(PLO)- Một giáo viên THPT trên địa bàn TP.HCM than thở “muốn mở lớp dạy thêm, nhưng còn nhiều băn khoăn quá…” sau khi Thông tư 29 ra đời.
Bạn tôi, một giáo viên THPT trên địa bàn TP.HCM gọi điện thở dài: Muốn mở lớp dạy thêm nhưng còn nhiều băn khoăn quá, tốn 1,5 triệu đồng để nhờ “môi giới” hỗ trợ làm thủ tục, giải thích luật nhưng sau một tuần mọi thứ vẫn bất thành. Gia đình vẫn đang loay hoay tìm lối ra cho lớp dạy thêm.
Tôi và bạn ấy đều đồng tình với ý nghĩa của Thông tư 29 mà Bộ GD&ĐT ban hành về dạy thêm, học thêm (chính thức có hiệu lực từ ngày 14-2). Phần đông dư luận xã hội, báo chí, truyền thông cũng đều đồng thuận rằng: Với dạy thêm, học thêm, chúng ta không cấm mà phải có hành lang pháp lý để quản lý, đảm bảo lợi ích của người học, người trả tiền (phụ huynh) và cả người giảng dạy (giáo viên). Xét về lý lẫn về tình, nếu Thông tư 29 được thực hiện một cách bài bản, khoa học thì hiệu quả của công tác giáo dục lẫn hình ảnh của người thầy đều sẽ tích cực hơn trước.

Một buổi học tại trường của học sinh. Ảnh: TT
Khi Thông tư 29 chưa có hiệu lực, bạn tôi cũng tạm đóng cửa cơ sở dạy thêm tại nhà từ trước tết Nguyên đán Ất tỵ 2025. Theo giáo viên này, hình ảnh nghề giáo rất quan trọng, chậm lại đôi ba tháng, thu nhập có giảm đôi phần cũng không sao. Mình dạy học trò bản tính ngay thẳng, trung thực, tử tế còn mình nếu luồn lách, lén lút làm sai, rồi bị xử phạt, báo chí và mạng xã hội đưa tin… thì còn mặt mũi dạy ai. Nói vậy để thấy nếu trên báo có đăng thầy cô nào đó làm sai quy định, bị xử phạt thì cũng là những trường hợp rất cá biệt, chứ không phải thầy cô nào cũng vì tiền mà quên đạo đức nghề nghiệp, quên lợi ích và niềm tin của học trò đặt lên vai mình.
Việc dạy thêm để tăng thu nhập thì đã rõ, và học thêm cũng là một nhu cầu của nhiều em học sinh lẫn phụ huynh. Cả hai nhu cầu này, xét trong bối cảnh hiện nay, muốn giảm nhanh chóng là điều rất khó. Nói như Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng không phải là không có lý: Khi phụ huynh còn nặng nề về thành tích, chưa yên tâm về con, chưa thấy hết vai trò của giáo dục gia đình ngoài nhà trường, thì dạy thêm, học thêm vẫn tồn tại ở góc độ tiêu cực.
Cũng có ý kiến cho rằng chương trình học còn nặng, nếu chỉ học trên lớp thì chưa thể theo kịp. Nói như một đại biểu quốc hội tại cuộc thảo luận ở Tổ 14 hồi cuối tháng 10 năm ngoái: “… nói đổi mới, giảm tải chương trình giáo dục nhưng qua theo dõi thì chương trình của các em học sinh ngày càng nặng hơn ở các cấp”.
Còn theo bạn tôi và nhiều giáo viên khác, chương trình giáo dục phổ thông hiện nay dù đã được các ban ngành nỗ lực đổi mới theo hướng hiện đại hơn, cố gắng tiệm cận phương pháp và chất lượng của các hệ thống quốc tế, nhưng vẫn trong giai đoạn quá độ, còn nhiều bất cập khiến giáo viên cũng lúng túng, băn khoăn, trăn trở, trong khi phụ huynh, học sinh cũng chưa thể yên tâm để điều chỉnh nhu cầu học thêm.
Trong bối cảnh ấy, sau khi Thông tư 29 có hiệu lực, đã xuất hiện hiện tượng “phanh gấp” đối với cả việc dạy thêm, học thêm. Rất nhiều phụ huynh đã chạy đôn chạy đáo tìm lớp cho con học thêm; trong khi nhiều giáo viên “xếp hàng” để tìm cách đăng ký mở lớp dạy thêm. Hiện tượng “phanh gấp” này xuất phát từ thực tiễn hiểu và áp dụng thông tư 29 còn khó khăn, lúng túng bởi lần đầu việc dạy thêm được phép đăng ký kinh doanh, mà kinh doanh thì liên quan nhiều quy định pháp luật khác.
Chỉ cần tìm kiếm trên các trang báo, có thể lắng nghe nhiều băn khoăn của việc đăng ký dạy thêm: Người đăng ký hộ kinh doanh để dạy thêm không phải là giáo viên thì có đảm bảo được chất lượng của hoạt động giảng dạy hay không? Đăng ký kinh doanh thì dễ, còn vấn đề tuân thủ các yêu cầu về phòng cách chữa cháy, môi trường, an ninh trật tự… thì theo tiêu chuẩn nào? Việc tuân thủ thời lượng dạy thêm phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, bảo đảm sức khoẻ của học sinh cần được lượng hóa ra sao? Vi phạm thì bị xử phạt ra sao, cơ quan nào sẽ xử phạt? …
Một giáo viên đã về hưu thì băn khoăn với tôi thế này: Thầy cô vừa dạy chính khóa ở trường, vừa dạy thêm ở nhà, vậy có cần quy định số giờ dạy thêm hàng tuần, hàng tháng để đảm bảo hoạt động dạy thêm chỉ là “làm thêm” mà không ảnh hưởng đến hoạt động giảng dạy trên lớp.
“Ngay cả giáo viên cam kết không ảnh hưởng chất lượng trên lớp, nhưng nếu thầy cô dạy thêm quá nhiều, “thức khuya dậy sớm”, gây quá tải, ảnh hưởng sức khỏe của thầy cô thì chất lượng giảng dạy trên lớp cũng sẽ ảnh hưởng theo” – vị này đưa ra băn khoăn. Tương tự, vị này cũng cho rằng cần có quy định hoặc hướng dẫn, khuyến cáo về thời lượng tối đa một đứa trẻ có thể học thêm ngoài giờ, vậy mới đảm bảo sự phát triển bình thường của các cháu.
Luật thì đã có, nhưng “cái lệ” dạy thêm, học thêm lâu nay cần được phanh hãm một cách phù hợp bằng cách tổ chức hướng dẫn thực hiện luật rõ ràng, có tiến độ; lắng nghe và tìm cách điều chỉnh Thông tư 29 theo hướng vẫn giữ đúng tinh thần, ý nghĩa nhưng thay đổi phương pháp để không phải “phanh gấp”, “dồn toa”.

Nguồn: https://plo.vn/go-hien-tuong-phanh-gap-day-them-hoc-them-post835746.html