Trong bài phân tích mới đây trên tờ Foreign Policy, các chuyên gia thuộc Trung tâm Wilson ở Washington (Mỹ) khẳng định: “Con đường đến với hòa bình ở Ukraine phải đi từng bước nhỏ”.
Nhấn mạnh rằng cuộc chiến tại đây đã kéo dài quá lâu, các chuyên gia nêu rõ, con đường duy nhất để có thể tiến lên phía trước là một loạt thỏa thuận quy mô nhỏ, được thực hiện dần dần. Ba năm qua, cuộc xung đột ở Ukraine không chỉ gây ra tổn thất nặng nề về người và tài sản cho các bên tham chiến, mà còn tạo ra những xáo trộn lớn trong nhiều lĩnh vực trên toàn cầu.
Theo Liên hợp quốc, hơn 11.700 dân thường chết và hơn 24.600 người bị thương. Xung đột gây gián đoạn chuỗi cung ứng, đẩy giá lương thực, năng lượng tăng cao. Các nước phương Tây cũng đối mặt sự mâu thuẫn nội bộ, bởi các biện pháp viện trợ dành cho Ukraine bị cho là ảnh hưởng tới lợi ích của người dân và làm dấy lên làn sóng biểu tình.
Những diễn biến mang tính bước ngoặt đã xuất hiện sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ hai. Giữ đúng lời hứa, ông Donald Trump thúc đẩy hàng loạt động thái ngoại giao về tình hình Ukraine, nổi bật là cuộc đàm phán giữa phái đoàn cấp cao Nga và Mỹ mới diễn ra ở Saudi Arabia, vốn nhận được sự hoan nghênh từ cộng đồng quốc tế.

Nga-Mỹ đàm phán tại Saudi Arabia
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Marco Rubio thông báo, sau cuộc đàm phán kéo dài hơn bốn giờ, Mỹ và Nga đồng ý về những nguyên tắc, bao gồm: Khôi phục cấp làm việc tại Đại sứ quán Nga ở Washington và Đại sứ quán Mỹ ở Moskva, bổ nhiệm một đội ngũ đàm phán cấp cao để tìm giải pháp chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, khởi động thảo luận về hợp tác địa chính trị và kinh tế sau chiến tranh, tiếp tục tham gia tích cực vào quá trình đàm phán để bảo đảm sự phát triển hiệu quả của nó.
Có thể nhận thấy rõ sự điều chỉnh trong cách tiếp cận vấn đề Ukraine của chính quyền Tổng thống Trump so với chính quyền tiền nhiệm là chủ trương tìm giải pháp thông qua thương lượng thay vì duy trì lập trường cứng rắn với Nga.
Tuy vậy, diễn biến nhanh chóng về tình hình Ukraine lại tiềm ẩn không ít rủi ro. Việc Ukraine và Liên minh châu Âu (EU) dường như bị “gạt ra bên lề” cuộc đàm phán quan trọng ở Saudi Arabia đã gây bất mãn cho châu Âu. Các nhà lãnh đạo châu Âu đang ráo riết phối hợp hành động để bảo đảm sự tham gia của EU trên bàn đàm phán, sau khi Mỹ xúc tiến các bước đi riêng với Nga – điều có thể khiến vị thế của EU bị giảm sút cũng như thay đổi cán cân địa chính trị của khu vực.
Một thách thức lớn nữa là khác biệt về điều kiện đàm phán tiên quyết giữa Nga và Ukraine. Kiev yêu cầu Moskva rút quân hoàn toàn khỏi lãnh thổ của mình. Còn Nga yêu cầu Ukraine phải rút quân khỏi toàn bộ các vùng lãnh thổ tuyên bố sáp nhập vào Nga trước đó và cam kết không gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Giai đoạn 2 của cuộc đàm phán Nga-Mỹ sẽ diễn ra ở cấp vụ trưởng
Về phía Mỹ, có nhiều lý do để ông Trump muốn nhanh chóng chấm dứt xung đột ở Ukraine. Ngoài việc giúp ông ghi điểm trong mắt cử tri, điều này còn giúp Mỹ giảm bớt gánh nặng tài chính để dồn nguồn lực giải quyết các vấn đề trong nước. Tuy vậy, các động thái thúc đẩy hòa giải đầy vội vã của Washington cũng gây nhiều tranh cãi. Những phản ứng trái chiều phần nào cho thấy tầm quan trọng của việc bảo đảm sự tham gia của tất cả các bên liên quan vào giải quyết xung đột.
Tình hình trên chiến trường ở Ukraine vẫn trong thế giằng co, phức tạp. Trong bối cảnh đó, các động thái thúc đẩy “đối thoại thay đối đầu” gần đây đã đánh dấu sự dịch chuyển mang tính bước ngoặt, từng bước mở ra cơ hội đạt được thành công lớn hơn trên con đường tìm kiếm hòa bình tại Ukraine và Nga, dẫu rằng việc thuyết phục các bên liên quan nhượng bộ, điều chỉnh lập trường cứng rắn để hướng tới mục tiêu hòa bình là điều rất khó khăn.
Nguồn: https://nhandan.vn/huong-toi-muc-tieu-hoa-binh-post861323.html