Vị khách hàng họ Giang (Bắc Kinh, Trung Quốc) đã chi 8.088 NDT (khoảng 28 triệu đồng) để mua một chiếc điện thoại di động qua một sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên khi nhận hàng, anh này cho biết mở hộp ra lại nhận về một viên gạch có kích thước tương đương. Khiếu nại với sàn thương mại điện tử và bên bán không thành công, Giang quyết định khởi kiện công ty bán điện thoại lên tòa án nhằm đòi lại quyền lợi.
Để chứng minh cho lời khai của mình, nam thanh niên đã cung cấp video quay lại quá trình mở hộp và hình ảnh của viên gạch. Tuy nhiên, phía công ty điện thoại bác bỏ cáo buộc này. Công ty lập luận rằng video của Giang không đủ thuyết phục vì trong một số giây quan trọng, hành động mở hộp của khách hàng bị che khuất.
Cụ thể, ở giây thứ 5 và 15, Giang quay lưng về phía camera, khiến video không thể hiện rõ tình trạng nguyên vẹn của gói hàng trước khi mở. Bên cạnh đó, hình ảnh trong video cho thấy Giang liên tục chạm vào hàng bên trong trước khi lấy cục gạch ra khỏi hộp, gây ra nghi ngờ về tính chân thực của quá trình mở hàng.
Ngoài ra, công ty bán điện thoại cũng đưa ra bằng chứng về trọng lượng của gói hàng. Theo hồ sơ chuyển phát nhanh, gói hàng được gửi đi có trọng lượng 0,554 kg, trong khi viên gạch men mà Giang trả lại có trọng lượng 0,605 kg. Công ty cho rằng điều này chứng tỏ hàng hóa đã bị thay đổi sau khi giao hàng. Công ty này cho biết sẵn sàng để cảnh sát vào cuộc điều tra để chứng minh quá trình mua bán minh bạch.
Sau khi xem xét các bằng chứng và lập luận từ hai phía, Tòa án Nhân dân Trung cấp số 2 Bắc Kinh nhận định rằng trọng tâm của vụ án là xác định liệu công ty điện thoại có giao đúng sản phẩm cho Giang hay không. Theo quy định của Luật Tố tụng Dân sự Trung Quốc, bên đưa ra yêu cầu bồi thường phải có trách nhiệm cung cấp đủ bằng chứng để chứng minh cho yêu cầu của mình.
Tuy nhiên, video do Giang cung cấp không đủ thuyết phục vì chỉ ghi lại một phần quá trình mở hộp và không thể hiện được tình trạng ban đầu của gói hàng trước khi mở. Ngoài video này, Giang không đưa ra thêm bất kỳ bằng chứng nào khác để chứng minh rằng mình đã nhận được viên gạch men thay vì điện thoại di động. Do đó, tòa án phán quyết rằng yêu cầu hoàn lại số tiền 8.088 NDT (khoảng 28 triệu đồng) của Giang không có cơ sở và bác bỏ đơn kiện.
Ngoài ra, theo báo cáo của Tòa án Nhân dân Trung cấp số 2 Bắc Kinh, trong 3 năm qua, tòa án này đã giải quyết tổng cộng 86 tranh chấp hợp đồng mua bán liên quan đến dịch vụ chuyển phát nhanh. Giá trị các mặt hàng trong những vụ kiện này ngày càng tăng, bao gồm đồ trang sức, đồ uống cao cấp, đồ gia dụng lớn, nội thất và các sản phẩm tùy chỉnh thủ công.
Tòa án cũng nhận định rằng người tiêu dùng thường ở thế bất lợi khi xảy ra tranh chấp nếu không kiểm tra kỹ hàng hóa khi nhận hoặc không cung cấp bằng chứng tình trạng nguyên vẹn ban đầu của gói hàng. Bên cạnh đó, một số công ty chuyển phát nhanh và nhà bán hàng không thống nhất thông tin, gây thêm rắc rối cho người tiêu dùng.
Để giảm thiểu rủi ro khi mua hàng trực tuyến, các cơ quan chức năng Trung Quốc khuyên người tiêu dùng cần: Chọn các nền tảng thương mại điện tử uy tín với chính sách bảo vệ người mua rõ ràng; Kiểm tra kỹ lưỡng hàng hóa trước khi ký nhận. Nếu có thể, hãy quay video quá trình mở hộp để làm bằng chứng; Phản hồi ngay lập tức nếu phát hiện hàng hóa không đúng thỏa thuận; Không tham rẻ mua hàng trên các nền tảng không chính thống hoặc các ứng dụng không có chính sách bảo vệ người mua rõ ràng.
(Theo Toutiao)
Nguồn: https://kenh14.vn/mua-dien-thoai-28-trieu-dong-qua-mang-nguoi-dan-ong-nhan-ve-cuc-gach-nhung-toa-an-tuyen-bo-anh-se-khong-duoc-boi-thuong-215250111183941854.chn