Những ngày qua, mạng xã hội lan truyền clip về việc gia đình một người bệnh đội khăn tang đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM yêu cầu được gặp lãnh đạo bệnh viện. Clip chạy tiêu đề nội dung “Bệnh viện nhận chữa 29 ngày với chi phí 1 tỉ 48 triệu đồng. Người bệnh chết 5 ngày không giao lại đòi thêm 30 triệu”.
Clip nhanh chóng thu hút sự quan tâm của cư dân mạng. Đến trưa 15-2, clip thu hút hơn 5,4 ngàn bình luận với 7,9 ngàn lượt chia sẻ và hơn 2 triệu lượt xem. Nhiều bình luận cho rằng bệnh viện không đúng, không nhân đạo và gay gắt lên án.
Về sự việc này, phóng viên Báo Người Lao Động đã phỏng vấn độc quyền PGS TS BS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM và GS TS BS Trương Quang Bình – Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM để bạn đọc hiểu đa chiều vấn đề.
Bác sĩ nói về tình trạng bệnh nhân khi nhập viện
*Thưa GSTS BS Trương Quang Bình, ông có thể thông tin tổng thể về tình trạng người bệnh khi cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM?
Người bệnh Huỳnh Văn L. (SN 1953, quê Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) được đưa đến bệnh viện ngày 29-12-2021 trong tình trạng nhồi máu cơ tim cấp, dọa phù phổi cấp, dọa choáng tim (Killip III). Người bệnh có nhiều bệnh nền: viêm phổi cộng đồng, tăng huyết áp, hội chứng tăng sinh tủy đang điều trị Hydroxyurea, nhồi máu não cũ di chứng liệt tay chân trái, đái tháo đường đang điều trị insulin.
Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, nơi gia đình quay clip đưa lên mạng. Ảnh: PHẠM DŨNG
Bệnh nhân được chuyển vào bệnh viện trong tình trạng khá nặng, bên cạnh bệnh cảnh nhồi máu cơ tim cấp rất nguy hiểm thì bệnh nhân còn bị bệnh thận mạn giai đoạn 4 (giai đoạn 5 là giai đoạn cuối), tổn thương mạch máu thận, nhồi máu não cũ. Tình trạng người bệnh rất nặng, sức đề kháng giảm, đang dùng thuốc vận mạch để duy trì huyết áp. Bệnh lý nhồi máu cơ tim của bệnh nhân là nặng và trên nền có tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể thì tỉ lệ tử vong trong bệnh cảnh nhồi máu cơ tim là từ 40% đến 45%.
Khoa tim mạch can thiệp đã tiếp nhận bệnh nhân và tiến hành chụp động mạch vành tim. Kết quả chụp động mạch vành tim cho thấy bị bệnh thân chung và và nhiều nhánh động mạch vành bị hẹp, đặc biệt có một nhánh lớn bị tắc hoàn toàn.
Ngày hôm sau hội chẩn ngay với khoa Phẫu thuật tim mạch người lớn. Đánh giá là có nguy cơ tử vong cao với tỉ lệ 43%(theo thang điểm đánh giá nguy cơ trước cuộc mổ EURO Score). Với đánh giá như vậy, phẫu thuật viên đã giải thích với người nhà để lựa chọn các phương pháp điều trị cũng như chi phí điều trị, chi phí khi người bệnh trở nặng. Nếu không phẫu thuật thì tiên lượng tử vong gần.
*Thưa GSTS BS Trương Quang Bình, sau khi bệnh viện giải thích thì gia đình có đồng ý phương án điều trị của bác sĩ?
Gia đình đã đồng ý để tiến hành phẫu thuật. Người bệnh được phẫu thuật bắc hai cầu nối; cuộc phẫu thuật diễn ra theo kế hoạch và người bệnh ổn. Sau đó đưa vào phòng hậu phẫu, hồi sức sau khi mổ tim và tiến hành lọc máu liên tục.Tại đây có lúc người bệnh khá lên nhưng không may người bệnh nhiễm khuẩn hô hấp nặng khiến tình trạng tim nặng.
Người bệnh tiếp tục được điều trị bằng những loại kháng sinh mạnh. Người bệnh cần hồi sức kéo dài, với các phương tiện hồi sức cao dẫn đến tốn kém nhiều chi phí.
*Sau khi người bệnh trở nặng, phương án điều trị của bệnh viện có như lúc đầu không, thưa GSTS BS Trương Quang Bình?
Với đánh giá là tình trạng tim mạch đã tạm ổn và vấn đề chính của người bệnh tại thời điểm đó là nhiễm khuẩn, nhiễm nấm, suy thận nên chúng tôi đã chuyển bệnh nhân vào khoa hồi sức tích cực để điều trị và bệnh viện đã giải thích cặn kẽ, rõ ràng cho gia đình. Khi chuyển sang khoa Hồi sức tích cực thì có lúc bệnh nhân khá hơn nhưng lại bị suy sụp trở lại do bệnh nhân có nhiều bệnh nền xấu. Bệnh viện đã báo cho gia đình và gia đình mong muốn đưa bệnh nhân về vào ngày 26-1-2022.
Gia đình đội tang đến bệnh viện
*Vì sao khi gia đình đưa về thì thấy hai mắt người bệnh bị dán băng keo?
