Ngày 24/2 (27 tháng Giêng), thành phố Lạng Sơn sẽ tổ chức lễ hội Kỳ Cùng – Tả Phủ với nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ hấp dẫn, mang đậm nét văn hóa bản sắc truyền thống của đồng bào các dân tộc xứ Lạng.
Ngày lễ còn là sự gắn kết về các nghi thức tế lễ, rước kiệu, diễn xướng dân gian và nhiều trò chơi đặc sắc phục vụ bà con nhân dân, khách thập phương về dự hội.
Ngày hội cũng là dịp thể hiện sự tri ân của hậu thế, tưởng nhớ công lao to lớn của 2 vị quan góp phần xây dựng Lạng Sơn nói riêng và đất nước nói chung.
Đó là Tả đô đốc Hán Quận công Thân Công Tài, một vị tướng thời hậu Lê. Hiện vị quan này được thờ tại đền Tả Phủ thuộc phường Hoàng Văn Thụ, được xây dựng vào năm 1683.
Vị thứ 2 là quan lớn Tuần Tranh, người được cử lên trấn ải tại Lạng Sơn, hiện được thờ tại đền Kỳ Cùng thuộc phường Vĩnh Trại.

Để chuẩn bị cho ngày chính hội (24/2 Dương lịch), trước khi đám rước kiệu quan từ hai đền Kỳ Cùng và Tả Phủ rước qua, gia chủ của những nhà tại con phố nơi kiệu quan đi tới đều nhộn nhịp bắc rạp, chuẩn bị mâm cúng lễ nhằm bày tỏ lòng thành kính.
Náo nức với ngày vui này, năm nay gia đình chị Hải Yến càng nhộn nhịp hơn.
Bên cạnh gần 30 mâm cỗ đãi khách, chị còn nhờ làm thêm mô hình rồng phượng đặt bên ngoài để người dân địa phương và du khách thập phương có thể tới chơi hội, chụp hình và bày tỏ lòng thành kính với những bậc tiền bối đã có công xây dựng.
Nhà chị Yến nằm trên trục đường Trần Đăng Ninh nơi kiệu quan sẽ rước qua vào ngày 24/2 nên ngày 23/2, gia đình đang bận rộn mắc rạp. Quy mô rạp lớn không khác gì rạp cưới.
Đáng chú ý nhất là cặp mô hình rồng phượng dự kiến được chị bày phía trước rạp, được chị thuê nghệ nhân tại địa phương làm kỳ công từ trước tết.

“Trước Tết, tôi đã có lời nhờ nghệ nhân để xong kịp mô hình rồng phượng phục vụ ngày hội. Mô hình rồng phượng cao khoảng 3m, dài 4m, được dựng hai bên rạp”, chị Yến chia sẻ.
Đầu rồng và phượng được cắt tỉa thủ công tỉ mỉ với thời gian khoảng gần một tháng. Ý tưởng được chị Yến đưa ra từ năm ngoái nhưng chưa có mặt tiền đủ rộng để trưng bày. Năm nay, được bạn bè hỗ trợ nên chị có ô mặt tiền với chiều dài khoảng 20m đủ làm nơi trưng bày mô hình và dựng rạp.

Ngoài hai mô hình này, gia đình chuẩn bị thêm các mâm cúng lễ vật và gần 30 mâm cỗ mời khách.
Các món ăn chủ yếu vẫn là đặc sản địa phương như vịt quay, heo quay, bánh giày bánh ngải. Thời điểm này, nhiệt độ Lạng Sơn đang hạ sâu xuống khoảng 10 độ C nên gia chủ còn làm thêm món lẩu để đãi khách ăn cho ấm bụng.
Gia đình chi cả trăm triệu đồng làm lễ vật, mâm cúng để chơi hội ở Lạng Sơn (Nguồn video: Nhân vật cung cấp).
Tổng chi phí dự kiến lên tới hơn một trăm triệu đồng nhưng chị Yến cho rằng điều này hoàn toàn xứng đáng. Chị hy vọng điều này có thể lan tỏa để lễ hội địa phương mình được nhiều người biết tới hơn, đồng thời bày tỏ tri ân với thế hệ trước.
Năm 2015, lễ hội đền Kỳ Cùng – Tả Phủ được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.
Vào ngày hội khai mạc diễn ra cuộc thi trưng bày mâm lễ và gói bánh chưng, thu hút đông đảo khách thập phương tham dự.
Nguồn: https://dantri.com.vn/du-lich/gia-dinh-chi-ca-tram-trieu-dong-lam-le-vat-mam-cung-de-choi-hoi-o-lang-son-20250223131843736.htm