Thứ năm, Tháng Một 23, 2025
HomePháp LuậtĐề xuất mới về xử lý vật chứng, tài sản: Một thử nghiệm...

Đề xuất mới về xử lý vật chứng, tài sản: Một thử nghiệm cần thiết

(PLO)- Cần có các quy định rõ ràng để xác định điều kiện cho việc bán hàng hóa và hủy bỏ các biện pháp thu giữ, nhằm đảm bảo việc xử lý vật chứng, tài sản được thực hiện một cách minh bạch và công bằng.

VKSND Tối cao vừa có tờ trình gửi Quốc hội về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số biện pháp xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự. Đáng chú ý, dự thảo nghị quyết đề xuất cho phép xử lý vật chứng, tài sản ngay trong các giai đoạn của quá trình giải quyết vụ án hình sự.

xu-ly-vat-chung.jpg
Đề xuất cho phép xử lý vật chứng, tài sản ngay trong các giai đoạn của quá trình giải quyết vụ án hình sự. (Ảnh minh họa: Một buổi xử lý vật chứng của cơ quan thi hành án dân sự)

Vấn đề vật chứng và xử lý vật chứng trong nhiều vụ án quả thực không đơn giản. Tùy từng loại, vật chứng có thể bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy. Đối với các vụ án đã có kết luận điều tra và đề nghị truy tố, cơ quan điều tra sẽ chuyển hồ sơ vụ án (bao gồm cả vật chứng) cho VKS có thẩm quyền. Đối với những vật chứng đang được bảo quản tại kho vật chứng, các kho này sẽ tiếp tục giữ vật chứng trong giai đoạn truy tố. Khi kết thúc giai đoạn truy tố, nếu VKS quyết định truy tố bị can, vật chứng của vụ án sẽ được chuyển đến kho vật chứng của cơ quan thi hành án dân sự để phục vụ cho quá trình xét xử và thi hành án. Đó là một quy trình phức tạp, kéo dài và do nhiều cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện.

Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, không phải cứ thu giữ vật chứng trong quá trình điều tra, truy tố là xử lý được hết các vấn đề liên quan. Việc bảo quản các loại vật chứng trong các vụ án kinh tế lớn như máy móc, thiết bị điện tử, thiết bị y tế trong sản xuất, phương tiện vận tải, thuốc, khoáng sản (than, quặng…), thiết bị năng lượng (tấm pin mặt trời, máy móc liên quan), xăng dầu, vật liệu nổ… thì cần khoản chi phí để thuê bến bãi, kho chứa hàng và kho lạnh bảo quản.

Trong khi đó, thời gian điều tra thường kéo dài (có vụ lên đến nhiều năm) khiến vật chứng có thể hư hỏng, xuống cấp, hết hạn sử dụng hoặc mất giá trị. Việc thuê kho bãi để lưu giữ, quản lý tốn kém nhưng sau khi kết thúc hoạt động tố tụng, vật chứng thường bị bán hoặc tiêu hủy (theo quyết định của tòa, căn cứ điểm c khoản 2 Điều 106 BLTTHS năm 2015). Từ đây dẫn đến số tiền thu được không tương xứng với chi phí thuê và quản lý, gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước.

Đối với những vụ án bị tạm đình chỉ nhưng vật chứng có số lượng, giá trị lớn; nếu để lâu thì mất giá trị sử dụng (gỗ…); thì việc xử lý đang gặp khó khăn. Bởi lẽ đa số vụ án bị tạm đình chỉ không xác định được thời hạn phục hồi, có thể kéo dài đến hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu tiêu hủy hoặc bán đấu giá thì phải có quyết định tịch thu, tiêu hủy; hoặc quyết định tịch thu, bán sung công. Hiện vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục, người có thẩm quyền ra quyết định xử lý loại vật chứng này.

Đã có nhiều nghiên cứu và gần nhất là các đề xuất trong dự thảo nghị quyết của Quốc hội (do VKSND Tối cao trình) đưa ra cơ chế xử lý hàng hóa tươi sống, hàng hóa dễ cháy, thuốc chữa bệnh, thuốc bảo vệ thực vật mà có hạn sử dụng ngắn hơn thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo hướng: Cho phép cơ quan điều tra bán theo quy định của pháp luật, sau đó gửi số tiền thu được vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra tại Kho bạc Nhà nước.

Ngoài ra, dự thảo nghị quyết còn đề xuất việc nộp tiền bảo đảm để cơ quan tiến hành tố tụng hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa. Biện pháp này nhằm tháo gỡ cho các trường hợp vật chứng, tài sản là bất động sản, giấy tờ có giá, chứng khoán…; nếu không tiếp tục được khai thác, sử dụng thì sẽ bị giảm hoặc mất giá trị.

Tóm lại, việc đưa ra cơ chế xử lý linh hoạt hơn, dễ dàng hơn trong dự thảo Nghị quyết Quốc hội là một bước đi tích cực và cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Đề xuất này không chỉ giúp tránh lãng phí mà còn bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu và người tiêu dùng. Một trong những lợi ích lớn nhất của cơ chế này là khả năng giữ được giá trị của tài sản, nhất là những vật chứng có thời gian sử dụng ngắn.

Ngoài ra, đề xuất về quy định nộp tiền bảo đảm để hủy bỏ các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa cũng thể hiện sự tiến bộ trong việc bảo vệ quyền lợi của cá nhân và tổ chức. Điều này cho phép các bên liên quan có cơ hội bảo quản tài sản hay duy trì đặc tính vốn có của tài sản, từ đó đưa tài sản vào lưu thông và phục vụ cho sự phát triển kinh tế – xã hội.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc áp dụng các quy định này phải được thực hiện một cách minh bạch và công bằng. Cần có các quy định rõ ràng để xác định điều kiện cho việc bán hàng hóa và hủy bỏ các biện pháp thu giữ, nhằm ngăn chặn các lạm dụng có thể xảy ra.

Một buổi xử lý vật chứng của cơ quan thi hành án dân sự.
Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Nguồn: https://plo.vn/de-xuat-moi-ve-xu-ly-vat-chung-tai-san-mot-thu-nghiem-can-thiet-post814744.html

PLO Logo

Hello Mình là Cải

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Tin Nóng Hôm Nay