Hôm nay (2-11) là ngày thứ hai Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam mở cửa đón khách tham quan. Do trùng vào ngày cuối tuần nên dòng người đổ về nơi này đông đúc từ sáng.
Đi từ rạng sáng, vượt hàng trăm km tới thủ đô
Gần 7h, nhiều người trẻ từ các tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa và cả những người dân của thủ đô Hà Nội đã có mặt tại khu vực Km6 đại lộ Thăng Long để chờ bảo tàng mở cửa.
Lo đông đúc, Lê Minh Hào (23 tuổi) cho hay anh cùng nhóm bạn lên chuyến xe lúc 4h30 từ Hạ Long (Quảng Ninh), với hy vọng là những nhóm khách đầu tiên được vào tham quan.
“Mình có xem các bạn chia sẻ trên mạng xã hội vào chiều qua rất đông người đã tới đây. Sáng nay bọn mình quyết tâm đi từ rất sớm, hy vọng có thể tham quan trọn vẹn những khu vực đã mở cửa tham quan”, Hào nói.
Trong khi đó, Bảo Quyên (22 tuổi, từ TP.HCM) cho biết cô cảm thấy may mắn vì có chuyến du lịch tới Hà Nội đúng thời điểm bảo tàng mở cửa đón khách. Trời Hà Nội hanh hao nắng vàng của những ngày đầu đông, vừa bước qua cổng chính, nữ du khách nói cô cảm thấy “choáng ngợp” vì không gian rất rộng của nơi này với nền trời thủ đô xanh thẳm.
“Trong suy nghĩ của mình, Hà Nội là những góc phố xưa cũ, bình lặng. Nhưng trên quãng đường từ khách sạn (quận Hoàn Kiếm) tới nơi này, mình bất ngờ vì hạ tầng hiện đại của Hà Nội, rất nhiều công trình hiện đại và con đường rộng rãi đã được xây dựng”, Quyên nói.
Tới gần trưa, dòng người đổ về Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam có lúc kéo dài hàng km. Lực lượng phục vụ căng mình phân luồng, hướng dẫn người dân vào các bãi giữ xe. Đồng thời họ cũng liên tục nhắc nhở khách tham quan không xâm phạm, trèo, đứng lên các hiện vật.
Lúc 9h30, dòng người kéo dài hàng km chờ đợi vào Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam – Ảnh: HỒNG QUANG
Ở phía trong, không gian rộng rãi khiến việc tham quan, đi lại của người dân rất thuận lợi – Ảnh: HỒNG QUANG
Các hiện vật trưng bày ngoài trời thu hút người trẻ quan sát, tìm hiểu – Ảnh: HỒNG QUANG
“Tôi tự hào khi thấy bóng hình cha ông nghìn năm dựng và giữ nước”
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam là một trong sáu bảo tàng quốc gia và là bảo tàng đứng đầu hệ thống các bảo tàng trong quân đội. Công trình có diện tích 38,6ha và là nơi lưu giữ, trưng bày hơn 150.000 hiện vật.
Trong số này có bốn bảo vật quốc gia, gồm hai máy bay MIG-21 số hiệu 4324, 5121, xe tăng T54B số hiệu 843 và bản đồ quyết tâm chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Phía trong bảo tàng chia thành các khu vực trưng bày tương ứng với từng thời kỳ lịch sử của dân tộc.
Nguyễn Hồng Định (19 tuổi, ở Thanh Hóa) chăm chú ngắm nhìn những hiện vật được trưng bày ngoài trời. Trong cảm tưởng cho nam thanh niên 19 tuổi, từng mảnh vỡ trên chiếc máy bay B52 bị bắn rơi được đánh đổi bằng xương máu cha anh đã nằm xuống.
Bước qua từng gian trưng bày, Định nói vừa xúc động lại thêm tự hào về dân tộc: “Suốt chiều dài phong kiến tới những đợt kháng chiến gian khổ, tôi tự hào khi thấy bóng hình cha ông nghìn năm dựng và giữ nước”.
Các khu tham quan ứng dụng nhiều công nghệ mới, giúp người trẻ thích thú khi có thể tương tác, tìm hiểu thông tin – Ảnh: HỒNG QUANG
Còn đối với Dương Trang (26 tuổi, ở Hải Dương), để có thể được ngắm nhìn những hiện vật lịch sử này là may mắn lớn. Sáng 2-11, Trang cùng bốn người bạn vượt hàng chục km từ quê nhà lên Hà Nội. Sau đó họ xếp hàng chờ gần 30 phút để vào gửi xe do lượng du khách đông đúc. Tuy nhiên cô gái cho rằng đó chỉ là những trở ngại nho nhỏ, trước khi được chứng kiến những giá trị lớn lao.
“Tôi nhất định sẽ quay lại khi bảo tàng hoàn thiện toàn bộ” Trang chia sẻ.
Dự kiến Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam sẽ mở cửa hết ngày 2-11, sau đó tạm đóng cửa, dừng đón khách trong vòng ba ngày, từ ngày 3 đến hết 5-11 để phục vụ công tác tuyên truyền 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Nguồn: https://tuoitre.vn/tham-quan-bao-tang-lich-su-quan-su-viet-nam-nguoi-tre-tu-hao-vi-nghin-nam-giu-nuoc-20241102132213283.htm