Thứ ba, Tháng hai 25, 2025
HomeSức KhỏeBiến chứng viêm mũi dị ứng

Biến chứng viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng có thể dẫn đến biến chứng như viêm xoang mạn tính, hen suyễn, viêm tai giữa, polyp mũi.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Chí Trung, Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết viêm mũi dị ứng không nguy hiểm nhưng bệnh không được điều trị đúng cách có khả năng gây ra một số biến chứng như sau:

Viêm xoang mạn tính

Niêm mạc mũi và xoang của người bệnh viêm mũi dị ứng thường bị phù nề, làm hẹp hoặc tắc nghẽn các lỗ thông xoang. Tình trạng này dẫn đến ứ đọng chất nhầy trong xoang, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển hoặc gây viêm dai dẳng không do nhiễm trùng. Nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến viêm xoang mạn tính.

Viêm tai giữa

Người bệnh viêm tai giữa thường có biểu hiện sốt, sưng đau ở vùng tai và chảy dịch. Viêm tai giữa ở người bệnh viêm mũi dị ứng chủ yếu do ứ dịch trong tai giữa, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.

Hen suyễn (hen phế quản)

Khi bệnh nhân tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng, niêm mạc khí phế quản phản ứng lại gây viêm nề và co thắt. Tình trạng này sinh ra triệu chứng hen suyễn bao gồm đường thở phù nề gây tắc nghẽn, khó thở, thở khò khè, tức ngực (nặng ngực), tăng tiết đờm dãi…

Ngưng thở khi ngủ

Viêm mũi dị ứng gây tắc nghẽn mũi, góp phần làm gia tăng nguy cơ mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA). Các dấu hiệu của hội chứng này là người bệnh ngưng thở hoặc giảm thở trong khoảng trên 10 giây, sau đó là kích thích, thở gấp rồi lặp lại hiện tượng ngưng hoặc giảm thở.

Polyp mũi

Đây là khối u lành tính nằm bên trong hốc mũi, gây cản trở sự lưu thông của không khí trong mũi và quá trình dịch xoang được dẫn lưu. Khi viêm mũi dị ứng, các phản ứng viêm nhiễm, phù nề tại mũi và niêm mạc mũi dẫn tới tình trạng thoái hóa đa ổ và gây thương tổn tại mũi xoang. Nếu không được điều trị đúng cách, các vị trí tổn thương này xuất hiện các khối polyp.

Viêm mũi dị ứng có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như hen suyễn, ngưng thở khi ngủ. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ nội soi mũi cho người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Khi xuất hiện dấu hiệu viêm mũi dị ứng, người bệnh nên sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ như thuốc kháng histamin và corticosteroid dạng xịt mũi. Trường hợp dị ứng nặng, không đáp ứng tốt với thuốc, bác sĩ có thể chỉ định liệu pháp miễn dịch (tiêm dị nguyên).

Để chủ động phòng viêm mũi dị ứng, bác sĩ Trung khuyến cáo người bệnh làm sạch môi trường sống, hạn chế tác nhân gây dị ứng. Sử dụng thêm máy lọc không khí hoặc máy hút ẩm để kiểm soát yếu tố gây dị ứng trong nhà. Tăng cường hệ miễn dịch bằng cách ăn uống đủ chất, ngủ đủ giấc, đúng với nhịp sinh học. Mỗi người không nên thức quá khuya, thường xuyên vận động, có thể bổ sung thêm vitamin theo tư vấn của bác sĩ. Đeo khẩu trang khi tiếp xúc gần với những tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, mạt bụi, lông chó mèo, khói thuốc lá…

Do hệ thống tai – mũi – họng có sự liên thông, người bệnh nên rửa mũi bằng nước muối sinh lý 0,9% sau khi tiếp xúc với khói bụi, chất ô nhiễm để loại bỏ tác nhân gây dị ứng, hạn chế kích ứng niêm mạc mũi. Súc họng bằng nước muối sinh lý cũng giúp làm sạch vùng hầu họng, giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp trên.

Minh Đức

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp

Nguồn: https://vnexpress.net/bien-chung-viem-mui-di-ung-4852640.html

VnExpress Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay