Tuần này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Keir Starmer lần lượt đến Mỹ để gặp Tổng thống Donald Trump.
Theo tờ New York Times, gặp nhau ở Nhà Trắng, hai lãnh đạo Anh và Pháp có thể sử dụng một chiến thuật cũ để đối phó với ông Trump, nhưng không rõ liệu chúng có đủ hiệu quả đối phó thách thức mới hay không.

Sau một tuần Tổng thống Trump gọi Tổng thống Ukraine – ông Volodymyr Zelensky là nhà độc tài, lãnh đạo Anh và Pháp hiểu rằng giờ đây nhiệm vụ của họ không chỉ điều hướng một vị tổng thống không thích các thể chế đa phương và ngoại giao chuẩn mực, mà phải cố gắng cứu vãn liên minh xuyên Đại Tây Dương đang rơi vào cuộc khủng hoảng hiện hữu.
Những lần “lấy lòng” ông Trump
Thời gian qua, hai nhà lãnh đạo Anh và Pháp đã có nhiều nỗ lực nuôi dưỡng mối quan hệ với ông Trump.
Ông Starmer đã gặp ông Trump tại toà Trump Tower vào tháng 9 năm ngoái. Trong khi đó mối quan hệ giữa ông Macron và ông Trump đã có từ lâu và đã trải qua nhiều sóng gió. Sau thời kỳ trăng mật được đánh dấu bằng sự tham dự của ông Trump tại lễ diễu binh quân sự của Pháp vào năm 2017, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Pháp đã xung đột về quyết định của ông Trump rút khỏi hiệp định khí hậu Paris và thỏa thuận hạt nhân Iran.
Ngay sau khi ông Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ vào năm ngoái, ông Macron đã mời ông Trump tham dự lễ khánh thành Nhà thờ Đức Bà Paris. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng những nỗ lực ngoại giao của ông sẽ có hiệu quả lần này.
Những tuyên bố gây sốc của Tổng thống Trump, cùng với việc Mỹ gạt châu Âu sang một bên để đàm phán với Nga nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho Ukraine đã khiến nhiều nước châu Âu đặt câu hỏi liệu liên minh quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã bảo vệ lục địa này trong hơn bảy thập niên qua còn tồn tại hay không.
Chính vì vậy, việc mời ông Trump đến dự lễ duyệt binh của Pháp – như ông Macron đã làm vào năm 2017, hay đến dự tiệc xa hoa tại Cung điện Buckingham – như Nữ hoàng Elizabeth II của Anh đã làm vào năm 2019 có thể không đủ để đưa mọi thứ trở lại đúng hướng.
Bên cạnh đó, nhiều nhà ngoại giao đã làm việc với Tổng thống Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên nói rằng ông không còn là nhà lãnh đạo như trước nữa.
“Khi ông Trump đến [thủ đô Washington, D.C] vào năm 2017, ông ấy chẳng biết gì và chẳng biết ai cả. Bây giờ ông ấy nghĩ rằng mình biết mọi thứ, ông ấy quyết liệt hơn về bản chất, và ông ấy có nhiều người trung thành xung quanh” – cựu Đại sứ Pháp tại Mỹ Gerard Araud phân tích.
Điều đó sẽ khiến các nhà lãnh đạo châu Âu khó có thể thuyết phục Tổng thống Trump từ bỏ tuyên bố của ông rằng Mỹ cơ bản là nạn nhân của “một vụ lừa đảo” khi cung cấp hàng tỉ USD viện trợ quân sự cho Ukraine. Nhiều nhà ngoại giao cho rằng cũng sẽ không dễ dàng để cảnh báo Tổng thống Trump về những nguy cơ khi nhượng bộ Tổng thống Nga Vladimir Putin quá nhiều trong cuộc đàm phán.
Theo Văn phòng Thủ tướng Anh, trong cuộc điện đàm ngày 23-2, ông Starmer và ông Macron nhất trí thể hiện “sự lãnh đạo thống nhất về Ukraine” khi đến gặp ông Trump, nhắc lại tầm quan trọng của việc Ukraine là trung tâm của bất kỳ cuộc đàm phán nào nhằm chấm dứt cuộc xung đột Nga-Ukraine, theo tờ The Guardian.
Chiến lược của Anh, Pháp
Các lãnh đạo châu Âu cho thấy sẽ không chùn bước trước các thách thức trên. Ông Macron – người sẽ đến Nhà Trắng vào ngày 24-2 – đã nói trong một chương trình phát sóng trực tiếp vào tuần trước rằng: “Về cơ bản, tôi sẽ nói với ông [Trump] rằng: ‘Ông không thể yếu đuối trước Tổng thống Putin. Đó không phải là ông, đó không phải là thương hiệu của ông, đó không phải là lợi ích của ông’”.
Cựu Đại sứ Pháp tại Mỹ – ông Araud cho biết ông mong đợi ông Macron sẽ gây sức ép với Tổng thống Trump để Mỹ hỗ trợ đảm bảo an ninh cho châu Âu, đổi lấy việc châu Âu bỏ nguồn lực ra để tập hợp một lực lượng răn đe. Hiện Pháp và Anh đang cố gắng thuyết phục Thụy Điển, Đan Mạch, Hà Lan và các nước vùng Baltic tham gia một lực lượng như vậy.
Về vấn đề Ukraine, các quan chức Pháp lo ngại rằng Tổng thống Trump sẽ kiên quyết yêu cầu ngừng bắn ở Ukraine trong vòng vài tuần tới, với mục tiêu cùng ông Putin dự kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9-5 tại Quảng trường Đỏ ở Moscow. Mỹ, Nga chưa bình luận về thông tin này.
Bên cạnh đó, một trong những điều mà Pháp cực kỳ lo lắng là Tổng thống Trump sẽ cố gắng thúc ép một cuộc bầu cử ở Ukraine. Theo các quan chức Pháp, điều này sẽ mở ra cánh cửa cho các ứng cử viên được Nga hậu thuẫn, các chiến dịch bôi nhọ trực tuyến và các hình thức can thiệp bầu cử khác.
Với ít thời gian để ngăn chặn những điều này, các quan chức Pháp cho biết họ đang cố gắng hạn chế thiệt hại.

