Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 2/4 công bố mức thuế nhập khẩu mới với hơn 180 nền kinh tế. Việt Nam nằm trong nhóm các nước bị áp thuế đối ứng cao nhất với mức 46%.
Sau diễn biến trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã trả lời câu hỏi của phóng viên về đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam. Theo đó, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp và trao đổi với phía Hoa Kỳ trên tinh thần xây dựng và hợp tác để tìm ra các giải pháp thiết thực, góp phần đưa quan hệ kinh tế song phương phát triển ổn định, bền vững, đáp ứng lợi ích của người dân và doanh nghiệp hai nước.
Chính phủ đã thành lập Tổ công tác về tăng cường hợp tác, chủ động thích ứng với điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Hoa Kỳ.
Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về vấn đề nêu trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo một số biện pháp tổng thể, hài hòa, hợp lý, hiệu quả, vừa trước mắt, vừa lâu dài với phía Hoa Kỳ, để thúc đẩy quan hệ thương mại cân bằng, bền vững, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư hai bên, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ thể liên quan…
Tối 4/4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald J.Trump về quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ. Về quan hệ thương mại song phương, hai nhà lãnh đạo cùng trao đổi các biện pháp để tiếp tục thúc đẩy việc giao thương, trong đó Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Hoa Kỳ để đưa mức thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ, đồng thời đề nghị Hoa Kỳ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, tiếp tục nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Hoa Kỳ mà Việt Nam có nhu cầu và khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các công ty từ Hoa Kỳ tăng cường đầu tư hơn nữa vào Việt Nam.
Hai nhà lãnh đạo khẳng định sẽ cùng trao đổi để sớm ký một thỏa thuận song phương giữa hai nước để cụ thể hóa những cam kết trên…
Có thể nói chính sách thuế quan mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump đang gửi đi một thông điệp rất rõ ràng: họ muốn giảm mức thâm hụt thương mại giữa các nền kinh tế khác với Hoa Kỳ. Do vậy có thể dự báo thời gian tới, đây sẽ là một trong những vấn đề đầu tiên phía Hoa Kỳ đặt lên bàn đàm phán với các nước.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump công bố chính sách thuế mới tại sự kiện ở Vườn hồng, bên trong Nhà Trắng ngày 2/4 (Ảnh: Reuters).
Chúng ta khẳng định rằng Việt Nam và Hoa Kỳ là hai nền kinh tế mang tính chất bổ trợ, cơ cấu xuất khẩu và ngoại thương của hai nước không cạnh tranh trực tiếp mà có sự bổ sung cho nhau, phù hợp với nhu cầu nội tại của mỗi nước. Hàng hóa Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ chủ yếu là cạnh tranh với các nước thứ ba, không cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Hoa Kỳ trên thị trường Hoa Kỳ. Ngược lại, hàng hóa Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ còn tạo điều kiện để người tiêu dùng của Hoa Kỳ được sử dụng hàng hóa giá rẻ.
Tuy nhiên, cách tiếp cận của phía Hoa Kỳ với thông điệp như nêu trên, trước mắt phương án tăng nhập khẩu từ Hoa Kỳ cần được tính tới. Với phương án này, chúng ta phải tăng cường nhập khẩu một cách rất thông minh, chú trọng vào những mặt hàng, dịch vụ mà nền kinh tế thực sự cần và phục vụ cho quá trình chuyển dịch của nền kinh tế sang mô hình dựa nhiều hơn vào công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Như vậy, Việt Nam có thể tăng cường nhập khẩu những hàng hóa công nghệ cao và công nghệ cao từ Hoa Kỳ. Điều này không đơn thuần chỉ ở góc độ chính sách thương mại mà còn phục vụ nhiều mục đích khác. Khi chúng ta nhập được nhiều công nghệ cao từ Hoa Kỳ, một mặt giúp giảm thâm hụt thương mại xuống, mặt khác còn phục vụ cho quá trình hấp thụ công nghệ, phổ biến công nghệ và đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu của nền kinh tế.
Tiếp theo, chúng ta sẽ phải tìm cách đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ, tìm cách để chuyển hướng sang những thị trường khác. Điều này không phải dễ dàng nhưng là hướng cần phải làm.
Trong ngắn hạn, chúng ta vẫn phải trông chờ vào thị trường truyền thống có sức mua lớn như Trung Quốc, ASEAN, EU, Nhật Bản và một số thị trường khác mà gần đây chúng ta đã gia tăng quan hệ thương mại, đơn cử như Canada, nhằm bù đắp một phần nào đó khó khăn trong ngắn hạn. Về lâu dài, còn có nhiều thị trường như ở châu Phi hay các thị trường mới nổi khác. Nhưng điều quan trọng vẫn là nâng cao được sức mạnh nội tại, năng lực của tiêu dùng của thị trường trong nước. Cần chú trọng hơn nữa việc thúc đẩy thị trường nội địa, nâng cao vai trò của thị trường nội địa như một trụ cột của tăng trưởng.
Những ngành đang có kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ lớn sẽ chịu ảnh hưởng mạnh nhất, đặc biệt là trong các lĩnh vực dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ nội thất và một số mặt hàng nông lâm, thủy sản… Đây sẽ là những ngành trực tiếp chịu tác động bởi mức thuế suất mới. Khi bị đánh thuế cao hơn thì chi phí khi xuất khẩu vào Hoa Kỳ cũng cao hơn.
Lưu ý rằng, không phải mọi mặt hàng, lĩnh vực đều chịu tác động bởi sắc thuế trên. Việc đánh thuế của chính quyền Tổng thống Trump có loại trừ một số ngành chẳng hạn như ngành đầu tư vào bán dẫn, và một số ngành khác. Đây là những lĩnh vực mà chúng ta có thể tập trung thu hút đầu tư vào trong thời gian tới.
Tuy nhiên, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian tới khó tránh khỏi sẽ bị ảnh hưởng do các nhà đầu tư khả năng sẽ cân nhắc về các bài toán kinh doanh nhằm tối ưu hóa lợi ích. Chính sách thu hút đầu tư theo đó, cần thay đổi theo hướng tập trung vào những ngành nghề không bị ảnh hưởng bởi các sắc thuế này.
Điều quan trọng nhất là chúng ta cần củng cố mạnh mẽ các lợi thế so sánh và tuyệt đối của nền kinh tế như sự ổn định về chính trị, kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh cải cách nhằm giảm chi phí kinh doanh, chi phí hậu cần, chi phí tuân thủ pháp luật, nâng cao chất lượng về thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.
Dù sắc thuế nào, dù các biện pháp để đưa vốn đầu tư trở về nhà được thực hiện ra sao của chính quyền Tổng thống Trump, nhu cầu đa dạng hóa các địa điểm đầu tư, xây dựng các chuỗi cung ứng an toàn trên toàn cầu vẫn luôn có. Luồng vốn đầu tư vẫn chảy không ngừng tới các nền kinh tế ngoài Hoa Kỳ mà đảm bảo được các yếu tố an toàn, khả năng sinh lời và tận dụng được các lợi thế tuyệt đối và so sánh của các nền kinh tế đó. Giữ vững được các lợi thế so sánh và tuyệt đối của môi trường đầu tư, Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến đáng tin cậy của các nguồn vốn đầu tư quốc tế mặc dù những khó khăn trong ngắn hạn mà sắc thuế này gây ra.
Việc áp mức thuế rất cao và đột ngột này cũng nhắc nhở chúng ta về một rủi ro khi phụ thuộc quá lớn vào một thị trường và cũng cho chúng ta thấy một cơ hội để định hình lại nền kinh tế, cảm nhận thêm áp lực để đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, chú trọng hơn nữa các động lực tăng trưởng khác trong tổng cầu như tiêu dùng trong nước và đầu tư tư nhân, xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường song song với quá trình hội nhập sâu, rộng quốc tế.
Việc Hoa Kỳ áp thuế cao với hàng hóa nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, về lâu dài có thể sẽ ảnh hưởng đáng kể lên lãi suất và tỷ giá. Trong nước, nếu mức thuế quan cao đột ngột bị áp dụng thì có thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hàng chục nghìn doanh nghiệp, hộ kinh doanh, nhà cung ứng, thông qua đó, ảnh hưởng đến rất nhiều người lao động. Cơ quan điều hành cần theo dõi sát những diễn biến và tìm cách khắc phục, giảm thiệt hại và rủi ro mà các sắc thuế này gây ra.
“Trong nguy có cơ”, với sự chủ động và linh hoạt, hy vọng là chúng ta sẽ có đối sách phù hợp, như Thủ tướng nêu: coi đây là cơ hội cơ cấu lại nền kinh tế; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; thúc đẩy mở rộng thị trường, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; thúc đẩy nội địa hóa; thúc đẩy khai thác thị trường, tài nguyên trong nước.
Tác giả: TS Lê Duy Bình là Giám đốc Economica Việt Nam. Ông được biết đến là chuyên gia kinh tế – tài chính thường xuyên có các nghiên cứu chuyên sâu về chuyển biến của nền kinh tế trong và ngoài nước, các động lực tăng trưởng, hiệu quả của các chính sách tài khóa – tiền tệ, kinh tế số, thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và quản trị công. Ông cũng đóng góp nhiều kiến giải cho Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa, Luật Lao động, Luật Thủ đô (sửa đổi).
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!
Nguồn: https://dantri.com.vn/tam-diem/thich-ung-linh-hoat-hieu-qua-voi-thue-quan-moi-tu-hoa-ky-20250405082615682.htm