Cũng như mọi người, tôi dõi theo căng thẳng thuế quan những ngày qua, và cảm thấy “nhẹ nhõm” khi phía Mỹ đã quyết định hoãn áp thuế 90 ngày với hầu hết đối tác của họ, trong đó có Việt Nam.
Theo thông tin từ cuộc làm việc của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc và Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Jamieson Greer, hai bên đã nhất trí khởi động đàm phán về một thỏa thuận thương mại đối ứng, trong đó sẽ bao gồm các thỏa thuận về thuế và đề nghị các cấp kỹ thuật của hai bên tiến hành trao đổi ngay.
Với sự chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, năng lực của các nhà đàm phán và vị thế, tiềm lực của Việt Nam hiện nay, cũng như thiện chí của cả hai bên Việt – Mỹ, tôi hy vọng và tin tưởng quá trình đàm phán sắp tới sẽ đạt kết quả tốt, nói theo ngôn giữ giao thương quốc tế là hai bên cùng thắng (Win – Win).
Nhớ lại thời chúng tôi đi đàm phán Hiệp định thương mại Việt – Mỹ (BTA) kéo dài 5 năm từ 1995 đến 2000, ban đầu sự hiểu biết của các nhà đàm phán cả hai bên về nhau và về tình hình kinh tế, thương mại của nhau rất hạn chế. Mọi thứ chỉ xoay quanh quá khứ chiến tranh, còn lại là khoảng trống lớn. Chúng tôi tìm gặp các chuyên gia trong nước, quốc tế, bao gồm cả những vị từng giữ vị trí cấp cao trong chế độ Sài Gòn cũ để tham khảo kinh nghiệm, nhưng không thu được gì nhiều. Cả hai bên đoàn đàm phán đều lúng túng.

Tổng thống Mỹ Bill Clinton chủ trì họp báo tại Nhà trắng sau khi Hiệp định BTA được ký kết, tháng 7/2000 (Ảnh tư liệu).
Thời mới mở cửa, Việt Nam chưa quen với luật chơi của kinh tế thị trường toàn cầu – một sân chơi do Mỹ dẫn dắt. Muốn tham gia vào các định chế thương mại toàn cầu (lúc đó Việt Nam chưa gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO), muốn được thế giới chấp nhận vào các sân chơi mới thì mọi thứ trước hết phải qua “cửa” Mỹ. Nhưng, đàm phán mà không hiểu nhau, mọi việc trở nên bế tắc. Cuối cùng, chúng tôi nhận ra chỉ có thể tự lực. Đoàn đàm phán BTA chia nhau nghiên cứu ngày đêm, tìm hiểu tất cả mọi thứ về nước Mỹ, người Mỹ, rồi mổ xẻ từng câu, từng chữ trong tài liệu đàm phán. Qua quá trình học hỏi không ngừng, mọi thứ bắt đầu sáng tỏ. Từ chỗ mù mờ, chúng tôi đã tự tìm ra lối đi. Lúc đó tôi tự thề với bản thân “dù có chết trên bàn đàm phán cũng phải ký xong”.
Hiệp định BTA được ký kết, quan hệ thương mại Việt – Mỹ từ con số rất khiêm tốn đã nhanh chóng “bùng nổ”. Hiện Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam. Năm 2024, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 134,6 tỷ USD.
Đến nay, mọi chuyện đã rất khác, cả về vị thế đất nước và kinh nghiệm, hiểu biết về đàm phán với người Mỹ. Đặc biệt, Việt – Mỹ hiện là đối tác chiến lược toàn diện. Người Việt sang Mỹ học tập, kinh doanh, đầu tư, du lịch… ngày càng đông. Người Mỹ cũng đầu tư ngày càng nhiều vào Việt Nam. Cũng phải nói thêm là Việt Nam giờ đây làm ăn với cả thế giới, từ các đối tác lớn đến nhỏ, chứ không riêng nước nào.
Các yếu tố nêu trên, cùng với vị trí địa chính trị của Việt Nam, tôi nghĩ không chỉ người Việt mà phía Mỹ cũng hướng tới một kết quả đàm phán tích cực, một kết quả Win – Win.
Nếu có thể chia sẻ điều gì đó về bối cảnh hiện nay, tôi muốn nói rằng cách tiếp cận của người Mỹ về thương mại toàn cầu đang có những điểm khác so với thời chúng tôi đàm phán BTA. Nếu như trước đây người Mỹ chủ động dẫn dắt toàn cầu hóa và đề cao thương mại tự do, thị trường mở, thì hiện nay người Mỹ tuy vẫn khẳng định vị thế cường quốc kinh tế hàng đầu, tiếp tục kết nối với các đối tác khác thông qua đầu tư, thương mại, nhưng họ quan tâm mạnh mẽ hơn đến vấn đề cân bằng thương mại, đưa đầu tư và sản xuất trở lại nước Mỹ.