Do bệnh nhân thở máy nên chúng tôi cho bệnh nhân sử dụng thuốc mê để giúp bệnh nhân ngủ sâu hơn, không chống máy thở.
Trong lúc mê thì bệnh nhân không nhắm mắt, không chớp mắt. Nếu bệnh nhân không chớp mắt và không nhắm mắt thì giác mạc sẽ bị khô và tổn thương giác mạc.
Để tránh tổn thương giác mạch cho những bệnh nhân mê thì các bác sĩ dán băng keo trên mí mắt để khép mí mắt lại. Việc dán băng kêo trên mi mắt là một biện pháp phòng ngừa, bảo vệ mắt.
Bác sĩ giải thích vì sao bệnh nhân bị dán hai mắt
*Về vấn đề cơ thể người bệnh bị phù khi gia đình chuẩn bị đưa về, GSTS BS Trương Quang Bình có thể giải thích rõ hơn?
Hồ sơ bệnh án thể hiện khi người nhà nhận bệnh nhân thì tim bệnh nhân vẫn còn đập. Bệnh nhân có được chạy thận để rút bớt dịch dư thừa trong cơ thể.
Tuy nhiên, việc rút nước ra qua chạy thận gặp nhiều khó khăn do tình trạng tim mạch không được tốt lắm, tình trạng huyết áp không ổn định, tình trạng dùng các thuốc vận mạch nên hiệu quả lọc thận không cao.
Thêm nữa, bệnh nhân vẫn phải được truyền dịch dinh dưỡng, truyền các loại thuốc kháng sinh, kháng nấm cho nên tình trạng dư dịch trong cơ thể là khá nhiều.
Tình trạng chạy thận ít hiệu quả, tình trạng cần truyền dịch, tình trạng dinh dưỡng kém đã tạo nên hiện tượng phù nhiều.
Do đó, khi khoa Hồi sức tích cực di chuyển người bệnh ra thì người nhà thấy bệnh nhân phù, mắt bị dán nên người nhà đặt nghi vấn bệnh nhân đã mất 5 ngày trước đó.
Không thể nói là bệnh nhân tử vong từ nhiều ngày trước vì chúng tôi khẳng định rằng dù bệnh nhân mê, dù bệnh nhân phù nhiều, dù bệnh nhân được dán kín mắt nhưng tim vẫn còn đập, trên người bệnh nhân không sử dụng máy tạo nhịp, đây là sự hiểu lầm của gia đình.
Chúng tôi thấu hiểu sự hiểu lầm của gia đình vì thân nhân không phải trong ngành y để biết được những chi tiết chuyên sâu của bệnh.
Trước thời kỳ COVID chúng tôi mỗi ngày cho người nhà thăm bệnh nhưng hiện nay không cho thăm bệnh mà chỉ sử dụng video call. Do không được thăm bệnh nên người nhà không nhìn thấy được người bệnh 3 ngày trước như thế nào.
*Với số tiền 1 tỉ 48 triệu đồng cho 29 ngày điều trị, cư dân mạng cho rằng quá cao, GSTS BS Trương Quang Bình có thể cho biết thêm vì sao chi phí lên hơn 1 tỉ đồng?
Về chi phí: tổng cộng là 1 tỉ 48 triệu đồng được thanh toán 7 lần, người bệnh được bảo hiểm y tế chi trả 556 triệu đồng và số còn lại gia đình chi trả. Gia đình thanh toán đầy đủ và yêu cầu cuối cùng vào chiều 25-1 được thể hiện thông tin lưu trên phần mềm của bệnh viện.
*Về việc có thông tin cho rằng bệnh viện yêu cầu đóng 30 triệu mới cho nhận xác, thông tin này cụ thể ra sao?
Số tiền 30 triệu đồng nằm trong chi phí điều trị của 1 tỉ 48 triệu đồng và có được bảo hiểm y tế chi trả. Số tiền này là đóng trước một ngày người bệnh xuất viện. Như vậy thông tin người bệnh mất rồi vẫn kêu đóng tiền mới cho nhận xác là không đúng.
Về mặt chi phí điều trị bệnh viện rất minh bạch và được thể hiện 7 lần đóng viện phí. Đến chiều 26-1, người nhà đưa người bệnh về với gia đình.
*Khi gia đình phản ứng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM có giải thích thêm để gia đình thấu đáo sự việc không, thưa GSTS BS Trương Quang Bình?
Sau khi gia đình phản ứng tại sảnh bệnh viện như nội dung đăng tải trên mạng, PGS.TS BS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM đã gửi thư mời gia đình lên ngồi lại với bệnh viện để được giải thích thêm những vấn đề gia đình chưa rõ. Chúng tôi cũng đã họp tất cả bộ phận liên quan để nhìn lại toàn bộ những vấn đề liên quan đến vụ việc này. Trong quá trình này thì gia đình vẫn giữ liên lạc với bệnh viện.
Đến hôm nay (15-2), bệnh viện đã cử một đoàn cán bộ đến Đồng Tháp thăm hỏi gia đình. Bệnh viện muốn đến gia đình chia sẻ nỗi đau và giải thích những vấn đề liên quan đến chuyên môn và tài chính.
Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/benh-vien-dai-hoc-y-duoc-tp-hcm-len-tieng-clip-chet-5-ngay-dong-30-trieu-moi-cho-nhan-xac-20220215140548369.htm