Giả mạo công an lừa đảo
Là nạn nhân của một vụ lừa đảo mất hơn 5 tỉ đồng thời điểm trước Tết Nguyên đán, cho đến thời điểm hiện nay chị N.U (TP.HCM) vẫn không hết suy sụp khi phải bán nhà để trả nợ.
Theo lời kể của chị N.U, chồng chị nhận điện thoại từ một người lạ tự nhận trong Ban chuyên án phòng chống tội phạm ma túy thuộc Bộ Công an thông báo: “Có người sử dụng CCCD mang tên anh để buôn bán ma túy”. Qua cuộc điện thoại, người này nói với giọng uy hiếp tinh thần và báo có lệnh bắt tạm giam. Chồng chị N.U liên tục giải thích là không có liên quan nhưng kẻ lừa đảo lấp lửng: “Khi ra tòa chứng minh được thì sẽ không sao”.

Người dân cảnh giác với những thủ đoạn lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền
Người nhà chị N.U đã thực hiện theo hướng dẫn mà nhóm này yêu cầu. Đầu tiên chúng yêu cầu chồng chị không được chia sẻ cho những người thân trong gia đình. Đồng thời sử dụng điện thoại Samsung, đổi qua sim mới, cài phần mềm của họ đặt sẵn. Mỗi ngày 3 lần, chồng chị N.U phải dùng điện thoại này điện cho một người tên Trung – hàm Trung tá bên Ban chuyên án ma túy của Bộ Công an để báo cáo.
Bọn lừa đảo còn yêu cầu chuyển tiền nhiều lần vào một tài khoản được cho là “bên thứ 3 do Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước kiểm soát”. Việc chuyển tiền sẽ phải thực hiện trong vòng 5 ngày, trước khi chuyển tiền thì hẹn gặp mặt làm việc ở khách sạn để “chuyển tiền bảo đảm không ai biết”. Chồng chị N.U đã thuê khách sạn 2 ngày đầu để làm việc với “công an”, những ngày sau thì hẹn làm việc ở nhà. Mỗi lần gặp, kẻ lừa đảo đều mặc sắc phục công an, một người tên Trung đeo hàm Trung tá. Tuy nhiên, chúng đều né tránh những góc quay của camera.
Sau 7 ngày làm việc, số tiền mà người nhà chị N.U chuyển cho kẻ lừa đảo hơn 5 tỉ đồng. Theo thông báo của nhóm lừa đảo này: “Tòa án sẽ xử vào ngày 9.1 ở Hà Nội nên yêu cầu bay ra dự. Khi nào tòa xử xong thì số tiền này sẽ được chuyển lại”. Tuy nhiên, khi gửi lệnh tạm giam trước đó, nhóm lừa đảo gợi ý người nhà chị N.U chuyển tiền “cảm ơn” cho Viện Kiểm soát để ngưng lệnh bắt giam.
Vì tin rằng đó là công an thật nên chồng chị N.U làm theo những hướng dẫn mà không chia sẻ cho người trong gia đình. Theo chị N.U, thời điểm cuối năm nên không đủ tiền mặt chồng chị phải đi vay bạn bè để chuyển tổng cộng số tiền hơn 5 tỉ đồng vào tài khoản của kẻ lừa đảo. Đến khi người nhà biết việc mới vỡ lẽ ra đó là chiêu lừa đảo và thực hiện các thủ tục báo công an. Đồng thời phải xoay xở bán nhà để có tiền trả lại cho bạn bè, người thân.
Khi kể cho chúng tôi nghe, chị N.U nói, một kinh nghiệm rút ra là khi nghe điện thoại lạ nhận là công an hay bên nào mà thấy không liên quan thì cúp máy ngay, chứ càng nghe càng bị thao túng tâm lý bởi kịch bản dàn dựng của kẻ lừa đảo khá tinh vi. Không những qua điện thoại mà chúng có thể gặp mặt mình vẫn tin, vẫn không thoát nổi.
Chiêu thức lừa đảo này không mới và cơ quan công an đã liên tục cảnh báo người dân nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn. Ngày 16.2, chị N.Y.T người dân sinh sống trên địa bàn TP.Sóc Trăng nhận được cuộc gọi từ số thuê bao “0826.354.571” với nội dung giới thiệu như sau: “Chào chị, tôi gọi đến từ Công an tỉnh Sóc Trăng, đề nghị chị chiều ngày mai mang căn cước công dân đến trụ sở Công an tỉnh Sóc Trăng tại địa chỉ số 18, đường Hùng Vương, phường 6, TP.Sóc Trăng để xác minh, làm rõ một số vấn đề có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật”. Khi chị N.T.Y hỏi cấp bậc, chức vụ, nơi công tác đối tượng này tự xưng là “Trung úy Phan Văn Hưng thuộc Đội Điều tra tổng hợp Công an tỉnh Sóc Trăng”. Quá trình trao đổi với chị N.Y.T, đối tượng này liên tục đe dọa đây là vụ việc nghiêm trọng, yêu cầu chị N.Y.T phải đến cơ quan công an để làm rõ vụ việc.
Thế nhưng, chị N.Y.T trình bày đang đi làm ăn xa, không có mặt tại địa phương, đối tượng đã hướng dẫn chị N.Y.T kết bạn qua ứng dụng “Zalo” để gửi hình ảnh mặt trước và mặt sau căn cước công dân để đối tượng xác minh, sau đó đề nghị chị N.Y.T cung cấp mã xác nhận qua tin nhắn SMS đã được gửi về số thuê bao của chị N.Y.T. Quá trình hướng dẫn đối tượng liên tục thúc ép, yêu cầu phải thực hiện ngay nhằm thao túng tâm lý của người nghe. Tuy nhiên, do nhận thấy nội dung cuộc gọi có nhiều nghi vấn, chị N.Y.T đã kết thúc cuộc gọi trên và báo ngay cho cơ quan công an.
Dụ dỗ cài đặt phần mềm lạ
Qua xác minh, Công an tỉnh Sóc Trăng cho rằng đây là thủ đoạn lừa đảo mới của tội phạm sử dụng công nghệ cao nhằm chiếm đoạt tài sản của những người dân có tâm lý nhẹ dạ, cả tin. Trước thực trạng trên, công an tỉnh khuyến cáo người dân cần hết sức tỉnh táo, không hoang mang, lo sợ trước thủ đoạn lừa đảo này. Khi giải quyết các vấn đề liên quan thủ tục hành chính, giải quyết vụ việc hình sự lực lượng công an sẽ gửi thư mời, giấy triệu tập đến cho người dân hoặc phân công cảnh sát khu vực, cán bộ công an xã nơi người dân sinh sống trực tiếp mời người dân đến trụ sở cơ quan công an để làm việc.
Nếu xảy ra trường hợp tương tự nêu trên, người dân cần bình tĩnh, không cung cấp thông tin cá nhân, chuyển tiền hay thực hiện theo các yêu cầu của đối tượng, kịp thời báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ tư vấn, trường hợp đã bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản cần trình báo ngay vụ việc cho cơ quan công an để được tiếp nhận, xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, thủ đoạn lừa đảo trên, các ngân hàng thời gian qua cũng liên tục cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo tinh vi khác. Mới đây, Agribank cảnh báo 2 thủ đoạn phổ biến. Đó là kẻ lừa đảo sử dụng số tài khoản ngân hàng của cá nhân, tổ chức (dựa vào số điện thoại của người dùng), với nhiều thủ thuật khác nhau, phổ biến nhất là bằng cách nhập sai mật khẩu nhiều lần trên ứng dụng, website ngân hàng để khóa tài khoản. Sau đó, kẻ gian gọi điện thoại cho khách hàng, tự xưng là nhân viên ngân hàng hỗ trợ mở khóa tài khoản. Hay kẻ lừa đảo giả mạo là công an, tư vấn luật Giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1.1.2025, mỗi công dân tham gia giao thông được cấp 12 điểm, giới thiệu cài đặt dịch vụ công để tích hợp điểm.
Trên cơ sở các chiêu trò dẫn dắt nêu trên, kẻ gian dụ dỗ khách hàng truy cập đường link lạ hoặc cài đặt ứng dụng giả mạo yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng (mật khẩu tài khoản ngân hàng, mã OTP, hình ảnh hai mặt căn cước, thẻ ngân hàng, thông tin các giao dịch gần nhất…); kẻ gian cũng có thể dụ dỗ khách hàng cài đặt phần mềm có khả năng chiếm quyền kiểm soát điện thoại của khách hàng, từ đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của khách hàng.
Theo khuyến cáo của Agribank, khách hàng tuyệt đối không truy cập đường link lạ, tải về và cài đặt ứng dụng lạ. Cảnh giác với những cuộc gọi tự xưng là công an, nhân viên ngân hàng, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, thông tin số tài khoản, thẻ ngân hàng, mã OTP… Hạn chế đưa thông tin cá nhân như số điện thoại, số tài khoản ngân hàng, thẻ ngân hàng, hình ảnh giấy tờ tùy thân lên các trang mạng xã hội…
Nguồn: https://thanhnien.vn/mat-5-ti-dong-vi-chieu-lua-gia-mao-cong-an-185250224163038108.htm