Ở đây thuế quan chỉ là công cụ được sử dụng để hướng tới các mục đích này. Nói cách khác, khi đã xác định được cái đích rồi thì các bên có thể sử dụng nhiều công cụ để tiếp cận nhau, chứ không phải chỉ một công cụ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc và đại diện Thương mại Hoa Kỳ Jamieson Greer (Ảnh: VGP).
“Biết mình, biết người”. Khi ngồi vào bàn đàm phán, cả hai bên đều hiểu biết sâu sắc về nhau thì sẽ nhanh chóng đi đến đích hơn. Dù thời cuộc đã thay đổi, một kinh nghiệm trong đàm phán với người Mỹ có lẽ vẫn còn nguyên giá trị, đó là: người Mỹ rất thẳng thắn, coi trọng thực chất. Trước đây khi ngồi vào bàn đàm phán với người Mỹ, tôi không ngại nói thẳng các vấn đề. Họ đánh giá cao sự trung thực của đoàn đàm phán Việt Nam, và cũng đáp lại bằng thái độ thẳng thắn tương tự, tạo nên sự minh bạch, cởi mở trong thảo luận.
Chẳng hạn, lúc đó (giai đoạn 1995 – 2000) khi Mỹ đề xuất Việt Nam giảm thuế nhập khẩu với danh sách yêu cầu rất dài. Chúng tôi lập luận rằng: thuế xuất nhập khẩu chiếm hơn 20% thu ngân sách Việt Nam, trong khi ở Mỹ chỉ khoảng 2%. Rõ ràng, nguồn thu ngân sách của Việt Nam phụ thuộc lớn vào thuế xuất nhập khẩu, vì các loại thuế khác như thuế thu nhập doanh nghiệp hay thuế thu nhập cá nhân, thuế tài sản… gần như không đáng kể. “Chúng tôi làm gì có tài sản để đánh thuế? Lương chỉ đủ sống, lấy đâu ra thu nhập dư mà nộp thuế thu nhập cá nhân? Số lượng doanh nghiệp thì rất khiêm tốn”, tôi nói với họ.
Lập luận này là một thực tế lúc đó, phía Mỹ phải công nhận. Sau cùng, hai bên thống nhất: Việt Nam chỉ giảm thuế cho khoảng vài trăm mặt hàng, còn lại giữ nguyên. Về sau, Việt Nam cam kết cải cách hệ thống thuế, dần đưa vào các loại thuế hiện đại như thuế thu nhập cá nhân…, để phù hợp với chuẩn mực quốc tế.
Qua tranh luận thẳng thắn, hai bên dần tìm được tiếng nói chung, dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và lợi ích thiết thực.
Theo thông tin ở thời điểm hiện nay, thời gian tạm hoãn thuế quan từ phía Mỹ là 90 ngày, nghĩa là các bên có 3 tháng để đàm phán, có thể rút ngắn tùy diễn biến thực tế.
Những “đường nét” lớn thì lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đề cập trong những ngày qua, như: Việt Nam sẵn sàng đưa mức thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ đồng thời đề nghị Hoa Kỳ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam; tiếp tục nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Hoa Kỳ mà Việt Nam có nhu cầu và khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các công ty từ Hoa Kỳ tăng cường đầu tư hơn nữa vào Việt Nam… Về cụ thể, cấp đàm phán kỹ thuật của hai bên sẽ trao đổi trên tinh thần đôi bên cùng có lợi.
Biến động thuế quan lần này là tín hiệu cho thấy thế giới đang tái cấu trúc mạnh mẽ với “lực đẩy” từ các cường quốc kinh tế, có thể định hình trật tự mới.
Việt Nam một mặt chủ động, linh hoạt ứng phó hiệu quả với diễn biến mới, mặt khác cần nỗ lực hơn nữa trong việc tăng cường nội lực của nền kinh tế; không chỉ tham gia sâu hơn, rộng hơn vào thị trường thế giới mà quan trọng là tham gia ở chuỗi giá trị cao hơn, dần thoát khỏi vai trò gia công.
Tác giả: Ông Nguyễn Đình Lương nguyên là Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA).
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!
Nguồn: https://dantri.com.vn/tam-diem/dam-phan-voi-nguoi-my-20250410222244011.htm