Thứ ba, Tháng hai 25, 2025
HomeThế GiớiVai trò của Nga trong thoả thuận khoáng sản Mỹ-Ukraine

Vai trò của Nga trong thoả thuận khoáng sản Mỹ-Ukraine

(PLO)- Cả Mỹ và Ukraine đều đang rất quan tâm thỏa thuận khoáng sản, song việc thực hiện sẽ khó khả thi nếu không tính đến vai trò của Nga khi gần 40% lượng khoáng sản nằm ở các vùng đất phía đông đã được Nga sáp nhập và kiểm soát, hoặc nằm gần khu vực đang có giao tranh.

Sau khi Ukraine từ chối ký thoả thuận khoáng sản với Mỹ hồi giữa tháng 2, Washington được cho là đang tích cực thuyết phục và thúc giục Kiev chấp nhận một bản dự thảo mới cho thoả thuận này.

Chuyên gia Nga Sergey Poletaev – đồng sáng lập và biên tập viên của “Dự án Vatfor” có liên hệ với Hội đồng Các vấn đề quốc tế Nga (RIAC) – chỉ ra rằng lợi ích kinh tế tiềm năng là nguyên nhân trực tiếp Mỹ giục Ukraine ký thoả thuận.

Bên cạnh đó, theo ông Poletaev, thoả thuận khoáng sản còn có ý nghĩa biểu tượng đối với hình ảnh chính trị của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong vấn đề dàn xếp xung đột tại Ukraine, theo đài RT.

Nguồn khoáng sản giá trị của Ukraine đã hấp dẫn Mỹ

Ukraine đang nắm giữ trữ lượng đáng kể nhiều khoáng sản có giá trị, trong đó có titanium, lithium, than chì, nikel, manganese, uranium và các kim loại đất hiếm. Trong đó, lithium có vai trò thiết yếu trong sản xuất pin xe điện, còn ngành công nghiệp bán dẫn rất cần đất hiếm.

Bản đồ một số khoáng sản Ukraine.png
Bản đồ một số loại khoáng sản của Ukraine. Ảnh: Ukrainian Geological Survey

Theo ông Poletaev, đề xuất dùng nguồn tài nguyên khoáng sản của Ukraine để đổi lấy sự hỗ trợ quân sự từ Mỹ xuất phát từ ý tưởng của Thượng Nghị sĩ Lindsey Graham – Chủ tịch Uỷ ban Ngân sách Thượng viện Mỹ.

Ông Graham được cho là đã gợi ý cho Kiev về việc đề xuất với Nhà Trắng một thoả thuận khoáng sản để đổi lấy đảm bảo an ninh cho Ukraine vì ông biết rằng ông Trump quan tâm tới các thoả thuận có sự trao đổi lợi ích rõ ràng.

Đây cũng có thể là một đề xuất hấp dẫn trong bối cảnh Mỹ muốn giảm sự phụ thuộc vào nguồn khoáng sản, nhất là đất hiếm, vốn được nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc để nâng cao vị thế trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Bắc Kinh.

Truyền thông phương Tây thông tin rằng Tổng thống Ukraine – ông Volodymyr Zelensky đã chính thức đưa ra đề xuất trên trong cuộc gặp với ông Trump – khi đó là ứng cử viên đảng Cộng hoà – tại TP New York (Mỹ) hồi tháng 9-2024.

Ông Poletaev tin rằng chính quyền Kiev mong muốn đề xuất về khoáng sản có thể giúp họ nhận được các khoản đầu tư, công nghệ mới trong khi vẫn giữ lại được một phần đáng kể lợi ích kinh tế từ nguồn khoáng sản khai thác được và thậm chí có thể là sự hiện diện quân sự Mỹ ở Ukraine.

Chính quyền Tổng thống Trump đã xem xét đề xuất của ông Zelensky và đưa ra dự thảo thoả thuận đòi hỏi 50% lượng khoáng sản quan trọng của Ukraine. Mỹ coi đây là khoản bồi hoàn cho những gì mà Washington đã viện trợ cho Kiev trong gần 3 năm qua. Ukraine từ chối một thoả thuận như vậy vì cho rằng nó thiếu các điều khoản về đảm bảo an ninh trong tương lai cho Kiev.

Thoả thuận quan trọng với ông Trump, và cả ông Zelensky

Theo ông Poletaev, Tổng thống Trump vẫn rất kiên quyết với thoả thuận khoáng sản với Ukraine bởi vì một khi Kiev chấp thuận đây sẽ là một “một thắng lợi chính trị” để tiếp tục thu hút sự ủng hộ của cử tri.

Ông Poletaev tin rằng ông Trump có thể diễn giải “thắng lợi chính trị” này bằng cách lập luận rằng thoả thuận khoáng sản có nghĩa là các viện trợ quân sự không còn là sự cho đi một chiều, mà là giao dịch có lợi cho Mỹ.

Ngoài ra, ông Poletaev cho rằng việc đề nghị Ukraine ký một thoả thuận khoáng sản theo dự thảo của Mỹ cũng là một phép thử của Tổng thống Trump để đoán định cách và mức độ phản ứng của ông Zelensky trước các đề xuất trong tương lai của Nhà Trắng.

Tuy nhiên, việc chấp nhận hay từ chối một thoả thuận như vậy có thể định đoạt số phận chính trị của ông Zelensky. Ông Poletaev lập luận rằng một thoả thuận như truyền thông mô tả có thể khiến nhiều người coi nhà lãnh đạo hiện tại của Ukraine đã phản bội lợi ích đất nước, còn nếu từ chối đề nghị của ông Trump, Kiev có thể không còn nguồn viện trợ quân sự quan trọng nhất.

Chuyên gia này cho rằng “dù chọn cách nào, nhà lãnh đạo Ukraine cũng thấy mình bị mắc kẹt trong một tình huống không thể thắng” vì ông Zelensky không còn có thể kiểm soát cuộc chơi nữa.

Thoả thuận không khả thi nếu bỏ qua vai trò của Nga

Ông Poletaev đã chỉ ra một vấn đề lớn trong thoả thuận khoáng sản Mỹ-Ukraine, đó là việc gần 40% số khoáng sản trên nằm ở các vùng đất phía đông đã được Nga sáp nhập và kiểm soát, hoặc nằm gần khu vực đang có giao tranh trên bộ. Điều này khiến mọi nỗ lực khai thác khoáng sản, nhất là khi liên quan tới các nước phương Tây, chắc chắn trở nên rất phức tạp.

“Ngay cả khi Ukraine sau cùng cũng ký một thỏa thuận thì ông Trump vẫn không có nhiều khả năng đạt được nhiều lợi ích từ thỏa thuận đó, ít nhất khi không có sự chấp thuận của Moscow” – ông Poletaev nhấn mạnh.

Thoả thuận khoáng sản Mỹ-Ukraine.jpg
Xe đang chuyển quặng sắt từ địa điểm khai thác gần TP Horishni Plavni, tỉnh Poltava (Ukraine). Ảnh: GETTY IMAGES

Ông Poletaev chỉ ra vấn đề đầu tiên đối với việc thực hiện một thoả thuận khoáng sản như vậy là Mỹ sẽ cần sự đảm bảo của Nga rằng các địa điểm được khai thác sẽ không trở thành mục tiêu quân sự. Chuyên gia này cho rằng điều này có thể khả thi, nhưng phải được quy định trong một thoả thuận lớn hơn giữa Washington và Moscow.

Ông Poletaev cũng cho rằng Nga “sẽ không bao giờ chấp nhận” việc quân đội hoặc các nhà thầu quân sự Mỹ tham gia khai thác khoáng sản ở Ukraine – điều đã được nhắc tới trên một số phương tiện truyền thông phương Tây.

Ông Poletaev còn lưu ý tới hiệu quả kinh tế của ngành công nghiệp đất hiếm – vốn có biên lợi nhuận thấp và đòi hỏi quy mô khai thác lớn để đảm bảo có lãi. Ông Poletaev cho rằng thực tế là nhiều mỏ đất hiếm của Ukraine đã cạn kiệt, bị chiến sự tàn phá và/hoặc nằm dưới sự kiểm soát của Nga có thể biến thoả thuận khoáng sản tiềm năng giữa Mỹ và Ukraine thành “một viễn cảnh không thực tế”.

Ông Poletaev nhắc lại rằng năm 2017, chính ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình tại Nhà Trắng đã đề xuất cho Mỹ khai thác đất hiếm ở Afghanistan – nơi nguồn khoáng sản này có giá trị ước tính lên tới hơn 1.000 tỉ USD. Trên thực tế, ngay cả trước khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, không một công ty Mỹ nào khai thác được mẩu đất hiếm nào ở quốc gia Trung Á này.

Mỹ tự tin Ukraine sẽ sớm ký thỏa thuận khoáng sản
Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Nguồn: https://plo.vn/vai-tro-cua-nga-trong-thoa-thuan-khoang-san-my-ukraine-post835707.html

PLO Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay