người châu Âu”. Thứ hai là có thể là chính quyền Trump đang xem xét tình hình địa chính trị rộng lớn hơn, vượt qua ngoài khuôn khổ cuộc chiến Ukraine. Và cuối cùng là có thể ông Trump đang ngả về phía Moscow.

Do đó, một số chuyên gia chính trị người Ukraine đã đề xuất cách Ukraine có thể ứng phó thời điểm rất tế nhị và có hệ quả to lớn này.

TS Volodymyr Dubovyk – chuyên gia về quan hệ Mỹ-Ukraine và là người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế của ĐH Quốc gia Odessa – cho rằng ông không nghĩ những chỉ trích của ông Trump nhằm vào Tổng thống Zelensky là một loại chiến lược tinh vi nào đó.

Theo ông Dubovyk, Tổng thống Zelensky đang trong tình thế khó khăn, ông ấy không thể không phản ứng với những lời bóng gió của ông Trump. Bên cạnh đó, ông Zelensky cần định vị rõ ràng lợi ích với Ukraine trong tình hình hiện tại, trong bối cảnh đang có sự xích lại gần nhau nhanh chóng giữa Washington với Moscow. Mặt khác, ông Zelensky không muốn làm mất lòng ông Trump.

“Tôi nghĩ, sẽ là khôn ngoan nếu Tổng thống Zelensky không lao vào vòng luẩn quẩn này của việc chế giễu và chọc ngoáy, đưa ra những lời buộc tội. Có lẽ, không phải mọi điều ông Trump nói đều đáng bị chỉ trích” – ông Dubovyk nêu quan điểm.

Trong khi đó, chuyên gia Oleksandr Kraiev tại Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại Ukrainian Prism tin rằng Tổng thống Zelensky nên quay lại chiến lược giao tiếp giữa các cá nhân, xây dựng cầu nối với ông Trump.

Trước hết, ông Zelensky nên một lần nữa biến tình hình hiện tại thành vấn đề cá nhân, nhưng theo hướng có lợi cho ông Trump. Hay nói cách khác, ở một mức độ nào đó, Kiev nên chơi theo sách lược của ông Trump.

“Tất nhiên, một số người có thể nói rằng đó là một trò chơi khập khiễng, nhưng nếu điều đó cung cấp vũ khí cho Ukraine, cung cấp an ninh cho Ukraine, và cung cấp sự đảm bảo và một thỏa thuận tốt cho Ukraine, tôi không quan tâm chúng ta sử dụng phương tiện nào, chúng ta nên cứu đất nước mình” – ông Kraiev nhấn mạnh.

Điểm thứ hai là đừng tỏ ra yếu đuối, mà trở thành một đối tác mạnh mẽ để ông Trump có thể tin tưởng, cả về mặt kinh tế, chính trị, an ninh. “Ukraine nên sử dụng tất cả các điểm cộng mà Ukraine có và sau đó chỉ cần làm việc, liên lạc liên tục, trao đổi liên tục và chỉ cần ở đó, chỉ cần hiện diện trong bong bóng thông tin của ông Trump” – chuyên gia này hiến kế.

Mỹ giục Ukraine vụ thỏa thuận khoáng sản

Ngày 20-2, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Mike Waltz thúc giục Kiev “giảm bớt” lập trường và ký một thỏa thuận khoáng sản mà Tổng thống Zelensky đã từ chối thực hiện.

“Họ cần phải hạ giọng và xem xét kỹ lưỡng rồi ký thỏa thuận đó” – ông Waltz nói với đài Fox News, ám chỉ đến bản ghi nhớ do Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent trình bày với ông Zelensky vào ngày 12-2.

Kiev trước đó đã tuyên bố rằng họ chưa sẵn sàng ký thỏa thuận khoáng sản do Mỹ đề xuất. Tổng thống Zelensky cho biết Ukraine sẵn sàng đầu tư nhưng lập luận rằng bản ghi nhớ thiếu các đảm bảo an ninh cụ thể.

Ông Waltz cho biết việc Ukraine từ chối thỏa thuận và phản đối cách tiếp cận của ông Trump đối với các cuộc đàm phán hòa bình là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

Trong một diễn biến liên quan, hãng tin Axios ngày 20-2 dẫn một số nguồn thân cận rằng chính quyền của Tổng thống Trump đã trình lên Ukraine một bản dự thảo “cải tiến” của thỏa thuận khoáng sản.

Theo Axios, một số trợ lý của ông Zelensky đã khuyến khích nhà lãnh đạo Ukraine ký thỏa thuận cập nhật để tránh căng thẳng hơn nữa với ông Trump và cho phép ông Zelensky biện minh cho việc Mỹ tiếp tục hỗ trợ Ukraine.

Bản dự thảo sửa đổi thỏa thuận khoáng sản được cho là đã được “cải thiện đáng kể” để phù hợp với luật pháp Ukraine.

Ông Zelensky tiếp đặc phái viên Mỹ giữa căng thẳng với ông Trump
Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Nguồn: https://plo.vn/ke-sach-cua-ukraine-sau-ran-nut-trump-zelensky-post835367.html

PLO Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay