Thứ năm, Tháng Một 23, 2025
HomePháp LuậtBà Trương Mỹ Lan ôm, động viên chồng tại tòa

Bà Trương Mỹ Lan ôm, động viên chồng tại tòa

TP HCMĐược tòa cho phép tiếp xúc ông Chu Lập Cơ sau hai năm bị bắt không được đến gần, nói chuyện, bà Trương Mỹ Lan ôm chầm lấy chồng, liên tục xoa tay động viên.

Ngày 5/11, phiên tòa phúc thẩm xem xét kháng cáo của bà Trương Mỹ Lan, 68 tuổi, và 47 bị cáo về các sai phạm tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (giai đoạn một vụ án) tiếp tục với phần xét hỏi của VKS và luật sư.

Trong giờ giải lao, HĐXX đã đồng ý đề nghị của luật sư Phan Trung Hoài (một trong 5 người bào chữa cho bà Lan), cho phép thân chủ được tiếp xúc với chồng là bị cáo Chu Lập Cơ, sau 2 năm họ không được nói chuyện, lại gần nhau (dù cùng trải qua nhiều tháng xét xử tại tòa). Lý do bà Lan muốn tiếp xúc với ông Cơ là “thấy ông lo lắng quá”.

Tại hàng ghế bị cáo, bà Lan ôm chầm lấy ông Cơ, rồi liên tục xoa tay chồng. Gương mặt ông Cơ giãn ra, đầy vẻ tập trung khi nghe bà Lan nói. Họ được cảnh sát tư pháp tạo điều kiện riêng tư để trò chuyện.

Hôm 4/4, tại phiên tòa sơ thẩm giai đoạn một vụ án, được nói lời sau cùng, ông Chu Lập Cơ nhiều lần xin tòa cho vợ “được sống” (bà Lan bị VKS đề nghị mức án tử hình cho 3 tội danh); xin cho mình “cơ hội cứu vợ” vì chỉ ông mới làm được việc khắc phục hậu quả, bằng những nỗ lực lớn nhất.

Bà Trương Mỹ Lan tại tòa phúc thẩm. Ảnh: Thanh Tùng

Bà Trương Mỹ Lan tại tòa phúc thẩm, ngày 4/11. Ảnh: Thanh Tùng

Trước đó, đại diện VKS đã đặt nhiều câu hỏi đối với bà Lan, để làm rõ nội dung kháng cáo “không kêu oan, chỉ mong được giảm án” như đã trình bày chiều hôm qua.

Bà Lan không trực tiếp trả lời vào câu hỏi, mà nhắc lại lời khai trước đây, rằng bản thân không hiểu luật, chỉ chuyên kinh doanh. Vì vậy, bà sẽ khai tất cả hành vi mình đã làm, phạm vào tội danh gì thì bà không biết, xin tòa xem xét cùng với các tình tiết có trong hồ sơ vụ án để có phán quyết đúng người, đúng tội.

Giọng chậm, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát nói mình rất buồn vì không trực tiếp làm gì cả, nhưng sẵn sàng chấp nhận mọi trách nhiệm.

“Các anh em tại SCB bảo thiếu tài sản thì bị cáo đưa vào, bởi SCB cần. Mong HĐXX hãy xem xét, bị cáo không chức vụ, chỉ xem những người ở SCB như người nhà, cần giúp đỡ…”, bà Lan phân trần, thêm rằng bản thân mình và các bị cáo “chỉ mong muốn làm sao cứu được SCB” nên mong HĐXX xem xét giảm án cho những bị cáo khác.

Đối với việc xin giải tỏa kê biên hàng loạt tài sản “khủng” như nhà đất 24 Lê Lợi (quận 1), biệt thự cổ 110-112 Võ Văn Tần, bất động sản hiện là trụ sở Vạn Thịnh Phát… bà Lan cho biết xin lại làm tài sản dự phòng để khắc phục, chứ “không có ý xin tài sản riêng về sử dụng”.

Trả lời luật sư Phan Trung Hoài về hơn 1.100 mã tài sản dùng đảm bảo cho hơn 2.500 khoản vay của SCB, bà Lan nói số tài sản này được Công ty thẩm định giá Hoàng Quân định giá 295.000 tỷ đồng (trong vụ án) là không đúng, chỉ bằng 60% giá trị thật. Thực tế, theo bị cáo, chỉ cần bán 10% trong các bất động sản đã được 500.000 tỷ đồng; 10% trong số cổ phần, cổ phiếu là được 100.000 tỷ.

Bà Lan không đồng ý để SCB xử lý tài sản vì không có kinh nghiệm. Bà đã có đơn xin được tham gia vào việc xử lý tài sản để thu hồi tài sản tối ưu nhất, không lãng phí tài sản quốc gia.

Ông Chu Lập Cơ tại phiên phúc thẩm. Ảnh: Thanh Tùng

Ông Chu Lập Cơ tại tòa, ngày 4/11. Ảnh: Thanh Tùng

Cũng bị xét hỏi, bị cáo Dương Tấn Trước, Tổng giám đốc Công ty Tường Việt, cam kết sẽ nộp lại hàng nghìn tỷ đồng đã nhận từ bà Lan. Ngoài xác định việc mình kháng cáo xin giảm nhẹ, bị cáo nêu một số tình tiết như khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án, mong muốn được xem là yếu tố để được giảm án.

Cụ thể, bị cáo đã nộp 53 tỷ đồng tiền mặt; 156 tỷ đồng tại các ngân hàng cùng nhiều bất động sản đang bị kê biên, đã được gia đình nhờ công ty bên ngoài thẩm định, cho thấy có thể khắc phục bản án, “thậm chí có dư”.

Ông Trước bị xác định đã thỏa thuận, thống nhất với bà Trương Mỹ Lan sử dụng các pháp nhân nhóm Công ty Tường Việt, phối hợp với cán bộ SCB, tạo lập hồ sơ vay vốn khống, rút tiền hơn 4.752 tỷ đồng, gây thiệt hại hơn 605 tỷ đồng lãi. Tổng giám đốc Công ty Tường Việt sau đó được bà Lan “cho” 1.498 tỷ đồng sử dụng vào các mục đích cá nhân; nhận của bà Lan hơn 2.204 tỷ đồng có nguồn gốc của SCB.

Sau khi vụ án được khởi tố, bị cáo đã khắc phục hậu quả, trả SCB hơn 813 tỷ đồng để tất toán các khoản vay của nhóm Công ty Tường Việt.

Trong buổi sáng nay, VKS cũng thẩm vấn nhiều bị cáo là lãnh đạo SCB và hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát như Trương Khánh Hoàng, Võ Tấn Hoàng Văn, Trương Huệ Vân… Tuy nhiên, phần lớn những người này chỉ xác định đơn kháng cáo còn lý do sẽ để luật sư của mình trình bày.

Theo bản án sơ thẩm, trong 10 năm thâu tóm SCB, bà Lan đã chỉ đạo đồng phạm giải ngân cho nhóm công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát tổng cộng hơn 2.500 khoản vay. Đến tháng 10/2022, nhóm bà Lan và Vạn Thịnh Phát còn gần 1.300 khoản vay dư nợ 677.000 tỷ đồng gốc và lãi. Tòa xác định đây là số tiền thiệt hại của vụ án và bà Lan có nghĩa vụ phải bồi thường cho SCB.

Hồi tháng 4, TAND TP HCM xử sơ thẩm tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan 20 năm tù về tội Đưa hối lộ; 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và tử hình về tội Tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt, bị cáo phải chấp hành án tử hình.

Trong vụ án này, bà Đỗ Thị Nhàn bị TAND TP HCM tuyên án tù chung thân về tội Nhận hối lộ. 3 cựu lãnh đạo của SCB gồm Đinh Văn Thành, Bùi Anh Dũng, cựu chủ tịch SCB và Võ Tấn Hoàng Văn cũng bị phạt tù chung thân.

81 bị cáo khác bị tuyên phạt từ 3 năm tù treo đến 20 năm tù về loạt tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng; Tham ô tài sản; Thiếu trách nhiệm; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Quốc Thắng – Hải Duyên

Nguồn: https://vnexpress.net/ba-truong-my-lan-om-chong-dong-vien-tai-toa-4812357.html

VnExpress Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay