Chưa khi nào số lượng liên hoan phim nhiều như thế. Có thời điểm nhiều liên hoan phim được tổ chức cùng lúc hoặc gần nhau.
Đa số các sự kiện đều phát vé miễn phí, nếu có thu cũng chỉ là một giá vé tượng trưng. Khán giả mê phim chạy sô mệt nghỉ.
Khán giả mê phim chạy sô quanh năm
Kéo dài năm ngày nhưng lịch sự kiện của HANIFF VII dày đặc với các hoạt động từ chiếu phim, giao lưu, hội thảo, triển lãm tới chợ dự án phim.
Ngoài những phim dự thi, nếu lỡ chưa xem các phim điện ảnh trong nước thời gian qua, khán giả có thể thỏa sức xem 21 phim truyện miễn phí tại HANIFF với chương trình Phim Việt Nam đương đại. Khán giả nhí, khán giả của phim tài liệu cũng đều có những lựa chọn riêng phù hợp với họ ở đây.
Cùng thời điểm HANIFF VII là Liên hoan phim Nhật Bản ở Việt Nam diễn ra từ ngày 1-11 đến 28-12 tại bốn TP gồm Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và TP.HCM.
Ban tổ chức năm nay chơi lớn khi mang một trong những phim Godzilla hay nhất, Godzilla Minus One – từng giành giải Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất tại Oscar 96, hiện tượng thương mại lẫn phê bình – lần đầu chiếu trên màn ảnh rộng Việt Nam. Trong khuôn khổ sự kiện còn chiếu bản Godzilla đầu tiên được sản xuất năm 1954.
Ngay sau HANIFF là Liên hoan phim châu Âu lần thứ 23 tại Việt Nam, diễn ra trong hai tuần (từ ngày 14 đến 28-11) ở Hà Nội và TP.HCM. Khán giả được “chiêu đãi” 18 tác phẩm điện ảnh mới của châu Âu, trong đó có những phim được gửi đi tranh giải Oscar như Cô bé trầm lặng (Ireland), Sân chơi (Bỉ)…
Các bộ phim khám phá các chủ đề đa dạng văn hóa, gia đình, có cả phim tiểu sử hoặc lấy chất liệu từ lịch sử, phim hài kịch, GTBT+ với bối cảnh trải dài từ TP cổ tích đến xã hội đương đại…
Trước đó có Liên hoan phim Ý 2024, Liên hoan phim Đức: KinoFest 2024, Liên hoan phim tài liệu về phát triển bền vững “Lên tiếng cho mai sau”, Liên hoan phim tài liệu châu Âu – Việt Nam, Salon điện ảnh Đài Loan 2024…
Trong khi đó dù mùa hè sang năm mới diễn ra chính thức nhưng Liên hoan phim châu Á – Đà Nẵng (DANAFF) đã rục rịch khởi động.
Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam và UBND TP Đà Nẵng vừa qua đã ký biên bản ghi nhớ khẳng định sự hợp tác tổ chức giữa giai đoạn 2025 – 2030, để xây dựng thương hiệu DANAFF trở thành một sự kiện điện ảnh uy tín ở châu Á và thế giới. DANAFF III dự kiến diễn ra từ ngày 29-6 tới 5-7-2025 tại TP Đà Nẵng.
Năm sau ngoài DANAFF còn có hai liên hoan phim đáng chú ý là Liên hoan phim quốc tế TP.HCM lần thứ 2 (HIFF) và Liên hoan phim Việt Nam cùng hàng loạt liên hoan phim khác đang xếp lịch…
Vấn đề không hẳn là lượng
Ông Vi Kiến Thành, cục trưởng Cục Điện ảnh, chia sẻ với Tuổi Trẻ hiện Việt Nam có bốn liên hoan phim quốc tế gồm HANIFF, DANAFF, HIFF và Liên hoan phim tài liệu châu Âu – Việt Nam, chưa kể liên hoan phim trong nước và các liên hoan phim do các đại sứ quán, phái đoàn tổ chức.
Ông Thành đánh giá “bức tranh toàn cảnh đó cho thấy sự phát triển cũng như độ hội nhập của điện ảnh Việt Nam với điện ảnh thế giới và số lượng như thế là vừa với sự phát triển”.
Theo đại diện Cục Điện ảnh, trước hết những liên hoan phim đã tạo ra một nguồn năng lượng và sự vận động tích cực đối với điện ảnh Việt Nam. Những người làm phim có cơ hội giao lưu, trao đổi, cọ xát với các nhà làm phim quốc tế.
Bên cạnh phim nội địa, khán giả còn được thưởng thức những tác phẩm điện ảnh đáng chú ý của quốc tế với đủ đề tài, phong cách…
“Vấn đề bây giờ là nâng cấp chất lượng của những liên hoan phim quốc tế do Việt Nam tổ chức”, đạo diễn Phan Đăng Di từng nói trong khuôn khổ DANAFF II hồi tháng 7 năm nay.
Có cả một bàn tròn được tổ chức có tên “Chia sẻ kinh nghiệm kết nối các liên hoan phim bờ biển, cơ hội cho TP Đà Nẵng và DANAFF”, trong đó nội dung quan trọng nhất là bàn cách biến DANAFF thành “Busan thứ hai”.
Ở Việt Nam có tình trạng danh sách phim Việt tham gia gần như “copy – dán” từ liên hoan phim này tới liên hoan phim khác, thiếu hẳn sự đa dạng. Điều này bắt nguồn từ việc điện ảnh Việt Nam vẫn là một nền điện ảnh nhỏ, số lượng phim nội địa sản xuất trong năm khá khiêm tốn.
Chẳng hạn ở HANIFF VII, Việt Nam chỉ có một phim truyện dài duy nhất là Ngày xưa có một chuyện tình của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh tranh giải. Ban tổ chức dù rất muốn hơn nhưng cũng lực bất tòng tâm vì không có phim phù hợp.
Dù tình hình khả quan nhưng làm sao nâng chất từ lượng vẫn là một câu hỏi cần bàn nếu xem liên hoan phim là một trong những nội dung kích cầu nền điện ảnh, thu hút khách du lịch, xây dựng thương hiệu điểm đến.
Vậy bao nhiêu liên hoan phim mới đủ?
Phát biểu tại cuộc trò chuyện “Liên hoan phim quốc tế – Quá trình tổ chức và câu chuyện hậu trường” vào năm ngoái, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho rằng trên thế giới có khoảng 10.000 liên hoan phim lớn nhỏ.
“Vấn đề không phải là Việt Nam có bao nhiêu liên hoan phim mà cách vận hành như thế nào, có hiệu quả không và chúng ta phải có phim tốt để tham dự”, chị nói.
Nguồn: https://tuoitre.vn/quanh-nam-nhon-nhip-viet-nam-chua-khi-nao-nhieu-lien-hoan-phim-den-the-20241105084249361.htm