Thủ tướng Starmer – người sẽ có mặt tại Nhà Trắng vào ngày 27-2 – chưa chia sẻ chiến lược của ông để đối phó với Tổng thống Trump. Tuy nhiên nhiều nhà ngoại giao Anh nói rằng họ mong đợi ông Starmer sẽ nhấn mạnh đến thiện chí của Anh trong việc làm nhiều hơn nữa để bảo vệ châu Âu, bằng cách đóng góp quân đội cho lực lượng gìn giữ hòa bình Ukraine.
Ông Starmer đã đưa ra cam kết về quân đội vào tuần trước, nhưng cho biết điều này chỉ có hiệu quả nếu Mỹ hành động như một “biện pháp dự phòng”.
Các quan chức Anh cho biết Thủ tướng Starmer sẽ nói với Tổng thống Trump rằng Anh đang cân nhắc viện trợ quân sự bổ sung cho Ukraine và có kế hoạch tăng chi tiêu cho quốc phòng.
Cựu Đại sứ Anh tại Mỹ Kim Darroch đưa ý kiến rằng ông Starmer nên cam kết tăng chi tiêu quân sự của Anh lên 2,5% GDP. Ông Darroch cũng đề nghị rằng thủ tướng Anh cũng nên thúc ép ông Trump mô tả thỏa thuận hòa bình mà ông đang tìm kiếm với Nga và dự định gây áp lực gì lên ông Putin để đạt được thỏa thuận đó.
Cựu Đại sứ Darroch lưu ý rằng ông Starmer nên tránh để bị lôi kéo vào cuộc tranh luận với ông Trump về ông Zelensky. Thay vào đó, theo ông Darroch, thủ tướng Anh nên phát huy tầm nhìn của Tổng thống Trump như một người gìn giữ hòa bình.
“Sẽ là một sai lầm nếu người châu Âu tranh luận với ông Trump về việc ai là người bắt đầu cuộc chiến, hoặc liệu ông Zelensky có phải là một nhà độc tài hay không. Đó là một khởi đầu không khả thi cho cách tiếp cận đối với ông Trump” – cựu Đại sứ Araud lập luận.
Cựu Thủ tướng Úc: Anh, Pháp cần ‘khoảnh khắc của sự thật’
Cựu Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull – người đã có những xung đột riêng với ông Trump về vấn đề người tị nạn ngay từ đầu nhiệm kỳ đầu của tổng thống – cho biết những nỗ lực lấy lòng tổng thống Mỹ có thể sẽ chẳng đi đến đâu.
“Đây là khoảnh khắc của sự thật. Họ cần có đủ can đảm để đứng lên đối phó ông Trump và nói với ông ấy những gì họ nghĩ. Cụ thể là việc đứng về phía [Tổng thống Nga Vladimir] Putin chống lại Ukraine là một đòn giáng mạnh vào uy tín và vị thế của nước Mỹ trên thế giới” – theo cựu Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull.

Nguồn: https://plo.vn/bo-doi-macron-starmer-chuan-bi-gi-cho-cuoc-thuong-thuyet-voi-ong-trump-post835757.html