Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang được khẩn trương tiến hành trong cả nước. Thiết nghĩ, đây cũng là cơ hội để bộ máy quản lý điều hành đất nước sau khi tinh gọn thực sự trong sạch, vững mạnh, đủ sức gánh vác trọng trách đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới. Quá trình ấy không thể tách rời cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực – một trận chiến nhiều cam go, nhưng lại rất hiệu quả trong việc thanh lọc ra khỏi hàng ngũ lãnh đạo các phần tử thoái hóa, biến chất.
Thời gian gần đây dư luận quan tâm đến kết luận điều tra vụ đại án xảy ra ở Tập đoàn Phúc Sơn. Trong số 41 bị can của vụ án, có đến 5 cựu Bí thư Tỉnh ủy, nhiều cựu Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo sở ngành các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ngãi… Các bị can bị đề nghị truy tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn, nhận hối lộ hơn 132 tỷ đồng, gây thiệt hại nặng nề cho nhà nước.

Bà Hoàng Thị Thúy Lan (cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc) (Ảnh: V.P.).
Điểm lại các vụ án tham nhũng được đưa ra ánh sáng mấy năm qua, chưa vụ án nào mà số quan chức đầu tỉnh bị tiền bạc “đánh gục” nhiều như vậy. Điều đó cho thấy, tham nhũng không còn là hành vi riêng lẻ của số ít cá nhân, mà nó đã thực sự là hành vi của một bộ phận cán bộ mang tính “nhóm lợi ích”, có sự cấu kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với nhiều cán bộ từ sở ngành chuyên môn đến lãnh đạo chủ chốt cấp ủy, chính quyền – nhất là những cán bộ nắm “quyền sinh quyền sát” ở địa phương.
Chỉ cần giơ 1 ngón tay trỏ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan đã được bị can Nguyễn Văn Hậu (thường gọi là Hậu Pháo) chở 1 triệu đô la Mỹ đến đưa tận nhà. Đó là điển hình về sự câu kết giữa doanh nghiệp với quan chức. Những cái nháy mắt, những ngón tay trị giá triệu đô là có thật.
Không cần nhiều mưu mô, chỉ cần tiền và rất nhiều tiền, một chủ doanh nghiệp tư nhân đã có thể đánh gục hàng chục cán bộ lãnh đạo các địa phương để được trúng thầu với giá có lợi nhất cho mình và phe nhóm rồi chia nhau. Quan chức được một thì doanh nghiệp được mười, được trăm. Chỉ có đất đai, tiền bạc của nước, của dân là bị bòn rút.
Vụ án đang dần đến hồi kết cuộc. Kẻ đưa, người nhận hối lộ đã bị bắt và chờ ngày xét xử. Nhưng đâu chỉ vụ Phúc Sơn, nhiều vụ án khác liên quan đến cán bộ quản lý ở địa phương cũng sắp đến ngày xét xử.
Cả nước đang tất bật với việc sắp xếp tinh gọn bộ máy. Vài ba tháng tới sẽ là thời gian quyết định chuyện sáp nhập tỉnh thành, bỏ cấp huyện, nhập xã để bộ máy “Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả”. Có thể hình dung chuyện cán bộ ai đi ai ở là một bài toán phải cân nhắc kỹ càng. Làm sao để bộ máy mới thực sự tinh gọn và trong sạch! Làm sao để không còn những “ngón tay triệu đô” lũng đoạn đất nước.
Tinh gọn bộ máy là để dành nguồn lực cho phát triển đất nước. Nhưng nếu không loại hết những “con sâu” ra khỏi bộ máy thì mục tiêu cao cả đó sẽ bị ảnh hưởng.
Giờ là lúc những cái được và chưa được trong công tác cán bộ của nhiệm kỳ trước phải được mổ xẻ, rút kinh nghiệm sâu sắc. Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần chỉ đạo: Chống tham nhũng, tiêu cực phải gắn với việc tổ chức tốt đại hội Đảng các cấp và Đại hội lần thứ XIV của Đảng; không để lọt vào cấp ủy những trường hợp tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm kỷ luật của Đảng, vi phạm pháp luật…
Ngoài yêu cầu cán bộ phải có tài cao, đức sáng, thì công tác giới thiệu, tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ phải thực sự chặt chẽ, khách quan, công khai. Đặc biệt là công tác kiểm tra giám sát phải được tiến hành thường xuyên, thực chất hơn nữa.
Chúng ta không thể để tái diễn những vụ Phúc Sơn ở Vĩnh Phúc, khiến người dân bất bình và đặt câu hỏi: Vì sao một số cán bộ đi đâu cũng thao thao bất tuyệt về phòng chống tham nhũng, rao giảng đạo đức và răn dạy người ta tiết tháo làm người, nhưng lại sẵn sàng cầm tiền dưới gầm bàn!
Phải chặt đứt những “ngón tay triệu đô” để bộ máy điều hành ở các địa phương và trên cả nước sau tinh gọn thực sự trong sạch, vững mạnh. Người cán bộ lãnh đạo, nhất là những lãnh đạo chủ chốt phải thực sự là tấm gương sáng về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; thấm nhuần lý tưởng phục vụ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng răn dạy, để luôn xứng đáng là công bộc của dân; tận tụy phục vụ nhân dân và biết giữ mình trong sạch để giữ gìn thanh danh cho mình và cho Đảng.
Tác giả: Ông Nguyễn Vân Thiêng là nhà báo với hơn 30 năm trong nghề, hiện công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!
Nguồn: https://dantri.com.vn/tam-diem/phai-chat-dut-nhung-ngon-tay-trieu-do-20250331073302004.htm