Từ chiều 29-10, xôn xao trên các diễn đàn học sinh TP HCM đề thi giữa học kỳ I môn ngữ văn khối 10 được cho là của Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6, TP HCM).
Cụ thể, đề thi: “Hãy viết bài văn nghị luận bàn về Lối sống phông bạt của giới trẻ hiện nay”.
Đề kiểm tra trên yêu cầu học sinh làm bài trong thời gian 45 phút.
Đề kiểm tra ngay lập tức tạo ra nhiều tranh cãi, nhiều ý kiến trái chiều trên các diễn đàn học sinh, phụ huynh TP HCM.
Một số học sinh bày tỏ “trường bắt trend nhanh quá, nhưng đọc đề rớt nước mắt”, “đề ngắn càng khó lấy điểm cao, đề này viết 4-5 tiếng không đủ mà phải làm trong 45 phút…”.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, giáo viên ngữ văn một trường THPT tại quận 1, cho biết đề kiểm tra dùng từ “phông bạt” là không ổn; người ra đề ít nhất phải cho học sinh đọc một bài báo, hoặc trích dẫn một ngữ liệu liên quan đến lối sống phông bạt. Bởi từ “phông bạt” trong đề kiểm tra này được hiểu theo nghĩa lóng.
Mặt khác, có thể nói mỗi học sinh có một vùng quan tâm kiến thức xã hội khác nhau, có người quan tâm giới nghệ sĩ, cũng có em quan tâm lĩnh vực khác. Tuy là giới trẻ nhưng không phải ai cũng biết “lối sống phông bạt”, không phải ai cũng biết nghĩa của từ “phông bạt” nếu không có chú thích rõ, hoặc có ngữ liệu trích dẫn đi kèm.
Giáo viên này cho biết thêm đề kiểm tra như trên cũng chưa đáp ứng đủ yêu cầu của một đề kiểm tra theo yêu cầu của chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đề kiểm tra theo yêu cầu của chương trình mới gồm các phần “Đọc-hiểu, có kiến thức tiếng Việt và phần viết”. Như vậy thì với đề kiểm tra như trên chỉ đáp ứng được yêu cầu viết; phần đọc hiểu, có kiến thức tiếng Việt không có. Đây là đề cảm tính, chưa đúng tính chuyên môn. Có thể nói, dung lượng câu này chỉ chiếm khoảng ½ yêu cầu của một đề giữa kỳ.
Một giáo viên khác nhận xét đề kiểm tra hạn chế chỉ ra một câu, bởi không đúng cấu trúc đề, chưa nói đến việc bàn luận một vấn đề nghị luận chỉ trong vòng 45 phút là vô lý, quá sức với học sinh. “Đề phải có tính tường minh nhưng đề này thì không. Học sinh có thể dư sức viết nhưng với điều kiện phải cài đặt trong một ngữ liệu cụ thể. Trong khi đề kiểm tra này mênh mông, không logic. Không phản ánh đúng hết nội dung dạy học”- giáo viên này nhận xét.
Trong khi đó, một giáo viên khác nêu ý kiến “phông bạt” trong đề kiểm tra này được hiểu theo nghĩa lóng. “Lối sống phông bạt” nổi lên gần đây sau khi nhiều người trẻ bị phát hiện khoe khoang không đúng thực tế số tiền đã đóng góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại bởi bão số 3 vừa qua. Dù chương trình quy định đề kiểm tra giữa kỳ được thực hiện 45 phút, 60 phút… tùy các trường, riêng ở môn ngữ văn có thể chỉ cần kiểm tra nội dung đọc-hiểu, hoặc viết, hoặc kết hợp cả hai. Tuy nhiên, với đề kiểm tra trên còn thiếu tính khoa học, có thể giáo viên hơi vội vì muốn sáng tạo, đổi mới, bắt “trend” mà quên mất yêu cầu của đề luôn phải có tính tường minh, logic…
Nguồn: https://nld.com.vn/tranh-cai-xung-quanh-de-kiem-tra-ngu-van-ban-ve-loi-song-phong-bat-196241029194923266.htm